Khuyến nghị ngừng sử dụng heparin cho phụ nữ bị sảy thai tái phát và huyết khối di truyền

Một nghiên cứu mới do các nhà khoa học ở Anh dẫn đầu đã phát hiện ra, loại thuốc thường được kê cho phụ nữ mang thai mắc bệnh đông máu di truyền và tiền sử sảy thai tái phát không giúp giảm nguy cơ sảy thai.

Các nhà nghiên cứu hiện đang khuyên các bác sĩ ngừng cung cấp thuốc chống đông máu Heparin trọng lượng phân tử thấp (heparin) cho phụ nữ và những người mới sinh con mắc bệnh huyết khối di truyền; là tình trạng máu có xu hướng hình thành cục máu đông trong tĩnh mạch và động mạch.

Mặc dù thiếu bằng chứng và hướng dẫn, các bác sĩ thường kê toa heparin cho những phụ nữ bị sảy thai tái phát và huyết khối di truyền. Nó tốn kém cho các dịch vụ y tế và gây bất tiện cho những phụ nữ phải tiêm thuốc hàng ngày và có nhiều khả năng bị bầm tím hơn.

Các nhà khoa học cho biết, việc ngừng sàng lọc bệnh huyết khối di truyền và ngừng sử dụng heparin như một phương pháp điều trị cho những phụ nữ này có thể tiết kiệm cho Dịch vụ y tế Quốc gia (NHS) khoảng 20 triệu bảng mỗi năm, với việc tài trợ được chuyển hướng sang các dịch vụ hoặc phương pháp điều trị khác.

Nghiên cứu này được công bố trên tạp chí The Lancet cho thấy rằng việc tiêm heparin hàng ngày không cải thiện cơ hội sinh con khỏe mạnh cho những phụ nữ trước đó đã bị sảy thai từ 2 lần trở lên và được xác nhận mắc bệnh huyết khối di truyền, khi so sánh với phương pháp chăm sóc tiêu chuẩn.

Trưởng nhóm nghiên cứu Giáo sư Siobhan Quenby tại Đại học Warwick, đã thử nghiệm ALIFE2 qua phụ nữ từ 40 bệnh viện ở Anh, Hà Lan, Mỹ, Bỉ và Slovenia. 326 phụ nữ mắc bệnh huyết khối di truyền và sảy thai liên tiếp được chia thành 2 nhóm; 164 người được dùng heparin trong suốt quá trình mang thai, bắt đầu càng sớm càng tốt sau khi thử thai dương tính và kết thúc khi bắt đầu chuyển dạ; 162 không được cung cấp thuốc. Tất cả phụ nữ đều được chăm sóc tiêu chuẩn do bác sĩ sản khoa hướng dẫn và đều được khuyến khích dùng axit folic. Tỷ lệ trẻ ra đời khỏe mạnh của mỗi nhóm gần như nhau: 116 phụ nữ (71,6%) được điều trị bằng heparin đã sinh con sau 24 tuần mang thai; 112 phụ nữ (70,9%) trong nhóm chăm sóc tiêu chuẩn đã sinh con sau 24 tuần mang thai. Nguy cơ biến chứng thai kỳ khác, bao gồm sảy thai, trẻ nhẹ cân, nhau bong non, sinh non hoặc tiền sản giật, là như nhau ở cả hai nhóm. Đúng như dự đoán, 73 (45%) phụ nữ trong nhóm dùng heparin (chủ yếu quanh các vị trí tiêm) cho biết dễ bị bầm tím và chỉ 16 (10%) trong nhóm chăm sóc tiêu chuẩn.

Giáo sư Siobhan Quenby cho biết: "Dựa trên những phát hiện này, chúng tôi không khuyến nghị sử dụng Heparin trọng lượng phân tử thấp cho những phụ nữ bị ssảy thai tái phát và đã xác nhận mắc bệnh huyết khối di truyền”. Và cũng đề xuất rằng không cần sàng lọc huyết khối di truyền ở phụ nữ bị sảy thai tái phát. Bệnh nhân và bác sĩ sẽ luôn coi trọng việc biết về bất kỳ yếu tố nào có thể liên quan đến sẩy thai tái phát, nhưng mối liên quan giữa huyết khối di truyền và sảy thai tái phát chưa được chứng minh: một đánh giá nghiên cứu gần đây cho thấy bệnh huyết khối phổ biến trong dân số nói chung cũng như ở những phụ nữ bị sảy thai tái phát.

Nhiều phụ nữ bị sảy thai tái phát trên khắp thế giới được xét nghiệm huyết khối di truyền và được điều trị bằng heparin hàng ngày. Nghiên cứu hiện nay cho thấy rằng việc sàng lọc này là không cần thiết, phương pháp điều trị không hiệu quả và nó đang mang lại hy vọng hão huyền cho nhiều người bằng cách tiếp tục cung cấp nó như một phương pháp điều trị dự phòng tiềm năng. 28% phụ nữ tham gia thử nghiệm bị sảy thai như mong muốn và những trường hợp mất thai không rõ nguyên nhân này sẽ là trọng tâm của nghiên cứu sâu hơn.

Đ.T.V (NASATI), theo https://medicalxpress.com/news/2023-05-heparin-women-recurrent-miscarriage-inherited.html, 31/5/2023