Vai trò của công nghệ sinh học trong nghiên cứu nấm ăn, nấm dược liệu
- Thứ tư - 31/07/2024 00:06
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Hiện nay, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã hoàn thiện Đề án phát triển nấm ăn, nấm dược liệu đến năm 2030 nhằm đáp ứng mục tiêu chung thời gian tới là xây dựng ngành sản xuất nấm theo hướng hàng hoá, tập chung quy mô công nghiệp, từng bước ứng dụng công nghệ cao, có sự gắn kết chặt chẽ từ khâu nghiên cứu, sản xuất, bảo quản, chế biến đến tiêu thụ, qua đó tạo lên thương hiệu nấm Việt Nam trên thị trường quốc tế; tập trung ưu tiên hỗ trợ doanh nghiệp tham gia vào khoa học công nghệ và phát triển sản xuất, góp phần giải quyết việc làm, chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn tạo ra nguồn hàng hoá có giá trị cao phục vụ nhu cầu trong nước và xuất khẩu; tạo ra các giống cây trồng, vật nuôi mới có năng suất, chất lượng và mang lại hiệu quả kinh tế cao, có sức chống chịu tốt với các điều kiện môi trường, phục vụ hiệu quả cho nhu cầu chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao chất lượng và sức cạnh tranh của hàng hóa nông sản.
Một số nấm dược liệu nuôi trồng tại Học viện Nông nghiệp Việt Nam
Chính vì vậy, việc ứng dụng công nghệ sinh học trong chọn tạo và sản xuất các loại giống nấm ăn, nấm dược liệu đang được các nhà nghiên cứu và đơn vị sản xuất quan tâm nhiều. Các công nghệ ứng dụng để sản xuất giống nấm được áp dụng chính hiện nay như: tạo đột biến, dung hợp tế bào trần, lai đơn bào tử…
Công nghệ sinh học trong nghiên cứu chọn tạo và sản xuất giống nấm
Viện đã áp dụng phương pháp nuôi cấy mô thực vật vào việc nhân nhanh, tạo số lượng lớn trong sản xuất giống nấm: nuôi cấy mô nấm, bào tử nấm trong môi trường dinh dưỡng đã được vô trùng để tạo ra nguồn giống sạch bệnh, giữ nguyên được các yếu tố di truyền từ nguồn giống gốc có chất lượng, năng suất hoặc giá trị dinh dưỡng, giá trị dược liệu tốt từ các loài nấm bản địa mới được thu thập hay từ các chủng nấm nhập nội. Bên cạnh đó, Viện có nhiều nghiên cứu tối ưu hoá các điều kiện nhân nuôi để đảm bảo tìm ra được các công thức môi trường nhân giống tối ưu cho sự sinh trưởng hệ sợi, và môi trường phù hợp với từng loại nấm khác nhau.
Công nghệ sinh học trong định danh các loài nấm mới
Phương pháp nhận diện loài dựa trên hệ gene (ADN) đã được phát triển từ năm 1990. Hiện nay, bằng cách sử dụng phương pháp sinh học phân tử có thể phân biệt loài kể cả khi mẫu vật chưa phát triển đầy đủ các đặc tính hình thái, bị hư hỏng các bộ phận ngoài, hoặc mẫu vật chết khiến quá trình nhận diện bằng hình thái trở nên khó khăn thậm chí là không thể. Định danh loài bằng phương pháp sinh học phân tử có thể thực hiện trên ADN hoặc protein. Phương pháp dựa vào ADN có lợi thế hơn so với protein vì: (1) ADN ít nhạy cảm trong quá trình làm biến tính, (2) có thể thu nhận ADN từ tất cả các giai đoạn phát triển của cá thể và (3) ADN dễ dàng được nhân lên trong phòng thí nghiệm. Một hoặc một vài đoạn ADN ngắn (marker phân tử) được chọn làm trình tự so sánh giữa một mẫu chưa biết với một thư viện các trình tự của các loài đã biết. Với những loài sinh vật mà người ta cho là nó có quan hệ gần thì người ta có thể chọn những gen hay vùng ADN có độ linh động cao (như intron hay ITS), nhưng với nhóm sinh vật có quan hệ xa thì người ta lại chọn gen hay vùng ADN có độ bảo tồn cao (ví dụ ribosomal LSU rADN, gen mã hóa protein). Nếu việc chọn gen hay vùng ADN có độ bảo tồn hay độ biến thiên cao quá sẽ có thể ảnh hưởng đến kết quả cuối cùng, vì vậy khuynh hướng hiện nay cũng là khuynh hướng tốt nhất là người ta kết hợp cả hai hướng này cho cùng một nghiên cứu.
