Lan tỏa hoạt động nghiên cứu, sáng tạo khoa học của sinh viên
Cập nhật vào: Thứ ba - 29/01/2019 23:10 Cỡ chữ
Với mục tiêu nâng cao chất lượng đào tạo, hướng đến hoạt động khởi nghiệp của sinh viên, thời gian qua, Trường đại học Bách khoa Hà Nội chú trọng các hoạt động nghiên cứu khoa học, sáng tạo trẻ. Vì vậy, nhiều đề tài nghiên cứu, sáng tạo ra đời, có khả năng ứng dụng vào thực tiễn.
Các đội đoạt giải cuộc thi "Sáng tạo trẻ" Trường đại học Bách khoa Hà Nội năm 2018.
Chia sẻ về đề tài: “Hệ thống quét 3D bằng ánh sáng cấu trúc sử dụng dịch pha kết hợp với mã Gray” vừa đoạt Giải nhất cuộc thi Sáng tạo trẻ Bách khoa 2018, trưởng nhóm nghiên cứu, sáng tạo đề tài Nguyễn Việt Kiên (Trường đại học Bách khoa Hà Nội) cho biết: Quét 3D đang là xu thế phát triển mạnh trong đo lường hiện đại, có tính ứng dụng cao và ưu thế lớn trong nhiều lĩnh vực của cuộc sống. Tuy nhiên, ở Việt Nam, vấn đề này còn khá mới. Các máy đo quét 3D được sử dụng ở Việt Nam chủ yếu nhập khẩu từ nước ngoài với giá thành rất cao.
Với suy nghĩ đó, từ năm 2016, nhóm nghiên cứu, sáng tạo KSV Team bắt đầu quan tâm vấn đề này. Sau khoảng thời gian dịch thuật, nghiên cứu, đến tháng 2/2018, nhóm bắt tay vào thiết kế chế tạo hệ thống quét sử dụng phương pháp ánh sáng cấu trúc dùng dịch pha kết hợp mã Gray với một máy chiếu và một ca-mê-ra. Đến tháng 5-2018, nhóm đã xây dựng thành công hệ thống và đo quét được đám mây điểm 3D của vật, dựng lên bề mặt vật, sau đó ứng dụng sản phẩm vào thực tế bằng việc đo quét cho những đơn vị có nhu cầu.
Trong khi đó, với đề tài: “Ứng dụng công nghệ in 3D chế tạo sản phẩm thay thế phục vụ y tế và giáo dục”, đoạt Giải nhì cuộc thi Sáng tạo trẻ Bách khoa 2018 cũng được Ban giám khảo đánh giá cao. Theo trưởng nhóm nghiên cứu, sáng tạo (BKV Team) Nguyễn Thành Quyết, hiện nay, tỷ lệ tai nạn giao thông, tai nạn lao động liên quan đến chấn thương sọ não ngày càng nhiều, có thể dẫn đến tử vong, cũng như nhiều hội chứng, bệnh lý khác. Một trong số đó là bị vỡ và mất đi một phần của vỏ hộp sọ. Ngoài ra, sau các phẫu thuật về chấn thương sọ não (bao gồm cả chấn thương sọ não kín và vết thương sọ não), các bệnh lý của não có liên quan tới mở hộp sọ, thường tồn tại các trường hợp có những khuyết hổng ở xương vòm sọ. Vì vậy, trong đề tài, nhóm BKV Team nghiên cứu, ứng dụng công nghệ in 3D để in các chi tiết xương bằng vật liệu nhựa sinh học PEEK (Poly-Ether Ether Ketone).
Đây là vật liệu vẫn khá mới mẻ ở Việt Nam. Nhóm đã kế thừa công nghệ in hiện nay và cải biến thêm phần điều khiển nhiệt và nhiệt để phù hợp với loại vật liệu. Giải pháp đã khắc phục hầu hết các yếu điểm của những phương pháp trước đó. Sản phẩm mà nhóm hướng tới chủ yếu phục vụ người bệnh có các bệnh lý cần thay thế một phần xương bị khuyết, giúp họ có thể có cuộc sống được tốt hơn. Bên cạnh đó, việc thay thế phần xương bị khuyết giúp cải thiện thẩm mỹ của người bệnh bị khuyết xương. Phương pháp này khắc phục các nhược điểm của các công nghệ cấy ghép xương hiện nay, đó là khó tạo hình phần xương ghép cho người bệnh và giá thành cao nhưng chỉ sử dụng được một lần. Đề tài còn mang ý nghĩa nhân văn khi đưa ra được phương pháp giúp các bệnh nhân điều trị hiệu quả hơn mà chi phí cũng thấp hơn các phương pháp hiện có ở trong nước.
Phó Giáo sư Lê Minh Thắng, Chủ tịch hội đồng Trường đại học Bách khoa Hà Nội cho biết: Tính sáng tạo trong cuộc thi khá cao. Những sản phẩm nghiên cứu, sáng tạo đều có tính thực tiễn cũng như khả năng ứng dụng cao. Trong đó, nhiều sản phẩm có tính định hướng hoàn thiện tốt. Các sản phẩm đều có sự cải thiện rõ rệt. Theo ý kiến đánh giá của các thầy giáo, cô giáo, nhà khoa học, sản phẩm nghiên cứu, sáng tạo của sinh viên khá đa dạng, mang đậm “chất” Bách khoa, độc đáo, có tính mới, thể hiện được công nghệ cốt lõi; sinh viên nắm chắc kiến thức, kỹ năng về sản phẩm cũng như khả năng thuyết trình đề tài tự tin.
Năm 2018, nhà trường nhận được 70 ý tưởng, đề tài nghiên cứu, sáng tạo của 250 sinh viên thuộc 10 lĩnh vực chuyên môn, trong đó có nhiều ý tưởng mới, có tính đột phá như: Hệ thống quét 3D bằng ánh sáng cấu trúc sử dụng dịch pha kết hợp với mã Gray; nghiên cứu tính toán thiết kế và chế tạo máy bắn bóng ten-nít tự động; ứng dụng công nghệ in 3D chế tạo sản phẩm thay thế phục vụ y tế và giáo dục; xử lý nước thải hữu cơ độc hại khó phân hủy dưới tác dụng của ánh sáng mặt trời... Cũng theo lãnh đạo Trường đại học Bách khoa Hà Nội, đích đến trong hoạt động nghiên cứu, sáng tạo không chỉ giúp các em yêu thích, say mê nghiên cứu, sáng tạo khoa học, kỹ thuật mà còn hướng đến hoạt động khởi nghiệp của sinh viên; lấy sáng tạo làm mục tiêu trong học tập, nghiên cứu hướng đến khởi nghiệp trong tương lai.
Theo Báo Nhân dân