Cơ hội từ công nghệ Metaverse
Cập nhật vào: Thứ năm - 08/09/2022 00:01 Cỡ chữ
Là một trong những xu hướng tương lai của Internet, công nghệ vũ trụ ảo (Metaverse) đang là một xu hướng mới trên toàn thế giới. Hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia Việt Nam không nằm ngoài xu hướng đó với sứ mệnh kết nối các nguồn lực tới start-up trong lĩnh vực Metaverse, để công nghệ vũ trụ ảo tạo ra những giá trị thật.
Được xem là tương lai công nghệ và gắn với nhiều định nghĩa, song theo cách hiểu chung nhất, Metaverse là sự pha trộn giữa thế giới thực và thế giới ảo, thông qua các công cụ thực tế ảo (VR), thực tế ảo tăng cường (AR), mô hình mô phỏng, mạng internet và công nghệ lõi... cho phép người dùng có được những trải nghiệm rất chân thật.
Nhận thức được xu hướng Metaverse sẽ sớm là xu hướng chung của Internet, nhiều hãng công nghệ lớn trên thế giới đã tham gia Metaverse này như Microsoft, Facebook, Nvidia, Epic Games và Roblox, Match Group... Việc các các hãng công nghệ lớn đẩy mạnh đầu tư vào Metaverse đang dự báo sức nóng của cuộc chạy đua mới trong tương lai. Theo hãng tin Bloomberg, năm 2020, giá trị thị trường của Metaverse đã đạt gần 500 tỷ USD và có thể lên tới 800 tỷ USD vào năm 2024. Số lượng người tham gia các nền tảng vũ trụ ảo, tính đến hết tháng 3/2022, đã tăng gấp 10 lần so với đầu năm 2020 và lượng người dùng các thiết bị thực tế ảo đã đạt hơn 28 triệu người. Những con số này cho thấy Metaverse sẽ tạo ra sự bùng nổ không chỉ về công nghệ mà còn tác động lớn tới nền kinh tế thực.
Qua đại dịch COVID-19, thế giới hiểu rằng không thể thiếu sự tương tác vì đây chính là một nhu cầu thiết yếu của con người. Những khoảng thời gian giãn cách xã hội hay hạn chế đi lại khiến cho nhu cầu tương tác tăng lên một cấp độ mới và những dịch vụ tương tác như Metaverse lại càng có thêm triển vọng. Công nghệ Metaverse trong tương lai được kỳ vọng sẽ là một kho báu chính đáng để gia tăng mức độ tương tác của thế giới.
Tại Việt Nam, một số doanh nghiệp đã có những bước đi ban đầu trong nghiên cứu Metaverse, Tổng Công ty Công nghiệp công nghệ cao Viettel (trực thuộc Tập đoàn Viettel) đã đầu tư vào việc nghiên cứu, thiết kế và làm chủ các công nghệ mô phỏng hiện đại không chỉ trong lĩnh vực quân sự mà còn cả dân sự. Trong giới khởi nghiệp, tại các trung tâm lớn về khởi nghiệp sáng tạo ở Singapore, Seoul (Hàn Quốc), Thung lũng Silicon (Mỹ) và nhiều nơi khác trên thế giới đã quen thuộc với cụm từ Metaverse. Trong khi đó ở Việt Nam, đây là lần đầu tiên Metaverse được xuất hiện trên bản đồ của hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Đó là một xu hướng công nghệ, một mô hình kinh doanh rất mới hướng tới tương lai.
Trong khuôn khổ Techfest Việt Nam 2022, lần đầu tiên các start-up Việt Nam dành nhiều quan tâm đến sự ra đời của Làng Công nghệ Metaverse. Nó được hình thành trước bối cảnh nhiều quốc gia, tập đoàn lớn trên thế giới đã có những sự đầu tư chiến lược đối với Metaverse. Nhiều chuyên gia nhận định, nhân loại đang đứng trước điểm rơi hội tụ công nghệ cho chuyển đổi số bao gồm các công nghệ chính như: IoT, 5G, 6G, điện toán đám mây, dữ liệu lớn, trí tuệ nhân tạo, blockchain... Các công nghệ này đang tiến dần tới giai đoạn trưởng thành để trở thành hạ tầng, công cụ cho chuyển đổi số. Metaverse là nơi giao thoa và hội tụ các công nghệ số.