Công nghệ bioreactor trong nhân sinh khối nấm
Việc nhân nuôi sợi nấm trong môi trường lỏng cho năng suất cao, tốn ít thời gian và không gian hơn khi nuôi cấy sợi nấm trên môi trường rắn. Do đó, Viện có nhiều nghiên cứu ứng dụng công nghệ sinh học để tối ưu hoá các điều kiện nhân nuôi để nhân sinh khối nấm đạt hiệu quả cao thay cho việc nuôi trồng tạo quả thể, rút ngắn thời gian đánh giá hoạt chất sinh học cũng như chi phí tốn kém của việc xây dựng nhà xưởng nuôi trồng.
Công nghệ vi sinh
Vi sinh vật không những áp dụng phổ biến trong trồng trọt và chăn nuôi mà còn được ứng dụng nhiều trong công nghệ sản xuất nấm ăn, nấm dược liệu.
Ứng dụng của vi sinh vật trong quá trình ủ nguyên liệu, có tác dụng đẩy nhanh quá trình ủ, giúp phân giải các chất hữu cơ, hạn chế nấm mốc kiểm soát các mầm bệnh gây hại, qua đó góp phần bổ sung dinh dưỡng, điều chỉnh độ ẩm, pH cho giá thể nuôi trồng nấm.
Ngoài ra khi xử lý chế phẩm sinh học vào giai đoạn ủ nguyên liệu có tác dụng kích thích các chủng vi sinh vật có ích hoạt động mạnh hơn, ức chế các chủng vi sinh vật gây hại, thúc đẩy quá trình phân hủy Xenluloza, nhanh phân giải các chất hữu cơ trong giá thể, tạo điều kiện cho hệ sợi nấm sinh trưởng, phát triển tốt làm tiền đề kích thích mầm quả thể nấm hình thành, tăng số lượng mầm và tăng khả năng tích luỹ dinh dưỡng của hệ sợi hạn chế quả thể bị héo non do thiếu dinh dưỡng.
Nghề trồng nấm không những mang lại thu nhập mà còn góp phần giải quyết vấn đề môi trường do phế phụ liệu nông nghiệp tạo ra. Sản phẩm của nghề trồng nấm không chỉ bổ sung nguồn thực phẩm giàu dinh dưỡng mà còn có chức năng điều trị một số bệnh ở người. Tuy nhiên, nghề trồng nấm cũng tạo ra một sản lượng bã thải không nhỏ. Do đó, ứng dụng các chế phẩm sinh học sẽ giúp các hộ nông dân trồng nấm sử dụng hiệu quả nguồn phế phẩm này, đồng thời giảm thiểu được ảnh hưởng đến môi trường xung quanh. Sau quá trình sử dụng để trồng nấm thì các nguyên liệu này đã bị phân hủy một phần, hàm lượng cacbon tổng số khá cao (20 – 30%) so với hàm lượng nitơ tổng số giảm đáng kể (0,3 – 0,5%), vì vậy cần bổ sung đạm vào trong quá trình ủ để cân bằng tỷ lệ C/N thích hợp cho cây trồng. Vì vậy, thực hiện việc bổ sung nấm Trichoderma, dung dịch vi khuẩn cố định đạm – phân giải lân và phân urê bổ sung vào đống ủ là rất cần thiết để sản xuất phân hữu cơ vi sinh từ bã thải rơm rạ, mùn cưa sau trồng nấm có thể chủ động được nguồn phân hữu cơ thường xuyên trong việc sản xuất lúa, rau màu, nâng cao độ phì nhiêu của đất; đồng thời hạn chế tối đa ô nhiễm môi trường, giảm một phần chi phí trong sản xuất và tăng thêm nguồn thu nhập cho bà con nông dân.
P.T.T (tổng hợp)