Theo dõi tình trạng rò rỉ CO2 dưới đáy đại dương

Theo một số chuyên gia, bơm khí CO2 sâu dưới đáy biển có thể là chiến lược quan trọng để giảm thiểu biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, các nhà khoa học cần có một phương pháp đáng tin cậy để theo dõi tình trạng rò rỉ khí nhà kính tại những vị trí này.

Một bài báo mới được công bố trên tạp chí Environmental Science and Technology đã nghiên cứu các nguồn phát thải CO2 tự nhiên ngoài khơi nước Ý bằng cách sử dụng các mô hình có thể áp dụng cho những vị trí lưu trữ trong tương lai.

Công ty năng lượng đa quốc gia Equinor vận hành một cơ sở lưu trữ CO2, bơm khoảng 1 megaton mỗi năm khí nhà kính vào một tầng chứa đá sa thạch ngoài khơi sâu dưới vùng biển Na Uy.

Trong trường hợp rò rỉ ngẫu nhiên, việc lưu trữ khí dưới đáy biển gây rủi ro cho con người ít hơn so với việc lưu trữ trên đất liền vì đại dương rộng lớn đóng vai trò là chất đệm cho CO2 được giải phóng. Tuy nhiên, khí rò rỉ có thể hòa tan trong nước biển, làm giảm độ pH và có khả năng gây hại cho hệ sinh thái biển địa phương.

Hiện nay, các nhà khoa học còn thiếu phương pháp xác định và định lượng hiện tượng rò rỉ CO2 lan rộng trên một khu vực dưới đáy đại dương. Do đó, Jonas Gros và các cộng sự tại Trung tâm Nghiên cứu đại dương (Đức) đã nghiên cứu những thay đổi độ pH gần các vị trí rò rỉ khí CO2 tự nhiên ở vùng lân cận Panarea, một hòn đảo nhỏ ngoài khơi bờ biển phía bắc Sicily.

Nhóm nghiên cứu đã sử dụng các thợ lặn và triển khai dụng cụ trên tàu để thu thập các mẫu khí và mẫu nước từ các luồng khí CO2 dưới đáy biển. Họ đã sử dụng những dữ liệu này để xác nhận mô hình máy tính mà họ đã phát triển để dự đoán sự thay đổi độ pH của nước do rò rỉ khí.

Mô phỏng này chỉ ra rằng hơn 79% CO2 đã hòa tan trong phạm vi 4m dưới đáy biển. Nhóm nghiên cứu phát hiện ra rằng mô hình có thể dự đoán mô hình biến đổi độ pH trong vùng nước xung quanh vị trí rò rỉ tương tự như dữ liệu thực tế do các cảm biến kéo dưới nước thu thập.

Mô hình mới có thể được sử dụng để hướng dẫn các chiến lược lấy mẫu trong quá trình giám sát thường xuyên các vị trí lưu trữ và để ước tính tác động của việc giải phóng CO2 đến môi trường biển địa phương.

N.P.D (NASATI), theo http://www.spacedaily.com/reports/Monitoring_CO2_leakage_sites_on_the_ocean_floor_999.html, 23/8/2019