Lần đầu tiên trong lịch sử y học Việt Nam: thực hiện thành công ca ghép tim - gan đồng thời
- Thứ năm - 10/10/2024 13:02
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Chiều 9/10/2024, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức thông tin về ca ghép tim - gan đồng thời lần đầu tiên tại Việt Nam. Thành công của ca ghép thể hiện sự phối hợp của Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức với vai trò là bệnh viện tuyến cuối đối với các bệnh viện vệ tinh trong chuyển giao kỹ thuật, phối hợp các công tác tổ chức giúp cho các bệnh viện dưới phát triển về lấy và ghép tạng, công tác tổ chức để lấy được tạng ghép.
Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức công bố thực hiện thành công ca ghép đồng thời tim-gan cho một người bệnh từ tạng của người cho chết não hiến tặng. Đây là ca đầu tiên các bác sĩ tại Việt Nam tiến hành ghép đồng thời cả gan và tim cho người bệnh.
Anh Đ.V.H (41 tuổi, ở Thanh Hóa) phát hiện bệnh cơ tim giãn từ lâu, chức năng tim suy giảm theo thời gian kèm theo gan, thận và các tạng khác cùng suy giảm. Cách đây một tuần, người bệnh nhập viện tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức trong tình trạng suy tim.
Ngày 30/9, người bệnh suy tim mất bù, không đáp ứng phương pháp điều trị thông thường, đặc biệt suy gan phát triển cấp tính, thận theo đó cũng bị ảnh hưởng. Các xét nghiệm cho thấy người bệnh có tình trạng đông máu rối loạn nghiêm trọng.
Sự sống của được tính theo ngày, duy trì bằng máy tim phổi nhân tạo thay chức năng tim, lọc gan thay chức năng gan. Cách duy nhất có thể cứu sống người bệnh là thay thế đồng thời tim và gan.
Cũng tại thời điểm đêm 30/9, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức nhận được thông tin từ Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa Nghệ An (là bệnh viện vệ tinh của Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức về ngoại khoa, được chuyển giao các gói ghép từ Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức) có một bệnh nhân chấn thương sọ não nặng và không còn kỳ vọng sống. Gia đình bệnh nhân có nguyện vọng hiến tạng của người thân.
Sau khi nhận được đề nghị hỗ trợ chuyên môn, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức đã cử nhóm tăng cường hồi sức cho người bệnh, đánh giá tình trạng chết não và tình trạng các tạng trong trường hợp có thể lấy được tạng.
Qua rất nhiều khâu, các bác sĩ xác định bệnh nhân chết não và các tạng của bệnh nhân có thể sử dụng để ghép cho những người bệnh khác.
Một cuộc họp của hội đồng chuyên môn do Tiến sĩ, bác sĩ Dương Đức Hùng, Giám đốc, Chủ tịch Hội đồng khoa học Bệnh viện triệu tập gấp chuyên gia trong các lĩnh vực: Hồi sức, Tim mạch, Gan, Thận tham gia hội chẩn... Hội chẩn đi đến đánh giá, đây thực sự là một ca phẫu thuật cần cân nhắc các tình huống do tình trạng bệnh nhân cả gan-tim-thận đều suy ở giai đoạn rất nặng, nguy cơ tử vong cao nếu không được ghép. Tuy nhiên Hội đồng khoa học bệnh viện quyết định vẫn tiến hành ghép để mang lại hy vọng sống cho người bệnh. Ngay sau khi quyết định ghép được ban hành, các bộ phận đã khẩn trương vào cuộc.
Các bác sĩ Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức đã chia 2 nhóm. Một nhóm ở lại giúp cho Bệnh viện Hữu nghị đa khoa Nghệ An thực hiện hai ca ghép thận; nhóm còn lại khẩn trương đưa tạng lấy được về Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức. Sau 3 giờ 30 phút di chuyển, tạng đã được đưa về.
Với sự nỗ lực của các ê-kíp, sau ghép 36 tiếng, các chức năng gan-tim đã hồi phục dần. Đặc biệt trái tim đã thay thế hoàn toàn cho trái tim hỏng, các chức năng gan tốt dần lên.
Đến chiều 9/10, sau hơn một tuần ghép, bệnh nhân đã có thể nói chuyện, tiếp xúc, cho ăn uống trở lại, chức năng tim tốt lên hằng ngày, chức năng gan hồi phục, gần trở về bình thường, mật được tiết ra với chất lượng tốt.
Tiến sĩ Dương Đức Hùng khẳng định, đây là lần đầu tiên trong lịch sử y học Việt Nam, các bác sĩ tiến hành thành công ca ghép tim gan đồng thời trên một bệnh nhân đặc biệt ở giai đoạn nặng. Thống kê, đến nay trên thế giới đã thực hiện hơn 500 ca ghép đồng thời đa tạng, trong đó có khoảng 100 ca thành công.
PGS.TS Nguyễn Tiến Quyết, nguyên Giám đốc Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, chuyên gia đầu ngành về ghép tạng cho biết, với những tiến triển của người bệnh, có thể khẳng định ca ghép thành công tới 80%. Thời gian tới cần ưu tiên chống nhiễm khuẩn và nuôi dưỡng người bệnh.
PGS.TS Nguyễn Tiến Quyết chia sẻ, đến nay sau hơn 32 năm kể từ ca ghép thận đầu tiên đến nay Việt Nam có thể làm chủ hoàn toàn các kỹ thuật ghép tạng, kể cả những kỹ thuật khó nhất. Ghép tạng là phương pháp điều trị cuối cùng đối với người mắc bệnh hiểm nghèo do tạng bị suy giảm chức năng và không hồi phục như suy thận mạn, gan, tim, tủy...
Với việc thành công trong ghép tim, phổi, gan, thận trong thời gian vừa qua là tiền đề để Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức chuẩn bị tiến hành ghép các loại tạng khác.
P.A.T (tổng hợp)