Nghiên cứu nhân giống hai dòng bạch đàn PNCT3 và PNCIV bằng phương pháp nuôi cấy mô
- Thứ năm - 02/05/2019 04:28
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Hai dòng Bạch đàn PNCT3 và PNCIV đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công nhận là giống tiến bộ kỹ thuật. Vùng trồng thích hợp của hai dòng Bạch đàn này là tỉnh Bắc Giang, Phú Thọ và các vùng có sinh thái tương tự. Trong nhân giống cây rừng hiện nay, đặc biệt là đối với các loài cây công nghiệp và diện tích trồng rừng trên diện rộng như cây nguyên liệu giấu thì phương pháp nhân giống hiệu quả nhất vẫn là nhân giống bằng phương pháp nuôi cấy mô. Phương pháp này cho hiệu quả rõ rệt với các phương thức nhân giống khác đó là có thể tạo được số lượng lớn cây con trong thời gian ngắn, cây con tạo ta lưu giữ được những đặc tính tốt của cây mẹ; chất lượng cây giống đồng đều nên chất lượng cây rừng đồng đều do đó nâng cao chất lượng rừng trồng, đặc biệt cây giống tạo ra bằng phương pháp nuôi cấy mô được trẻ hóa hơn so với phương pháp giâm hom nên sức sinh trưởng của cây rừng cũng tốt hơn.
Nhằm cung cấp cây giống bạch đàn dòng PNCT3 và PNCIV có năng suất cao, chất lượng tốt cho trồng rừng cũng như góp phần nâng cao tính cạnh tranh và duy trì tốc độ phát triển của ngành Giấy Việt Nam, nhóm nghiên cứu do ThS. Phạm Đức Huy, Viện nghiên cứu cây nguyên liệu giấy đứng đầu đã tiến hành nghiên cứu đề tài: “Nghiên cứu nhân giống hai dòng bạch đàn PNCT3 và PNCIV bằng phương pháp nuôi cấy mô”.
Sau 12 tháng triển khai (1- 12/2017), nhóm nghiên cứu thu được các kết quả như sau:
1. Khi môi trường đã có tổ hợp chất điều hòa sinh trưởng là BAP và NAA thì việc bổ sung IBA vào môi trường là không thích hợp cho nhân chôi hai dòng bạch đàn PNCT3 và PNCIV.
2. Với cả hai dòng bạch đà PNCT3 và PNCIV thì việc bổ sung vitamin B2 vào môi trường nuôi cấy là cần thiết. Dòng PNCT3 thích hợp với nồng độ vitamnin B2 bổ sung vào môi trường là 5,0mg/l đạt hệ số nhân chồi 3,6 lần và tỷ lệ chồi hiện hữu 34,5%. Dòng PNCIV thích hợp với nồng độ vitamnin B2 bổ sung vào môi trường là 10,0mg/l đạt hệ số nhân chồi 3,5 lần và tỷ lệ chồi hiện hữu 34,9%.
3. Nghiên cứu bổ sung vitamin H (biotin) vào môi trường nuôi cấy cho thấy dòng PNCT3 thích hợp với nồng độ biotin1,0mg/l đạt hệ số nhân chồi 3,5 lần và tỷ lệ chồi hiện hữu 35,3%. Dòng PNCIV không thích hợp với việc bổ sung biotin vào môi trường nuôi cấy.
4. Với cả hai dòng nghiên cứu thì bình giống gốc sau khi cấy được che tối một tuần sau đó chiếu sáng hoàn toàn cho hiệu quả nhân chồi cao nhất (dòng PNCT3 cho hệ số nhân chồi đạt 3,6 lần, tỷ lệ chồi hữu hiệu đạt 35,8%; và PNCIV cho hệ số nhân chồi đạt 3,5 lần, tỷ lệ chồi hữu hiệu đạt 37,3%).
5. Bước đầu triển khai thử nghiệm cấy ra rễ thì nồng độ IBA 3,5mg/l cho hiệu quả rễ tốt nhất đối với 2 dòng nghiên cứu. Với công thực này thì tỉ lệ ra rễ của dòng PNCT3 là 60,2%, chiều dài rễ là 2,3cm và số rễ bình quân đạt được là 2,3 cái/cây. Với dòng PNCIV tỉ lệ ra rễ đạt được là 67,6%, chiều dài rễ là 2,3cm và số rễ bình quân đạt được là 2,4 cái/cây.
Như vậy, kết quả thu được đầy triển vọng, bước đầu có thể áp dụng kỹ thuật nuôi cấy mô hai dòng bạch đàn PNCT3 và PNCIV vào sản xuất thử nghiệm.
Có thể tìm đọc toàn văn Báo cáo kết quả nghiên cứu của Đề tài (Mã số 14761/2018) tại Cục Thông tin Khoa học và Công nghệ Quốc gia.
P.T.T (NASATI)