Làng công nghệ Metaverse được hình thành nhằm định hướng trở thành một cổng kết nối quốc gia cho các nhà quản lý, nhà nghiên cứu, chuyên gia, tập đoàn, quỹ đầu tư, tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp, các tổ chức và cá nhân... trong và ngoài nước nhằm hỗ trợ cho các doanh nghiệp khởi nghiệp. Qua đó, góp phần thúc đẩy kinh tế số, xã hội số, công dân số cũng như chủ động tham gia Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, phát huy và khai thác tiềm năng, tận dụng xu thế để góp phần xây dựng Việt Nam trở thành trung tâm đổi mới sáng tạo của khu vực. Với giá trị được dự báo có thể đạt hàng trăm tỷ USD, Metaverse đang là thị trường thu hút sự chú ý của giới khởi nghiệp và giới đầu tư. Trên thực tế các start- up Việt cũng đã đón đầu xu hướng này. Một số chuyên gia còn cho rằng Metaverse sẽ là điểm đến cuối cùng của các công ty công nghệ số trong thế kỷ 21 này. Bởi đây là một ngành mới, nhiều lợi thế và tiềm năng, tuy nhiên điều làm Metaverse chưa thực sự phổ biến với đại chúng chính là giới hạn về công nghệ.
Nhiều chuyên gia tin rằng thế giới số là một trong những mục tiêu dài hạn mà nhiều start-up khác mong muốn gây dựng và phát triển. Hiện nay các công ty công nghệ đều đang chi hàng tỷ đô mỗi năm cho việc phát triển về công nghệ này. Công ty mẹ của Facebook cũng đã đổi tên thành Meta - minh chứng cho việc tăng tốc phát triển công nghệ này trong thời gian tới.
Với sứ mệnh tiên phong lan toả, góp phần đưa công nghệ thực tế ảo từng bước ứng dụng vào cuộc sống, Làng Metaverse sẽ kết nối start-up Việt với quốc tế và tiếp cận với những nền tảng công nghệ mới nhất, bắt kịp xu hướng công nghệ toàn cầu và tạo ra được giá trị mới trong lĩnh vực công nghệ thực tế ảo tại Việt Nam. Từ đó, giúp cho hệ sinh thái khởi nghiệp phát triển mạnh mẽ, hệ sinh thái Metaverse Việt Nam có thể kết nối rộng ra thế giới.
Hiện nay, Làng Metaverse đang tìm kiếm những dự án Metaverse tiềm năng, triển vọng để phát triển thành những dự án lớn, của quốc gia. Dự kiến từ nay đến cuối năm, Làng Metaverse sẽ hỗ trợ 800 doanh nghiệp lên nền tảng Metaverse; tổ chức Cuộc thi khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Metaverse; gây dựng Quỹ học bổng Metaverse tài trợ cho các nghiên cứu sinh tiến sĩ về kinh tế số, blockchain, Meta Economy, mô hình đô thị thông minh trên Metaverse; tổ chức Diễn đàn Đầu tư Metaverse, chương trình thực tế trải nghiệm sản phẩm Metaverse... Tuy nhiên, theo các chuyên gia, bên cạnh các cơ hội cũng phải bàn tới những thách thức của Metaverse. Các khung pháp lý của Việt Nam đối với blockchain - một trong những hạ tầng quan trọng nhất của Metaverse - vẫn sẽ phải mất thêm thời gian để hoàn thiện. Trong vài năm tới, có thể tiến tới việc tạo dựng khung pháp lý để hợp thức hóa quyền sở hữu tài sản, tiêu thụ tài sản trên Metaverse. Ngoài ra, tham gia hoạt động này còn đòi hỏi nguồn nhân lực có hiểu biết nhiều lĩnh vực công nghệ cao.
P.A.T (Tổng hợp)