JICA khảo sát mức độ sẵn sàng cho Cách mạng công nghiệp 4.0 của Việt Nam

Nhật Bản muốn hợp tác với Việt Nam và một số nước Đông Nam Á để triển khai chương trình hợp tác về những lĩnh vực tiên phong trong công nghiệp 4.0. Ngày 04/6/2019, đoàn chuyên gia của Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) đã có buổi làm việc với Ban Quản lý Khu Công nghệ cao Hòa Lạc (HHTP) để khảo sát mức độ sẵn sàng cho Cách mạng công nghiệp 4.0 tại Việt Nam đối với một số lĩnh vực công nghệ tiên phong như Internet vạn vật (IoT), Trí tuệ nhân tạo (AI), Robotics, v.v…, đặc biệt là ngành công nghiệp sản xuất. Đây là hoạt động nằm trong khuôn khổ chương trình hợp tác của JICA nhằm tìm hiểu mức độ sẵn sàng phát triển của ngành công nghiệp 4.0 tại một số nước trong khu vực Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam.

                                                                    

Khung hợp tác đề xuất của JICA trong Chương trình 4.0 ở Đông Nam Á | Nguồn: JICA

Tại buổi làm việc, hai bên đã trao đổi thảo luận về kế hoạch triển khai Chương trình 4.0; thực trạng hoạt động khởi nghiệp và sản xuất của doanh nghiệp trong các lĩnh vực liên quan đến công nghiệp 4.0; tình hình phát triển nguồn nhân lực chuẩn bị cho Cách mạng công nghiệp lần thứ 4; những khó khăn và thách thức trong quá trình triển khai Chương trình 4.0 tại Việt Nam và những hoạt động JICA có thể hỗ trợ Việt Nam trong thời gian tới, v.v…

Đây là những bước đầu tiên trong việc JICA lập khảo sát đánh giá về Việt Nam, nhằm lên dự thảo kế hoạch hợp tác và đưa ra nội dung các chương trình thí điểm vào tháng 9/2019 sắp tới. Nếu việc hợp tác được quyết định triển khai, trong vòng hơn 1 năm, đến hết 2020, Việt Nam và Nhật Bản sẽ có 2 chương trình triển khai trong nước và 2 chương trình ở nước ngoài tại tầm quản lý trở xuống, trong đó có kết nối ngành công nghiệp. Sau giai đoạn trên, có khả năng hai bên sẽ nâng tầm hợp tác lên các nhà điều hành ngành công nghiệp và các nhà ra chính sách của chính phủ.

Nhật Bản cho biết chương trình 4.0 của họ có một số nét khác biệt về triết lý và ứng dụng so với xu thế toàn cầu. Thay vì việc đẩy mạnh tiêu chuẩn hóa quốc tế, triển khai các thực hành tốt nhất, đại trà phương pháp cho các bên, tự động hóa tối đa, mở dữ liệu hoàn toàn và phát triển mạng IoT kết nối toàn cầu, thì Nhật Bản muốn phát triển các chương trình mang tính địa phương, tùy chỉnh theo nhu cầu của khu vực, ưu tiên hệ thống hợp tác người- người và chỉ tự động hóa, chia sẻ thông tin trong phạm vi cần thiết.

                                                                

                                             Các chuyên gia của JICA tham quan xưởng thiết kếSTEM robotics tại Trung tâm IoT Innovation Hub | Ảnh: Khu CNC Hòa Lạc

Nhân chuyến công tác tại Khu Công nghệ cao Hòa Lạc, đoàn chuyên gia của JICA đã tới tham quan Trung tâm Đổi mới sáng tạo về Internet vạn vật (IoT Innovation Hub) để tìm hiểu mô hình và các nền tảng hỗ trợ đổi mới sáng tạo tới nhà nghiên cứu, doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo trong lĩnh vực công nghiệp 4.0. Mặc dù mới được thành lập tháng 4/2019 do sự hợp tác của Bộ KH&CN và Công ty Ericsson (Thụy Điển), nhưng IoT Innovation Hub đã cho thấy đây là một mảnh đất tốt để gieo hạt ý tưởng đổi mới sáng tạo và ươm mầm tài năng Việt. Trung tâm này cũng là một trong những cơ sở quan trọng của Bộ KH&CN nhằm mục đích đẩy nhanh tiến độ IoT của Việt Nam trong thời gian ngắn vài năm tới.

Được biết, sau chuyến khảo sát lần này tại Việt Nam, đoàn chuyên gia của JICA sẽ tiếp tục sang các nước Inđônêxia, Myanmar, Malaixia và Thái Lan để khảo sát mức độ sẵn sàng cho Cách mạng công nghiệp 4.0 của các nước này, trước khi lựa chọn và đề xuất khung hợp tác triển khai Chương trình 4.0 cấp Chính phủ giữa các bên.

Ngô Hà (Theo HHTP)