Phát triển nông nghiệp thông minh đột phá từ công nghệ 5.0
- Thứ hai - 29/07/2024 00:05
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
"Công nghệ 5.0" là một thuật ngữ mới, thường được sử dụng để mô tả sự kết hợp giữa các công nghệ tiên tiến như trí tuệ nhân tạo (AI), Internet vạn vật (IoT), dữ liệu lớn (Big Data), chuỗi khối (Blockchain), và nhiều công nghệ khác. Dưới đây là một số điểm nổi bật của Công nghệ 5.0.
Cách mạng Công nghiệp 5.0 tập trung vào sự hợp tác giữa con người với máy móc, nâng cao kỹ năng người lao động, cung cấp giá trị gia tăng trong sản xuất dẫn đến tùy biến và cá nhân hóa các sản phẩm. Ứng dụng công nghệ 5.0 ra đời góp phần thúc đẩy sản xuất hàng hóa nông nghiệp phát triển mạnh và hài hòa hơn. Hiện xu hướng này từng bước được các doanh nghiệp, người nông dân và hợp tác xã áp dụng, từ đó mang lại diện mạo mới cho ngành nông nghiệp Việt Nam.
Đây là nội dung chính được đề cập tại Diễn đàn Nông nghiệp 2024 “Nông nghiệp thông minh đột phá từ công nghệ 5.0”, do Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức, ngày 23/7/2024.
Ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), nhấn mạnh Cách mạng Công nghiệp 4.0 là sự kết hợp giữa robot, trí tuệ nhân tạo, thiết bị kết nối Internet và dữ liệu lớn, tạo ra môi trường sản xuất, hoạt động hiệu quả, nhanh chóng. Cách mạng Công nghiệp 5.0 nối tiếp và tập trung vào sự hợp tác giữa con người với máy móc. Điều này góp phần nâng cao kỹ năng của người công nhân, cung cấp giá trị gia tăng trong sản xuất dẫn đến tùy biến và cá nhân hóa các sản phẩm hàng hóa.
Lãnh đạo của VCCI chỉ ra để hình thành chuỗi sản xuất nông nghiệp thông minh ứng dụng công nghệ 5.0 sẽ rất phù hợp với đặc thù của ngành nông nghiệp Việt Nam và cần sự vào cuộc của người dân, doanh nghiệp và chính các nhà quản lý, các bộ, ngành liên quan.
“Ứng dụng khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo vào hoạt động sản xuất nông nghiệp rất cần sự gắn kết chặt chẽ giữa các doanh nghiệp trong ngành và các tổ chức, doanh nghiệp khoa học-công nghệ. Đó là quá trình triển khai đồng thời tiếp nhận phản hồi để điều chỉnh liên tục, không ngừng hoàn thiện một hệ sinh thái nông nghiệp xanh-tuần hoàn-bền vững”, ông Hoàng Quang Phòng nói.
Với vai trò là tổ chức đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam, ông Hoàng Quang Phòng cho biết từ năm 2020, VCCI đã thành lập Hội đồng Doanh nghiệp Nông nghiệp Việt Nam với mục tiêu hỗ trợ thúc đẩy kết nối doanh nghiệp ngành nông nghiệp, góp phần vào việc phát triển kinh tế xã hội của đất nước nói chung và phát triển ngành nông nghiệp nói riêng, góp phần đưa Việt Nam trở thành quốc gia nông nghiệp công nghệ cao trên thế giới.
Trước đó, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược phát triển ngành nghề nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 với mục tiêu chung xây dựng nền nông nghiệp sản xuất hàng hóa đồng thời phát triển nông nghiệp dựa trên lợi thế địa phương, theo hướng hiện đại có năng suất, chất lượng, hiệu quả, bền vững và sức cạnh tranh cao thuộc nhóm dẫn đầu trong khu vực và trên thế giới. Đến năm 2030, tốc độ tăng trưởng GDP nông-lâm-thủy sản đạt bình quân từ 2,5%-3%/năm và năng suất lao động tăng từ 5,5%-6%/năm, giá trị xuất khẩu tăng từ 5%-6%/năm. Phát triển nền nông nghiệp xanh, thân thiện với môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu, giảm ô nhiễm môi trường nông thôn, phấn đấu giảm phát thải khí nhà kính 10% so với năm 2020.
