Đối thoại “năng lượng tái tạo và vật liệu tương lai”
Cập nhật vào: Thứ ba - 16/11/2021 20:56 Cỡ chữ
Quỹ VinFuture vừa tổ chức buổi đối thoại khoa học trực tuyến toàn cầu theo chủ đề “Năng lượng tái tạo và vật liệu tương lai”. Chương trình có sự tham gia của nhiều nhà khoa học tầm cỡ thế giới, đặc biệt có sự tham gia của Giáo sư Konstantin (Kostya) Sergeevich Novoselov, nhà khoa học đạt giải Nobel Vật lý. Sự kiện là cầu nối đưa tri thức - công nghệ đến gần hơn với đại chúng với những giải pháp ứng dụng khoa học hiệu quả trong cuộc sống.
Mục đích buổi đối thoại là nhằm chia sẻ kiến thức khoa học nền tảng và ứng dụng của năng lượng - vật liệu mới trong nỗ lực ứng phó với cuộc khủng hoảng năng lượng trên toàn thế giới. Đặc biệt, các nhà khoa học trẻ tham gia chương trình không chỉ được trực tiếp thảo luận với các nhà khoa học có tầm ảnh hưởng toàn cầu mà còn có thể giao lưu chia sẻ các cơ hội, thách thức khi khởi nghiệp, đưa các công trình nghiên cứu từ phòng thí nghiệm tới dây chuyền sản xuất công nghiệp và cuộc sống.
Đáng chú ý trong buổi đối thoại có chủ nhân giải Nobel Vật lý - Giáo sư Konstantin (Kostya) Sergeevich Novoselov - dẫn dắt chủ đề đối thoại vật liệu tương lai. Là nhà khoa học trẻ nhất từng đạt giải Nobel Vật lý từ năm 1973, ông có sức ảnh hưởng toàn cầu trong lĩnh vực vật lý chất rắn và công nghệ nano. Thí nghiệm đột phá của ông về Graphene, loại vật liêu siêu mỏng nhẹ, siêu bền và siêu cứng hứa hẹn sẽ làm thay đổi sâu sắc ngành khoa học điện tử, công nghiệp và y học. Hiện tại, Giáo sư Novoselov là Giáo sư của Hiệp hội Hoàng gia Anh, thành viên Viện Hàn lâm Khoa học Quốc gia Hoa Kỳ, đồng thời giữ vị trí “Giáo sư thế kỷ Tan Chin Tuan” và Giám đốc Viện Vật liệu Thông minh tại Đại học Quốc gia Singapo. Liên tục từ năm 2014, Giáo sư Novoselov luôn có tên trong danh sách các nhà khoa học được trích dẫn nhiều nhất thế giới và nằm trong Top 0.01% thế giới về lĩnh vực Khoa học & Công nghệ Nano (theo PLOS, 2021).
Ngoài ra, buổi đối thoại còn thu hút nhiều chuyên gia nổi tiếng khác, như nữ Giáo sư Nguyễn Thục Quyên, Giám đốc Trung tâm Polyme và Chất rắn Hữu cơ và Giáo sư Hóa học & Hóa Sinh, Đại học California, Santa Barbara, Hoa Kỳ, chia sẻ về chủ đề năng lượng mặt trời. Với hơn 418 công trình nghiên cứu, 24 bằng sáng chế về năng lượng tái tạo, các thiết bị điện tử - hữu cơ, pin mặt trời và quang điện…, liên tiếp trong 5 năm từ 2015 đến 2019, Giáo sư Thục Quyên được bình chọn là một trong các bộ óc khoa học có ảnh hưởng nhất thế giới. Bà cũng liên tục nằm trong Top 1% các nhà nghiên cứu Khoa học Vật liệu được trích dẫn nhiều nhất theo số liệu của Công ty Thomson Reuters và Clarivate Analytics.
Nhiều lãnh đạo doanh nghiệp cũng tham gia buổi đối thoại, như Tiến sĩ Corey Hoven, Nhà Sáng lập và Giám đốc Kỹ thuật của công ty Next Energy Technologies đã chia sẻ về sự kết nối giữa nghiên cứu khoa học và ứng dụng thực tiễn. Công ty của ông đã thương mại hóa thành công phát minh về cửa sổ thông minh tạo ra điện năng cho các tòa nhà cao tầng tận dụng nguồn năng lượng mặt trời.
Chương trình đối thoại khoa học của VinFuture, hướng đến không gian đối thoại cởi mở với công chúng, góp phần lan tỏa những giá trị tốt đẹp của “khoa học phụng sự nhân loại”, phù hợp với 17 Mục tiêu Phát triển Bền vững của Liên hợp quốc (SDGs). Đối thoại luôn dành thời lượng đặc biệt cho các sinh viên, nghiên cứu sinh, nhà khoa học, doanh nhân công nghệ trẻ ở Việt Nam và trên toàn thế giới. Họ có cơ hội chia sẻ những quan điểm mới mẻ, ý tưởng đột phá, cùng những trăn trở về chủ đề nghiên cứu hoặc dự án khởi nghiệp từ khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo để được giải đáp thắc mắc cùng các nhà khoa học khách mời.
Theo Tiến sĩ Lê Mai Lan, Phó Chủ tịch Tập đoàn Vingroup kiêm Đại diện ủy quyền Quỹ VinFuture, với việc tổ chức chuỗi đối thoại khoa học này, VinFuture khuyến khích các nhà khoa học chia sẻ những công trình và phát minh vĩ đại của họ bằng ngôn ngữ dễ hiểu, giúp khoa học trở nên gần gũi, trở thành một phần không thể tách rời của cuộc sống hàng ngày. Đồng thời, Quỹ VinFuture truyền cảm hứng cho giới trẻ về trách nhiệm đối với vấn đề cấp thiết mang tính toàn cầu, quan tâm và theo đuổi nghiên cứu khoa học để chung tay giải quyết những vấn đề đó.
NASATI