Tuổi thọ con người sẽ vẫn gia tăng?
- Thứ tư - 21/12/2022 03:52
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Theo một nghiên cứu gần đây của Viện Thống kê và Nghiên cứu Kinh tế Quốc gia Pháp (INSEE), những trẻ em sinh năm 2022 có thể sống đến 90 tuổi. Tuổi thọ kỷ lục này là một phần do điều kiện sống, đời sống xã hội ngày càng tốt và những tiến bộ không ngừng gia tăng trong y học.
Nghiên cứu gần đây của INSEE ước tính rằng đối với những người sinh năm 2022, tuổi thọ trung bình của phụ nữ sẽ sớm có thể đạt 93 tuổi và 90 tuổi đối với nam giới. Mỗi năm, tuổi thọ trung bình tăng thêm hai đến ba tháng, khoảng cách tuổi thọ giữa hai giới đã thu hẹp nhờ cuộc sống tiện nghi phổ quát, những tiến bộ của y học và dinh dưỡng tốt hơn. Nghiên cứu cũng cho thấy năm 1950, tuổi thọ trung bình của phụ nữ là 80,4 tuổi và của nam giới là 72,8 tuổi. Do đó, các thế hệ mới đã tăng được 13 năm tuổi thọ trong 70 năm.
Trong những thập kỷ qua, tuổi thọ trung bình của con người đã tăng đáng kể trên toàn cầu. Một người sinh năm 1960, năm đầu tiên mà Liên hiệp quốc bắt đầu lưu số liệu toàn cầu có thể sống đến 52,5 tuổi. Ngày này, tuổi thọ trung bình là 72. Ở Anh, dữ liệu về tuổi thọ được ghi nhận sớm hơn nhiều và do đó, bằng chứng về sự gia tăng của tuổi thọ trung bình càng mạnh mẽ. Năm 1841, một bé gái ở Anh sẽ sống khoảng 42 năm và bé trai sống 40 năm. Đến năm 2016, một bé gái có thể sống đến 83 tuổi còn bé trai thì sống đến 79 tuổi. Những kết luận là y học hiện đại và các sáng kiến về sức khỏe cộng đồng đã giúp chúng ta sống lâu hơn trước đây.
Đã có những người đầu tiên trong lịch sử nhân loại may mắn vượt qua các ngưỡng tuổi 70, 80, 90 rồi 100 rồi 110. Theo nhiên cứu của giáo sư Kenneth Wachter về nhân khẩu học và thống kê của Đại học California, Berkeley, Mỹ, không có một giới hạn cụ thể nào về tuổi thọ của con người. Mặc dù có thể rất ít người đạt đến số tuổi hiếm có nào đó, điều này sẽ không xấu mãi. Vấn đề giới hạn tuổi thọ hay tuổi thọ tối đa của con người là chủ đề tranh luận của các nhà khoa học nghiên cứu về chủ đề này.
Năm 2017, các nhà nghiên cứu ở trường đại học McGill ở Montreal, Canada đã xuất bản nghiên cứu phản bác lại bài báo khoa học trên tạp chí Nature trước đó rằng tuổi thọ tối đa của con người là khoảng 115 tuổi. Các tiến bộ khoa học ngày nay cho phép đặt ra hi vọng giúp làm tăng tuổi thọ của con người nhờ công nghệ. Một trong những công nghệ có thể sớm có mặt trong tương lai là công nghệ sản xuất tạng thay thế từ protein và tế bào của chính bệnh nhân.
Tuy nhiên, sự gia tăng tuổi thọ trung bình này có thể bị chặn đứng do biến đổi khí hậu. Gérard François-Dumont, nhà nhân khẩu học cho biết: “Nếu chúng ta không thích ứng với biến đổi khí hậu, tuổi thọ có thể bị ảnh hưởng. Thích ứng với những thách thức khí hậu là điều cần thiết. Ô nhiễm và các bệnh mới có thể tác động đến tỷ lệ tử vong và có nguy cơ làm tan vỡ những giấc mơ về một tương lai mà tất cả chúng ta sẽ gần trăm tuổi. Tuổi thọ với sức khỏe tốt là một vấn đề xã hội. Trước những thách thức khác nhau của thế kỷ 21, việc tiếp cận với mức tuổi thọ cao như vậy chỉ diễn ra trong những điều kiện tốt. Kể từ khi loài người lưu trữ dữ liệu nhân khẩu học để thống kê tuổi thọ hơn 100 năm nay, có thể thấy chúng ta đang sống thọ nhưng nhưng tuổi thọ tối đa của con người vẫn còn là ẩn số”.
P.A.T (NASATI), theo https://www.healthline.com/; https://www.santemagazine.fr/, 12/2022