Nghiên cứu mới về kháng thể có khả năng vô hiệu hóa HIV

Hơn 40 năm sau đại dịch HIV, các nhà khoa học đang làm sáng tỏ cách thức hoạt động của hệ phòng thủ chống lại vi-rút, những khám phá cuối cùng có thể dẫn đến một kháng thể vô hiệu hóa ngăn chặn vi-rút trước khi nó làm tê liệt hệ miễn dịch.

Trong thử nghiệm mới, các nhà nghiên cứu tại Viện Ragon của Bệnh viện Đa khoa Massachusetts, MIT và Đại học Harvard ở Boston, đã giải mã cách một phân lớp của kháng thể kháng HIV bảo vệ rộng rãi chống lại sự lây nhiễm. Phát hiện này có thể hỗ trợ điều trị hoặc ngăn ngừa lây truyền HIV bằng các liệu pháp dựa trên kháng thể.

Bài nghiên cứu trên tạp chí Science Translational Medicine, báo cáo rằng một phân lớp của kháng thể IgG hoạt động tích cực để nhắm mục tiêu vào một số vùng được giữ gìn của protein vỏ HIV. Điều này cho phép các kháng thể ngăn chặn sự xâm nhập của vi-rút và thúc đẩy một số phản ứng miễn dịch chống lại nhiều tế bào bị nhiễm bệnh.

Tiến sĩ Jacqueline M. Brady và các đồng nghiệp nhấn mạnh rằng: "Các kháng thể trung hòa HIV trên diện rộng có khả năng ngăn chặn sự xâm nhập của vi-rút và thúc đẩy những phản ứng miễn dịch bẩm sinh chống lại các tế bào nhiễm HIV. Phân lớp kháng thể kích hoạt nhiều hoạt động của hệ miễn dịch bẩm sinh”.

Miễn dịch bẩm sinh là hệ phòng thủ có từ khi sinh ra trái ngược với miễn dịch có được tế bào B và T phát triển theo thời gian. Hệ miễn dịch bẩm sinh bao gồm những hoạt động mang đến sự bảo vệ theo nhiều cách khác nhau. Nó làm tăng phản ứng viêm và các đợt bổ sung, phòng thủ nhằm loại bỏ nguồn bệnh tấn công cơ thể.

Các kháng thể chống HIV thuộc họ kháng thể IgG và được chia thành bốn phân lớp tham gia vào một số chức năng miễn dịch khác nhau. Tuy nhiên, vai trò chính xác của từng phân lớp kháng thể trong miễn dịch chống HIV vẫn chưa rõ ràng. Nhóm tác giả đã nghiên cứu vai trò của VRC07, là thành viên phân lớp IgG và kháng thể vô hiệu hóa trên diện rộng. VRC07 cũng là một phương pháp dự phòng HIV thử nghiệm.

Tiến sĩ Jacqueline M. Brady cho biết: “Mặc dù có bằng chứng cho thấy khả năng miễn dịch bẩm sinh góp phần bảo vệ, nhưng sự đóng góp của các phân lớp IgG riêng lẻ vẫn chưa được biết rõ. Chúng tôi đã sử dụng phương pháp dự phòng miễn dịch bằng vectơ trên chuột nhân bản để tìm hiệu quả những phân lớp IgG riêng lẻ trong quá trình phòng ngừa lây truyền HIV qua đường âm đạo”.

Các nhà khoa học đã nghiên cứu cách thay đổi phân lớp VRC07 tăng hoặc giảm khả năng ngăn ngừa lây truyền HIV qua đường âm đạo ở chuột đã được nhân bản hóa như thế nào. Loạt thí nghiệm cho thấy phân lớp kháng thể IgG2 kém hiệu quả hơn trong việc ngăn chặn sự lây truyền so với các phân lớp khác.

Tuy nhiên, VRC07 với phân lớp IgG1 có thể ngăn chặn sự lây truyền ngay cả ở nồng độ thấp, cho thấy rằng lớp kháng thể này có thể quan trọng để tạo ra sự bảo vệ rộng rãi, nếu được thiết kế thành một liệu pháp điều trị. Kết quả của nghiên cứu cho thấy, đối với một số kháng thể trung hòa trên diện rộng, phân lớp IgG ảnh hưởng đáng kể đến khả năng bảo vệ.

Nghiên cứu mới được đưa ra khi hàng chục cách tiếp cận mới để tấn công HIV đã xuất hiện trong những năm gần đây. Liệu pháp kháng thể đơn dòng khả thi là một lĩnh vực nghiên cứu tích cực trong bối cảnh ngày càng có nhiều phương pháp tiếp cận đa dạng.

Đ.T.V (NASATI), theo https://medicalxpress.com/news/2022-08-scientists-antibodies-capable-neutralizing-hiv.html, 26/8/2022