Quy hoạch vùng sản xuất nông sản gắn với cấp mã số vùng trồng
- Thứ năm - 18/07/2024 11:03
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Việc quy hoạch phát triển vùng sản xuất tập trung các loại nông sản chủ lực gắn với cấp mã số vùng trồng (MSVT) nhằm theo dõi và kiểm soát tình hình sản xuất, truy xuất nguồn gốc nông sản, đây là điều kiện bắt buộc cho nông sản xuất khẩu.
Đặc biệt, thay đổi tư duy sản xuất nông nghiệp nhỏ lẻ sang tư duy kinh tế nông nghiệp sản xuất hàng hóa trên cơ sở khai thác tiềm năng, lợi thế về đất đai, khí hậu gắn với nhu cầu của thị trường; nâng cao trình độ ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật của người dân và năng lực quản lý, điều hành, tổ chức sản xuất cho các doanh nghiệp, hợp tác xã liên kết...
Trong thời gian qua, ở huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam, mỗi vụ nông dân sản xuất hơn 7.710ha cây trồng các loại; trong đó có hơn 3.480ha lúa, 425ha bắp, 1.900ha cây thực phẩm, 1.137ha cây công nghiệp hàng năm, 330ha cây có củ và 439ha loại cây khác. Đáng chú ý, các địa phương ở Duy Xuyên đã hình thành rất nhiều vùng sản xuất nông sản chủ lực tập trung.
Bà Trương Thị Hoài Nhân - Phó Trưởng phòng Nông nghiệp&Phát triển nông thôn Duy Xuyên cho biết, trong những năm gần đây huyện nỗ lực triển khai quy hoạch vùng sản xuất tập trung gắn với cấp mã số vùng trồng (MSVT) đối với các loại nông sản chủ lực. Huyện Duy Xuyên đã có 2 địa phương được cấp có thẩm quyền cấp MSVT là xã Duy Phước với các loại rau củ quả và xã Duy Sơn với sản phẩm lúa gạo lứt đỏ của HTX Nông nghiệp xanh Duy Oanh.
Ông Nguyễn Chí Công - Trưởng phòng Nông nghiệp&Phát triển nông thôn huyện Duy Xuyên chia sẻ, theo kế hoạch đặt ra, giai đoạn 2024 - 2025, tổng diện tích canh tác sản phẩm cây trồng chủ lực theo hướng hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung, quy mô lớn đảm bảo an toàn thực phẩm trên địa bàn huyện khoảng 1.000ha, trong đó 300ha ứng dụng công nghệ tiên tiến; diện tích vùng sản xuất tập trung sản phẩm chủ lực, đặc sản gắn với cấp MSVT đạt hơn 20%.
Mỗi địa phương cấp xã của huyện Duy Xuyên có ít nhất 1-5ha mô hình sản xuất cây trồng chủ lực, đặc sản phát triển tập trung theo tiêu chuẩn thực hành nông nghiệp tốt VietGAP, GlobalGAP... hoặc các tiêu chuẩn phù hợp khác có ứng dụng công nghệ tiên tiến được cấp MSVT. Xây dựng thí điểm vùng sản xuất nguyên liệu tập trung một số chuỗi giá trị sản phẩm chủ lực, sản phẩm OCOP gắn với cấp MSVT...
Về định hướng đến năm 2030, huyện Duy Xuyên sẽ nỗ lực nhân rộng vùng sản xuất tập trung gắn với cấp MSVT cho các sản phẩm chủ lực, đặc sản. Phấn đấu 100% diện tích cây trồng chủ lực, đặc sản sản xuất tập trung đảm bảo điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm được cấp MSVT; có ít nhất một vùng được cấp MSVT phục vụ xuất khẩu…
Đ.T.V (tổng hợp)