Đột phá công nghệ hướng đích trong điều trị bệnh dạ dày, trào ngược
- Thứ ba - 04/06/2019 20:25
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Nhằm quảng bá rộng rãi các kết quả nghiên cứu cũng như thúc đẩy hoạt động xác lập tài sản trí tuệ cho các kết quả nghiên cứu, ngày 31/5/2019 tại Hà Nội, Trung tâm Chuyển giao tri thức và Hỗ trợ khởi nghiệp thuộc Đại học quốc gia Hà Nội (ĐHQGHN) tổ chức Hội thảo khoa học “Báo cáo tính hiệu quả và an toàn của công nghệ hướng đích ứng dụng trong bệnh viêm loét dạ dày”.
Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Văn Tùng khẳng định: “Đây là công trình nghiên cứu rất bài bản của các nhà khoa học Việt Nam”.
Công nghệ hướng đích được biết đến nhiều trong điều trị ung thư và nay là ứng dụng vào việc điều trị bệnh viêm loét dạ dày. Ứng dụng này đã được các nhà khoa học của ĐHQGHN và Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam công bố vào năm 2018. Sự kiện đã đánh dấu bước đột phá của nền y dược học Việt Nam khi lần đầu tiên ứng dụng thành công công nghệ hướng đích vào hợp chất thiên nhiên curcumin và bệnh lý viêm, loét dạ dày, mang lại hy vọng cho nhiều bệnh nhân.
Tham dự hội thảo, Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Văn Tùng khẳng định: Đây là công trình nghiên cứu rất bài bản của các nhà khoa học Việt Nam. Điều đó thể hiện sự lao động nghiêm túc, đầy tâm huyết của các nhà khoa học để có được những kết quả đáng tự hào này. Thứ trưởng cũng khẳng định “Bộ KH&CN luôn sẵn sàng ủng hộ và đồng hành cùng các nhà khoa học, viện nghiên cứu, trường đại học… để thúc đẩy nghiên cứu khoa học, tạo ra nhiều sản phẩm có chất lượng”. Để làm được điều đó, theo Thứ trưởng, việc thương mại hóa kết quả nghiên cứu của các nhà khoa học cần được đẩy mạnh hơn nữa nhằm góp phần đưa nhanh các công trình nghiên cứu có chất lượng phục vụ cộng đồng và góp phần phát triển kinh tế - xã hội.
Theo công bố của các nhà khoa học đến từ Phòng thí nghiệm trọng điểm quốc gia công nghệ Enzym và Protein (Klept), curcumin hướng đích có khả năng tập trung mạnh với tế bào viêm (tăng gấp 70 lần) so với Nano Curcumin thông thường, vì vậy hiệu quả vượt trội hơn so với nano curcumin thường.
Các báo cáo cũng chứng minh, việc sử dụng axit folic để làm chất dẫn đường là hoàn toàn không gây độc hại cho cơ thể, do axit folic được liên kết với polymer trong vật liệu dẫn đường và không có dược tính. Khi tiến hành đo hàm lượng axit folic trong máu theo thời gian cũng không phát hiện thấy. Do đó, hoàn toàn có thể khẳng định axit folic trong curcumin hướng đích chỉ có tác dụng dẫn đường, không có tác dụng dược lý và vì vậy, người tiêu dùng hoàn toàn có thể yên tâm sử dụng sản phẩm. Hàng trăm nghìn bệnh nhân viêm loét dạ dày, trào ngược được điều trị đã phản hồi hiệu quả rất tốt.
Phát biểu tại Hội thảo, PGS.TS Nguyễn Hoàng Hải - Phó Giám đốc ĐHQGHN cho biết, ĐHQGHN có lợi thế về nghiên cứu khoa học cơ bản. Tuy nhiên, với yêu cầu của tình hình mới, gần đây ĐHQGHN tập trung hướng đến những nghiên cứu ứng dụng và chuyển giao kết quả nghiên cứu khoa học cho xã hội.
Việt Nam có tiềm năng dược liệu to lớn (với hơn 5.100 loài thực vật và nấm). Trong giai đoạn hiện nay, Đảng và Nhà nước xác định đường lối chung của phát triển y tế là kết hợp giữa y học hiện đại và y học cổ truyền để nâng cao hiệu quả chăm sóc bảo vệ sức khỏe cho nhân dân. Các kết quả khoa học được công bố là bước đột phá trong y học trong điều trị bệnh viêm loét dạ dày trào ngược tại Việt Nam.
Hội thảo được tổ chức cũng nhằm đẩy mạnh việc kết nối cung - cầu về công nghệ, kết nối Trường - Viện - Doanh nghiệp, Nhà quản lý - Nhà khoa học - Doanh nhân. Trung tâm Chuyển giao Tri thức và Hỗ trợ Khởi nghiệp thuộc ĐHQGHN không ngừng thúc đẩy các hoạt động thương mại hóa các kết quả nghiên cứu của nhà khoa học, cũng như thúc đẩy hoạt động xác lập tài sản trí tuệ các kết quả nghiên cứu, qua đó góp phần đưa các sản phẩm có hàm lượng khoa học cao, được nghiên cứu bài bản, có chất lượng phục vụ cộng đồng và góp phần xây dựng và phát triển đất nước.
Nguồn: Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển truyền thông KH&CN