Thúc đẩy phát triển mạnh mẽ khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo phục vụ hiệu quả cho mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Quảng Ngãi

Phát biểu tại buổi làm việc giữa Đoàn công tác của Bộ Khoa học và Công nghệ với UBND tỉnh Quảng Ngãi chiều ngày 30/8/2024, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt nhấn mạnh, cần tận dụng tốt những lợi thế, tiềm năng phát triển sẵn có, thúc đẩy phát triển mạnh mẽ khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo (KHCN&ĐMST) để nâng cao năng suất, chất lượng và sức cạnh tranh của nền kinh tế, phục vụ hiệu quả cho mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương/vùng. Tiếp tục đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, ứng dụng và phát triển công nghệ, đổi mới sáng tạo phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh.

Quang cảnh buổi làm việc giữa Đoàn công tác của Bộ Khoa học và Công nghệ với UBND tỉnh Quảng Ngãi

Báo cáo tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Trần Hoàng Tuấn cho biết, hoạt động KHCN&ĐMST luôn bám sát các chủ trương, chính sách, quy định của Đảng, Chính phủ và các cơ quan Trung ương, đồng thời, tỉnh đã kịp thời thể chế, cụ thể hóa các cơ chế, chính sách, quy định nói trên để triển khai đồng bộ, hiệu quả, phù hợp với điều kiện của địa phương.

Việc triển khai thực hiện các đề tài, dự án KH&CN đã đạt nhiều kết quả quan trọng, có những đóng góp lớn cho phát triển nông nghiệp và kinh tế - xã hội. Trong nông nghiệp, việc áp dụng giống mới và các quy trình sản xuất tiên tiến vào sản xuất lúa, lạc, sắn, hành, tỏi, gừng sẻ... đã làm tăng năng suất, sản lượng, tăng hiệu quả kinh tế và thu nhập cho nông dân từ 1,3 - 1,5 lần. Tỉnh đã hình thành một số mô hình theo chuỗi giá trị, gắn kết doanh nghiệp với hợp tác xã, người dân trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp. Việc áp dụng giống mới, với các quy trình kỹ thuật chăn nuôi hợp lý, năng suất, sản lượng và giá trị thương phẩm gia súc, gia cầm tăng từ 1,5 - 2 lần.

Trong lĩnh vực kỹ thuật - công nghệ, kết quả thực hiện đề tài “Xây dựng cơ sở dữ liệu 4D phục vụ phát triển du lịch cho huyện đảo Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi” đã tạo dựng được cơ sở dữ liệu 4D trên nền GIS để khai thác, ứng dụng phục vụ công tác quản lý và quảng bá phát triển du lịch huyện đảo Lý Sơn. Với lĩnh vực y - dược, một số đề tài đã mang lại hiệu quả tích cực như “Điều tra, đánh giá thực trạng và đề xuất giải pháp can thiệp cộng đồng phòng chống bệnh trầm cảm ở người cao tuổi tại thành phố Quảng Ngãi”; “Điều tra hiện trạng và giá trị nguồn dược liệu ma-gang ở tỉnh Quảng Ngãi làm cở sở quản lý, sử dụng, bảo tồn và phát triển bền vững”... Hoạt động nghiên cứu trong lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn đã cung cấp luận cứ khoa học cho việc đề ra chủ trương, ban hành các cơ chế, chính sách thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội.

Hoạt động quản lý nhà nước về công nghệ được đẩy mạnh. Thông qua công tác thẩm định công nghệ, các chủ đầu tư đã đầu tư công nghệ, thiết bị mới, đồng bộ hạn chế ô nhiễm môi trường, giảm tiêu hao nhiên liệu, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, từng bước tiếp cận Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Công tác an toàn bức xạ, an ninh nguồn phóng xạ được đảm bảo.

