Trung Quốc đã phóng siêu vệ tinh thương mại trí tuệ nhân tạo đầu tiên trên thế giới

Ngày 3/2/2024, Trung tâm phóng vệ tinh Thái Nguyên của Trung Quốc đã phóng siêu vệ tinh thương mại trí tuệ nhân tạo (AI) đầu tiên trên thế giới lên quỹ đạo từ vùng biển ngoài khơi thành phố Dương Giang, tỉnh Quảng Đông, phía nam Trung Quốc.

Hình ảnh siêu vệ tinh thương mại AI của Trung Quốc, có tên "Rongpiao" hoặc "Xingshidai-18", được phóng từ tỉnh Quảng Đông phía nam Trung Quốc, ngày 3 tháng 2 năm 2024.

Tên lửa Smart Dragon-3 (SD-3) đã mang theo 9 vệ tinh, bao gồm siêu vệ tinh thương mại AI vào quỹ đạo dự kiến. Ngoài ra, lần này SD-03 cũng đã đưa vệ tinh NExSat-1 của Ai Cập lên quỹ đạo, đánh dấu lần phóng mang trọng tải quốc tế đầu tiên của nó. Đây là chuyến bay thứ 3 của tên lửa SD-03.

Được phát triển bởi Công ty TNHH Công nghệ Hàng không Vũ trụ Guoxing tại Thành Đô, tỉnh Tứ Xuyên, Tây Nam Trung Quốc, siêu vệ tinh thương mại AI, có tên "Rongpiao" hoặc "Xingshidai-18", là một vệ tinh mạng cảm biến tích hợp mới được trang bị hệ thống "bộ não vệ tinh" thế hệ thứ 6 của công ty. Vệ tinh AI được thiết kế để thực hiện xác minh trên quỹ đạo thuật toán AI tổng hợp cảm giác sau khi đi vào quỹ đạo và sẽ có khả năng tích hợp từ xa cho các mạng truyền thông trong tương lai.

Truyền thông nhà nước Trung Quốc đưa tin rằng, Smart Dragon-3 nhỏ nhưng mạnh mẽ, có khả năng vận chuyển hàng hóa với chi phí cạnh tranh, giúp nâng cao khả năng cạnh tranh của Trung Quốc trong phóng vệ tinh thương mại. Smart Dragon-3 do Công ty Tên lửa Trung Quốc phát triển, đã được phóng lần đầu tiên vào tháng 12 năm 2022.

Chủ tịch Tập Cận Bình đã kêu gọi mở rộng các ngành công nghiệp chiến lược, bao gồm cả lĩnh vực không gian thương mại, được coi là quan trọng để xây dựng các mảng vệ tinh cho viễn thông, cảm biến từ xa và định vị.

Hãng sản xuất ô tô Trung Quốc Geely Holding Group mới đây cũng đã phóng lên quỹ đạo 11 vệ tinh mới nhằm nâng cao khả năng cung cấp định vị chính xác hơn cho xe tự động.

Năm 2023, Trung Quốc có 17 lần phóng vệ tinh thương mại, trong tổng số 67 lần phóng vệ tinh các loại - một kỷ lục mới. Trong năm 2023, Trung Quốc đã tiến hành nhiều lần phóng hơn bất kỳ quốc gia nào khác ngoại trừ Hoa Kỳ (với 116 lần phóng, trong đó có gần 100 lần do công ty SpaceX của Elon Musk thực hiện).

Đối với việc xây dựng các mạng vệ tinh thương mại, khả năng quan trọng của Trung Quốc là mở thêm, mở rộng loại tên lửa để phù hợp với kích thước hàng hóa khác nhau, giảm chi phí phóng và tăng số lượng địa điểm phóng như xây thêm cảng vũ trụ và sử dụng tàu phóng ở biển.

Smart Dragon-3 có thể mang theo hàng hóa có trọng lượng 1.500 kg vào Quỹ đạo đồng bộ Mặt trời (Sun Synchronous Orbit - SSO) ở độ cao xấp xỉ 500km. Công ty Tên lửa Trung Quốc đã từng nói rằng tên lửa này có thể mang theo hơn 20 vệ tinh với chi phí phóng dưới 10.000 đô la Mỹ mỗi kg - một mức giá cạnh tranh toàn cầu cho tên lửa tải nhẹ. Giá cả tương tự như các lần phóng của các tên lửa tải nhẹ Trung Quốc khác bao gồm Long March 11, nhưng kích thước hàng hóa của chúng nhỏ hơn.

Smart Dragon-3 mạnh tương đương với tên lửa Lijian-1 (có chuyến bay đầu tiên vào năm 2022). Được phát triển bởi CAS Space, một đơn vị thương mại có trụ sở tại Quảng Châu thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Trung Quốc, Lijian-1 cũng có thể mang một hàng hóa có trọng lượng 1.500 kg vào quỹ đạo SSO.

P.A.T (NASATI), theo https://news.cgtn.com/ và https://www.reuters.com/, 2/2024