Quản lý sớm bệnh đái tháo đường thai kỳ có thể ngăn ngừa các biến chứng, cải thiện kết quả sức khỏe
- Thứ tư - 10/07/2024 01:05
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Theo một loạt bài báo mới công bố trên The Lancet, việc thay đổi xét nghiệm và quản lý sớm bệnh đái tháo đường thai kỳ (GDM) trong giai đoạn mang thai (trước 14 tuần) có thể ngăn ngừa các biến chứng về sức khỏe cho cả mẹ và bé. Các tác giả của loạt bài báo phản đối cách tiếp cận hiện tại đối với việc quản lý GDM-chỉ tập trung vào GDM giai đoạn muộn (từ 24 tuần), kêu gọi các nhà nghiên cứu nỗ lực phát hiện và phòng ngừa tình trạng này tốt hơn bằng các cách tiếp cận tích hợp, được cá nhân hóa trong suốt cuộc đời cho những người gặp phải hoặc người có nguy cơ mắc GDM.
GDM, còn được gọi là bệnh tiểu đường thai kỳ và là bệnh tiểu đường xuất hiện trong thời kỳ mang thai, lượng đường của họ trong máu cao hơn mức trung bình nhưng không cao bằng bệnh tiểu đường. Nó là biến chứng thai kỳ nội khoa phổ biến nhất trên toàn thế giới, ảnh hưởng đến 1/7 (14%) số phụ nữ mang thai.
Khi tình trạng béo phì và các tình trạng trao đổi chất khác không ngừng gia tăng trên khắp thế giới, nhiều phụ nữ trong độ tuổi sinh sản sẽ gặp phải tình trạng glucose/insulin bất thường ở một mức độ nào đó, dẫn đến gặp phải nguy cơ biến chứng thai kỳ cũng như tình trạng sức khỏe sau này cao hơn, chẳng hạn như bệnh tiểu đường tuýp 2 (T2D) và bệnh tim mạch.
Giáo sư David Simmons tại Trường Đại học Western Sydney, Australia, người đứng đầu loạt bài báo cho biết: “Loạt bài báo mới của chúng tôi nhấn mạnh nhu cầu cấp thiết cần có một sự thay đổi lớn trong cách chẩn đoán và quản lý GDM lần đầu tiên, không chỉ trong thời kỳ mang thai mà trong suốt cuộc đời của bà mẹ và con họ”. "GDM là một căn bệnh ngày càng phức tạp và không có cách tiếp cận chung nào để quản lý nó. Thay vào đó, các yếu tố nguy cơ riêng biệt và hồ sơ về tình trạng trao đổi chất của bệnh nhân cần được xem xét kỹ để hướng dẫn họ vượt qua thai kỳ và hỗ trợ họ sau đó để đạt được tình trạng sức khỏe tốt nhất cho phụ nữ và trẻ sơ sinh ở khắp mọi nơi để các bà mẹ và những đứa trẻ sơ sinh khắp mọi nơi đạt được tình trạng sức khỏe tốt nhất”.
Tỷ lệ hiện mắc GDM hiện nay dao động từ hơn 7% ở khu vực Bắc Mỹ và Caribe đến gần 28% ở khu vực Trung Đông và Bắc Phi. Từ 30% đến 70% phụ nữ mắc GDM có lượng đường trong máu cao (tăng đường huyết) ngay từ đầu thai kỳ (giai đoạn thai kỳ được khoảng 20 tuần hoặc sớm hơn, còn được gọi là GDM sớm). Những phụ nữ này có kết cục thai kỳ tồi tệ hơn so với những phụ nữ không bị GDM cho đến cuối thai kỳ (24–28 tuần).
Trong các nghiên cứu về GDM không được quản lý đầy đủ (ví dụ: cần insulin nhưng không sử dụng), GDM có liên quan đến việc tăng nguy cơ sinh mổ (16%), sinh non (51%) và nguy cơ lớn khác đối với tuổi thai (57%). Các nghiên cứu khác xem xét việc mang thai bị GDM cần điều trị bằng insulin cho thấy nó có liên quan đến nguy cơ phải chăm sóc y tế đặc biệt cho trẻ sơ sinh cao hơn hai lần.
Phụ nữ được chẩn đoán mắc bệnh GDM có nguy cơ mắc bệnh T2D sau này cao gấp 10 lần so với những phụ nữ không mắc bệnh GDM. Họ cũng có nhiều khả năng mắc bệnh cao huyết áp, rối loạn lipid máu (mức lipid trong máu cao), béo phì và gan nhiễm mỡ, với nguy cơ mắc bệnh tim mạch cao gấp đôi trong suốt cuộc đời. Họ cũng có nguy cơ gặp phải các tình trạng sức khỏe tâm thần cao hơn, bao gồm căng thẳng, trầm cảm và lo lắng... có thể dẫn đến những hậu quả bất lợi khác nếu bệnh nhân không đồng ý kiểm tra mức đường huyết hoặc không tuân thủ dùng insulin vì lý do nào đó.