Tỉnh đã đẩy mạnh triển khai hoạt động sở hữu trí tuệ. Hiện tỉnh có 1.838 đơn đăng ký sở hữu trí tuệ, 7 sáng chế, 82 kiểu dáng công nghiệp, 913 nhãn hiệu được cấp giấy chứng nhận; có 78 nhãn hiệu tập thể, 26 nhãn hiệu chứng nhận và 2 chỉ dẫn địa lý được cấp giấy chứng nhận. Hoạt động tiêu chuẩn đo lường chất lượng ngày càng được chú trọng. Hoạt động quản lý nhà nước về chất lượng sản phẩm, hàng hóa theo phân công, phân cấp được tăng cường. Việc xác nhận hồ sơ công bố hợp chuẩn, hợp quy, kiểm tra nhà nước về chất lượng hàng hóa nhập khẩu; xây dựng tiêu chuẩn cơ sở; đăng ký sử dụng mã số mã vạch... đã góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh, phát triển kinh tế - xã hội.

Công tác thanh tra, kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về tiêu chuẩn đo lường chất lượng, nhãn hàng hóa, sở hữu công nghiệp trong sản xuất, kinh doanh... được tăng cường. Tỉnh đã có nhiều hoạt động thúc đẩy hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST: đã hình thành 1 Trung tâm hỗ trợ doanh nghiệp ĐMST, 8 câu lạc bộ khởi nghiệp sáng tạo; hỗ trợ 75 cá nhân, doanh nghiệp mô hình kinh doanh, hoàn thiện sản phẩm... Đã có 20 cơ sở sản xuất, doanh nghiệp khởi nghiệp hình thành và phát triển từ các Cuộc thi khởi nghiệp ĐMST. Năm 2023, Chỉ số ĐMST cấp địa phương (PII) của tỉnh đạt 37.80 điểm, xếp hạng thứ 26/63 tỉnh/thành.

Tỉnh Quảng Ngãi kiến nghị Bộ Khoa học và Công nghệ và bộ, ngành liên quan sớm tham mưu với Chính phủ ban hành cơ chế chính sách đặc thù, vượt trội; cơ chế thử nghiệm chính sách mới, chấp nhận rủi ro trong hoạt động nghiên cứu KH&CN, đồng thời sớm ban hành Thông tư hướng dẫn quản lý nhiệm vụ KH&CN cấp tỉnh và cấp cơ sở sử dụng ngân sách nhà nước; Bộ Khoa học và Công nghệ tham mưu Thủ tướng Chính phủ sửa đổi, bổ sung Quyết định số 19/1014/QĐ-TTg ngày 05/3/2014 theo hướng ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác áp dụng, duy trì, cải tiến hệ thống quản lý chất lượng gắn với việc triển khai chuyển đổi số... Tỉnh cũng đề nghị Bộ Khoa học và Công nghệ hỗ trợ thực hiện từ 2-3 nhiệm vụ KH&CN/năm; ưu tiên các nhiệm vụ chuyển giao kỹ thuật công nghệ cao, công nghệ số, công nghệ sinh học vào việc bảo quản, chế biến sau thu hoạch; ứng dụng đồng bộ các giải pháp KH&CN để đẩy mạnh sản xuất và tiêu thụ một số nông lâm sản theo chuỗi giá trị phục vụ xuất khẩu.

Tại buổi làm việc, lãnh đạo các đơn vị thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ đã trao đổi về các nội dung phối hợp giữa Bộ Khoa học và Công nghệ với UBND tỉnh trong hoạt động KHCN&ĐMST; trao đổi, thảo luận, giải đáp cơ bản các kiến nghị của tỉnh; đề xuất các giải pháp trọng tâm tỉnh cần chú trọng trong hoạt động KHCN&ĐMST.

Tại buổi làm việc, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi Nguyễn Hoàng Giang cho rằng, Quảng Ngãi có nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển KHCN&ĐMST. Để tiếp tục phát huy các lợi thế của địa phương, đồng chí Nguyễn Hoàng Giang yêu cầu Sở KH&CN tiếp tục làm tốt công tác tham mưu, nghiên cứu, có nhiều hoạt động sáng tạo, ứng dụng KH&CN và có những sản phẩm cụ thể. Tỉnh Quảng Ngãi mong muốn Bộ Khoa học và Công nghệ tiếp tục xem xét, hỗ trợ tỉnh thực hiện các chương trình, hoạt động KHCN&ĐMST.

Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi Nguyễn Hoàng Giang phát biểu tại buổi làm việc

Đ/c Bùi Thị Quỳnh Vân, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh cho biết, tỉnh xác định KH&CN là nền tảng, là yếu tố tác động lớn đến phát triển kinh tế - xã hội. Thời gian tới, tỉnh sẽ tập trung sự quan tâm, đầu tư một cách bài bản, có hệ thống trong việc nghiên cứu KH&CN, ứng dụng KH&CN vào sản xuất, kinh doanh và đẩy mạnh phong trào khởi nghiệp ĐMST. Quảng Ngãi mong muốn Bộ hỗ trợ thúc đẩy hoạt động KH&CN phát triển đi vào chiều sâu với nguồn lực hỗ trợ của Nhà nước và cả cộng đồng doanh nghiệp.

Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Bùi Thị Quỳnh Vân phát biểu tại buổi làm việc

Phát biểu kết luận, Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt đánh giá cao những kết quả trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo điều hành của các đồng chí Lãnh đạo tỉnh đối với hoạt động KHCN&ĐMST. Công tác quản lý nhà nước về KHCN&ĐMST được triển khai trên các lĩnh vực; hoạt động nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao tiến bộ KH&CN đã đóng góp cho phát triển kinh tế - xã hội, giải quyết những vấn đề cấp thiết phát sinh trong sản xuất, đời sống...

Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt phát biểu kết luận buổi làm việc

Bộ trưởng cho rằng, Quảng Ngãi là địa phương có nhiều tiềm năng cho phát triển kinh tế biển, có nhiều sản phẩm đặc hữu, du lịch, đào tạo nhân lực… Để thúc đẩy phát triển KHCN&ĐMST hơn nữa, Bộ trưởng mong muốn Lãnh đạo tỉnh và Lãnh đạo các Sở ngành tiếp tục quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát hơn hoạt động KHCN&ĐMST; tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Bộ KH&CN trong việc xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách về KHCN&ĐMST theo hướng phù hợp với cơ chế thị trường, tôn trọng đặc thù của lao động sáng tạo và theo chuẩn mực quốc tế… Tăng cường đầu tư nâng cao tiềm lực KH&CN của tỉnh như cơ sở vật chất, trang thiết bị, nhân lực, ngân sách và huy động nguồn lực ngoài ngân sách đầu tư cho hoạt động KHCN&ĐMST. Huy động các viện, trường, chuyên gia, nhà khoa học, doanh nghiệp trong và ngoài nước tham gia giải quyết các vấn đề của tỉnh; nâng cao năng lực nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng KH&CN phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.

Theo Bộ trưởng, tỉnh cần tận dụng tốt những lợi thế, tiềm năng phát triển sẵn có của tỉnh, thúc đẩy phát triển mạnh mẽ KHCN&ĐMST để nâng cao năng suất, chất lượng và sức cạnh tranh của nền kinh tế, phục vụ hiệu quả mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương/ vùng. Tiếp tục đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, ứng dụng và phát triển công nghệ, ĐMST phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh (tại các khu vực có nhiều tiềm năng như: huyện đảo Lý Sơn; khu kinh tế Dung Quất, các khu công nghiệp và doanh nghiệp trên địa bàn). Tập trung phát triển các sản phẩm có lợi thế của địa phương, sản phẩm theo chuỗi giá trị, phục vụ hiệu quả cho tăng trưởng, phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Tiếp tục đẩy mạnh phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo, ĐMST; phát triển thị trường, doanh nghiệp KH&CN; tổ chức thực hiện các giải pháp cải thiện, nâng cao Chỉ số PII của địa phương; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, thúc đẩy phát triển KHCN&ĐMST.

P.A.T (tổng hợp)

Tác giả bài viết: PAT