Các cơ quan nội tạng trở nên trong suốt nhờ có chất tạo màu thực phẩm phổ biến
- Thứ năm - 17/10/2024 13:11
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Các nhà khoa học Mỹ đã phát triển một kỹ thuật đột phá giúp nhìn xuyên qua các cơ quan bằng cách làm cho mô trong suốt nhờ có chất tạo màu thực phẩm phổ biến.
Khi sử dụng tartrazine, chất tạo màu thực phẩm thường dùng cho khoai tây chiên và làm lớp phủ kẹo, nhóm nghiên cứu đã khiến cho mô da và cơ của chuột sống trở nên trong suốt. Kỹ thuật này có thể cách mạng hóa khả năng chẩn đoán trong y khoa thông qua định vị chấn thương, theo dõi các rối loạn tiêu hóa và thậm chí xác định ung thư.
Guosong Hong, một trong những tác giả nghiên cứu tại Đại học Stanford cho biết: "Trong tương lai, công nghệ này có thể khiến các tĩnh mạch dễ nhìn thấy để tạo thuận lợi cho việc lấy máu, dễ xóa hình xăm bằng laser hoặc hỗ trợ phát hiện và điều trị sớm các bệnh ung thư. Một số liệu pháp sử dụng tia laser để loại bỏ các tế bào ung thư và tế bào tiền ung thư nhưng chỉ giới hạn ở các vùng gần bề mặt da. Kỹ thuật này có thể cải thiện khả năng thâm nhập của ánh sáng". Trong nghiên cứu, các nhà khoa học đã đánh giá tính chất vật lý của hiện tượng tán xạ và khúc xạ ánh sáng của da, tức là ánh sáng thay đổi tốc độ và uốn cong khi di chuyển từ vật liệu này sang vật liệu khác. Kết quả cho thấy phần nước của mô da uốn cong ánh sáng ít hơn so với các thành phần mô được tạo thành từ protein và chất béo. Thông thường, để làm cho da trở nên trong suốt, cần loại bỏ protein và chất béo nên sẽ không hiệu quả đối với động vật sống. Vì vậy, các nhà nghiên cứu đã đưa ra phương pháp mới phù hợp với khả năng uốn cong của các thành phần tế bào da khác nhau, nhờ vậy ánh sáng có thể truyền qua mà không bị cản trở.
Chất tạo màu thực phẩm hấp thụ ánh sáng hiệu quả, được biết là có thể hướng các tia sáng tỏa ra đồng đều. Khi nhóm nghiên cứu hòa tan tartrazine, thường được gọi là FD & C Yellow 5, trong nước và làm cho các mô hấp thụ hỗn hợp, các phân tử chất tạo màu phù hợp với khả năng uốn cong ánh sáng của các thành phần tế bào khác nhau, ngăn không cho ánh sáng tán xạ. Đầu tiên, các tác giả thử nghiệm dung dịch chất tạo màu trên các lát ức gà mỏng. Khi họ tăng nồng độ tartrazine, lát thịt trở nên trong suốt hơn. Sau đó, họ xoa dung dịch lên da đầu chuột, da đầu trở nên trong suốt để lộ các mạch máu chạy ngang não. Tiếp đó, khi nhóm nghiên cứu xoa hỗn hợp chất tạo màu lên bụng loài gặm nhấm, da phai màu trong vòng vài phút để lộ các cơn co thắt của ruột và các chuyển động do hơi thở và nhịp tim gây ra.
Các nhà nghiên cứu vẫn chưa thử nghiệm hỗn hợp chất tạo màu trên da người, dày hơn da chuột khoảng 10 lần. TS. Zihao Ou, đồng tác giả nghiên cứu cho rằng: "Nhiều nền tảng chẩn đoán y khoa rất đắt đỏ và không phải ai cũng tiếp cận được nhưng nền tảng dựa trên công nghệ của chúng tôi không giống như vậy”.
N.P.D (NASATI), theo Independent.co.uk, 9/2024