Điều trị chứng ngưng thở khi ngủ có thể làm giảm nguy cơ sa sút trí tuệ

Một nghiên cứu mới cho thấy những người lớn tuổi được điều trị bằng áp lực đường thở tích cực được chỉ định cho chứng ngưng thở khi ngủ do tắc nghẽn có thể ít mắc bệnh Alzheimer và các loại sa sút trí tuệ khác.

Các nhà nghiên cứu từ Trung tâm Rối loạn Giấc ngủ ở Michigan đã phân tích qua Chương trình của Chính phủ Mỹ về việc chăm sóc người già, về hơn 50.000 người từ 65 tuổi trở lên đã được chẩn đoán mắc bệnh ngưng thở khi ngủ (OSA). Trong nghiên cứu đại diện trên toàn quốc này, họ đã kiểm tra những người sử dụng liệu pháp áp lực đường thở tích cực có ít khả năng được chẩn đoán mới về chứng sa sút trí tuệ hoặc suy giảm nhận thức nhẹ trong 3 năm tới hay không so với những người không sử dụng. Tác giả chính, Galit Levi Dunietz, cho biết: “Chúng tôi đã tìm thấy mối liên hệ đáng kể giữa việc sử dụng áp lực đường thở tích cực và giảm nguy cơ mắc bệnh Alzheimer và các loại sa sút trí tuệ khác trong vòng 3 năm”. Điều tra viên chính, Tiffany J. Braley, cho biết: Các phát hiện nhấn mạnh tác động của giấc ngủ đối với chức năng nhận thức. Nếu con đường nhân quả tồn tại giữa điều trị OSA và nguy cơ sa sút trí tuệ, như phát hiện của chúng tôi cho thấy, thì chẩn đoán và điều trị hiệu quả OSA có thể đóng vai trò quan trọng trong sức khỏe nhận thức của người lớn tuổi.

Ngưng thở khi ngủ do tắc nghẽn là tình trạng đường hô hấp trên bị xẹp xuống liên tục trong đêm, ngăn cản quá trình thở bình thường trong khi ngủ. OSA có liên quan đến nhiều bệnh lý thần kinh và tim mạch khác, và nhiều người lớn tuổi có nguy cơ cao mắc OSA. Chứng sa sút trí tuệ cũng rất phổ biến, với khoảng 5,8 triệu người Mỹ hiện đang sống chung với căn bệnh đó.

Đ.T.V (NASATI), theo https://medicalxpress.com/news/2021-04-apnea-dementia.html, 10/4/2021