Có thể thấy, Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững của Việt Nam là định hướng cơ bản, trụ cột để đảm bảo an ninh lương thực, tạo nền tảng ổn định cuộc sống, đóng góp vào hội nhập quốc tế, tạo đà xuất khẩu lớn hàng đầu khu vực, nâng cao vị thế, uy tín của Việt Nam.
Tại diễn đàn, các nhà quản lý, chuyên gia, doanh nhân và đại diện Hiệp hội doanh nghiệp đã thảo luận đồng thời thời kiến nghị các giải pháp phát triển nông nghiệp thông minh đột phá từ công nghệ 5.0.
Muốn có một nền nông nghiệp thông minh, ông Hà Văn Thắng, Chủ tịch Hội đồng Doanh nghiệp Nông nghiệp Việt Nam (VCAC), nhấn mạnh cần phải có nguồn nhân lực thông minh. Tuy nhiên, người nông dân nói riêng cũng như đội ngũ nhân lực phần lớn vẫn làm nông nghiệp theo các phương thức truyền thống, hoặc việc ứng dụng khoa học-công nghệ ở mức thấp, chưa có nhiều mô hình liên kết chặt chẽ và bền vững. Do đó, việc liên kết chặt chẽ giữa các doanh nghiệp nông nghiệp và các tổ chức doanh nghiệp khoa học là tất yếu để tạo ra sức mạnh tổng thể, phát huy nguồn lực.
Chính vì vậy, ông Hà Văn Thắng cho rằng Cuộc cách mạng Công nghiệp lần thứ 5 (5.0) là cơ hội to lớn đối với ngành nông nghiệp Việt Nam khi việc ứng dụng khoa học kỹ thuật hiện đại song hành với người sản xuất, doanh nghiệp và Nhà nước đầu tư.
Theo đó, ông Hà Văn Thắng kiến nghị Nhà nước sớm hoàn thiện các quy định của pháp luật theo hướng tích cực, cởi mở để có chính sách phù hợp cho các hoạt động liên kết và hợp tác đầu tư vào nông nghiệp cho cả hai khu vực “công-tư”. Bên cạnh đó, Nhà nước cần ban hành các quy định đủ mạnh để có một khuôn khổ pháp lý cho các mô hình kinh tế mới, kinh tế xanh và kinh tế tuần hoàn theo hướng đi mới.
Mặt khác, ông Hà Văn Thắng cho rằng phải tiếp tục tuyên truyền, vận động các doanh nghiệp nông nghiệp và tổ chức, doanh nghiệp khoa học-công nghệ tăng cường bắt tay nhau, hợp tác liên kết chặt chẽ và bền vững thông qua các mô hình điểm, mô hình dẫn dắt, mô hình có hiệu quả cao. Về tài chính, Nhà nước dành một phần kinh phí đào tạo nghề để hỗ trợ các mô hình hợp tác, liên kết này trong việc đào tạo nâng cao tay nghề, phát triển nguồn nhân lực bằng hình thức trực tiếp (bỏ qua các khâu trung gian trong đào tạo).
“Cuối cùng, Chính phủ sớm ban hành các quy định theo hướng mở để có cơ chế, chính sách phù hợp, đáp ứng nhu cầu và nguyện vọng chính đáng trong việc bắt tay hợp tác-liên kết đầu tư phát triển ngành nông nghiệp”, ông Hà Văn Thắng kiến nghị.
Cụ thể hơn, ông Đặng Kim Sơn, Phó chủ tịch thường trực Hiệp hội Doanh nghiệp Nông nghiệp ứng dụng Công nghệ cao, đề xuất hình thành các khu nông nghiệp công nghệ cao và vùng nông nghiệp công nghệ cao gắn với các vùng chuyên canh của các nông sản chủ lực. Bên cạnh đó, Nhà nước có những chính sách ưu đãi đặc biệt để thu hút và hỗ trợ các doanh nghiệp, tập đoàn lớn đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao.
“Đã đến lúc chúng ta phải ‘vừa chạy, vừa xếp hàng’, lo theo dõi và chuẩn bị lực lượng để có thể tiến kịp với tiến bộ kỹ thuật toàn cầu đồng thời quan trọng hơn, phải bổ sung kịp thời nền tảng nội lực cơ bản cho khoa học công nghệ của ngành nông nghiệp Việt Nam”, ông Đăng Kim Sơn nhấn mạnh.
Đ.T.V (tổng hợp)