Các nghiên cứu gần đây cho thấy GDM có thể liên quan đến việc tăng nguy cơ trầm cảm sau sinh. Mặc dù, điều trị GDM muộn giúp tỷ lệ trầm cảm thấp hơn ở giai đoạn ba tháng sau sinh nhưng điều trị GDM sớm có thể cải thiện chất lượng cuộc sống ở tuần thai thứ 24 đến 28.
Chẩn đoán sớm để có tình trạng sức khỏe tốt hơn suốt cuộc đời
Tiêu chuẩn chẩn đoán GDM hiện tại của Tổ chức Y tế Thế giới khuyến cáo nên xét nghiệm khi thai được 24-28 tuần mà không cần sàng lọc trước. Tuy nhiên, bằng chứng gần đây cho thấy GDM có nền tảng từ trước khi mang thai và có thể xuất hiện ở giai đoạn đầu của thai kỳ. Nhìn chung, 30-70% GDM có thể được phát hiện sớm bằng xét nghiệm dung nạp glucose đường uống và nó có thể phát hiện ra những người có nguy cơ cao nhất cần điều trị bằng insulin và gặp các biến chứng khi mang thai.
Các nghiên cứu gần đây, chẳng hạn như TOBOGM RCT, cho thấy rằng ở những phụ nữ mắc GDM sớm, việc xác định và điều trị trước 20 tuần tuổi thai (so với 24-28 tuần) không chỉ làm giảm các biến chứng thai kỳ và biến chứng sau sinh (suy hô hấp và cần chăm sóc y tế đặc biệt kéo dài ở trẻ sơ sinh) mà còn có thể cải thiện chất lượng cuộc sống ở các giai đoạn thai kỳ và tăng cường cho con bú bằng sữa mẹ, giúp làm giảm khả năng phát triển bệnh béo phì, bệnh T2D và các tình trạng khác.
"Lợi ích của việc phát hiện GDM sớm là rõ ràng - chúng ta có thể giúp cho bà mẹ và trẻ sơ sinh khỏe mạnh hơn trong suốt thời kỳ mang thai. Điều cần thiết bây giờ là xét nghiệm sớm hơn và một cách tiếp cận để quản lý GDM có sử dụng các nguồn lực, hoàn cảnh và điều kiện sẵn có mong muốn cá nhân của bệnh nhân được xem xét”, tiến sĩ Helena Backman, tại Đại học Örebro, Thụy Điển cho biết.
Cần có các biện pháp mới để cải thiện quản lý GDM
Hiểu rõ hơn về GDM và tác dụng của nó có thể giúp các nhà nghiên cứu, bác sĩ lâm sàng và nhà hoạch định chính sách phát triển các phương pháp quản lý mới tập trung vào việc cải thiện công tác phòng ngừa và điều trị các biến chứng GDM từ trước khi thụ thai cho đến khi mang thai và hơn thế nữa.
Các chiến lược được đề xuất bao gồm:
• Xét nghiệm GDM sớm đối với những người có yếu tố nguy cơ, lý tưởng nhất là trước tuần thứ 14 của thai kỳ.
• Tăng cường sức khỏe ở mức độ dân số nhằm chuẩn bị cho phụ nữ, đặc biệt là những người có các yếu tố nguy cơ để có thai kỳ khỏe mạnh và sau đó là lão hóa khỏe mạnh.
• Cải thiện dịch vụ chăm sóc trước khi sinh và tầm soát tình trạng đường huyết sau sinh.
• Đánh giá hàng năm cho phụ nữ có tiền sử GDM để ngăn ngừa hoặc quản lý tốt hơn các biến chứng như T2D (đặc biệt ở những lần mang thai tiếp theo) và bệnh tim mạch.
• Nghiên cứu thêm về GDM và các cách cải thiện kết quả cho phụ nữ mắc GDM và con cái của họ trong suốt cuộc đời.
“Đã đến lúc phải chuyển từ các dịch vụ tập trung vào 'thai kỳ muộn' sang chiến lược cuộc sống tích hợp, cá nhân hóa trên các cơ sở y tế ở cả nguồn lực cao và thấp. Cần nghiên cứu nhiều hơn để hiểu rõ hơn về GDM ảnh hưởng đến phụ nữ và con cái họ như thế nào trong thời kỳ mang thai và trong suốt cuộc đời của họ”, Giáo sư Simmons nói.
P.T.T (NASATI), theo https://Medicalxpress.com/7/2024