Vắc xin cúm có thể cứu sống bệnh nhân bị suy tim

Những bệnh nhân suy tim dễ bị mắc cúm với những biến chứng phức tạp hơn so với những người khác. Mới đây, một nghiên cứu mới của nhóm nghiên cứu Trường Đại học Copenhagen (Đan Mạch) đã tiết lộ rằng việc tiêm phòng cúm có thể có tác động đáng kể trong việc kéo dài tuổi thọ ở những bệnh nhân này.

Tầm quan trọng của vắc-xin cúm được nhìn nhận rõ hơn nữa trong nghiên cứu mới.

Hầu hết các bác sĩ, các nhà khoa học và các chuyên gia y tế khác xem việc tiêm chủng vắc-xin cúm là cách bảo vệ an toàn và hiệu quả để chống lại bệnh cúm cho mọi người. Vắc-xin, thường được tiêm dưới dạng thuốc tiêm, có chứa một lượng nhỏ vi-rút cúm không hoạt hóa. Những virus này không gây hại ở trạng thái này nhưng lại có tác dụng kích hoạt cơ thể con người tạo ra kháng thể để chống lại chúng. Điều này có nghĩa là sau lâu tiêm chủng này, khi bị virus cúm xâm nhập vào cơ thể, cơ thể sẽ tự tạo ra phản ứng tương tự một cách nhanh chóng chống lại chúng. 

Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC) khuyên trên 6 tháng tuổi nên tiêm phòng cúm. Tuy nhiên, có một số người dễ gặp phải các biến chứng liên quan đến cúm, thậm chí dẫn đến tử vong bao gồm những người 65 tuổi trở lên, những người đang mang thai và những người đang có tình trạng bệnh lý nào đó chẳng hạn như bệnh tim.

Trong nghiên cứu này, các nhà nghiên cứu đã xem xét mức độ ảnh hưởng của một mũi tiêm phòng cúm đối với tỷ lệ sống sót của những người được chẩn đoán mắc bệnh suy tim. Những người thuộc nhóm này là những bệnh nhân lớn tuổi và dễ gặp phải những vấn đề về sức khỏe khác. Đối với những người này, nhiễm cúm có thể là một vấn đề nghiêm trọng.

Họ đã phân tích tổng số dữ liệu của 134.048 người Đan Mạch được chẩn đoán suy tim mới. Họ cũng đã thu thập dữ liệu từ một số cơ quan đăng ký lưu trữ thông tin quốc gia về hồ sơ bệnh án, đơn thuốc và nguyên nhân tử vong. Mỗi người sinh ra ở Đan Mạch đều nhận được một số nhận dạng cá nhân duy nhất do đó con số này cho phép các nhà nghiên cứu theo dõi được những người cụ thể trong suốt thời gian 12 năm, từ 2003 đến 2015.

Các kết quả từ phân tích dữ liệu đã được công bố trên tạp chí the American Heart Association's journal Circulation. Số lượng người tiêm phòng cúm cho thấy gia tăng đáng kể sau khi nhiều phát hiện từ nghiên cứu được đưa ra ánh sáng. Cụ thể, năm 2003, chỉ có 16% những người bị suy tim tiêm vắc-xin phòng cúm nhưng trong năm 2015, con số này đã tăng lên 52%.

Các nhà nghiên cứu cũng tìm thấy mối liên hệ giữa việc tiêm phòng cúm và nguy cơ tử vong giảm 18% ngay cả sau khi bệnh nhân có dùng thuốc men điều trị, có các vấn đề sức khỏe khác…

Như vậy, nghiên cứu này đã cho thấy tầm quan trọng của việc tiêm phòng cúm thường xuyên. Cụ thể tiêm vắc-xin phòng cúm hàng năm sau khi được chẩn đoán mắc suy tim cho thấy đã giảm 19% nguy cơ tử vong do tim mạch và nguy cơ tử vong do mọi nguyên nhân so với những người không được tiêm vắc-xin. Đối với những người bị cúm ít hơn 1lần/năm, việc tiêm phòng cúm giúp giảm 8% nguy cơ tử vong do tim mạch và giảm 13% nguy cơ tử vong do mọi nguyên nhân khác khi so sánh với những người chưa bao giờ tiêm phòng.

Yếu tố cuối cùng mà các nhà nghiên cứu xác định là thời điểm tiêm phòng cúm. Nhóm nghiên cứu đã phát hiện thấy số ca tử vong do tim mạch và mọi nguyên nhân giảm khi mọi người tiêm vắc-xin vào đầu mùa cúm, thường là vào khoảng tháng 9 hoặc tháng 10, thay vì vào tháng 11 và tháng 12. Hạn chế của nghiên cứu này là các nhà khoa học chỉ nghiên cứu đối với những người mới được chẩn đoán mắc bệnh suy tim.

Daniel Modin, tác giả chính của nghiên cứu, hy vọng rằng nghiên cứu này giúp các bác sỹ tim mạch và bệnh nhân suy tim nhận thức được việc tiêm phòng cúm quan trọng như thế nào đối với bệnh nhân của họ.

P.T.T (NASATI), theo https://www.medicalnewstoday.com/articles/324057.php. 05/01/2019 

Nguồn tin: NASATI