Sản xuất thông minh và bền vững hướng tới mục tiêu net-zero

Trong bối cảnh sản xuất đang chuyển mình trong cuộc cách mạng công nghệ 4.0, việc chuyển đổi từ hệ thống nhà máy truyền thống sang mô hình nhà máy thông minh đã và đang được triển khai rộng rãi trong ngành công nghiệp và sản xuất, trở thành xu thế tất yếu. Đây cũng là nội dung Hội thảo “Đổi mới cách tiếp cận: sản xuất thông minh và bền vững hướng tới mục tiêu net-zero” ngày 2/7/2024 tại TP. Hồ Chí Minh, do Hội Tự động hóa Việt Nam kết hợp với Informa Markets Việt Nam tổ chức trong khuôn khổ Triển lãm Quốc tế lần thứ 20 về Cơ khí chính xác và Sản xuất chế tạo - MTA Vietnam 2024.

Các chuyên gia, diễn giả tham gia Hội thảo

Phát biểu khai mạc hội thảo, TS Nguyễn Quân - Chủ tịch Hội Tự động hoá Việt Nam (VAA) cho biết: “Đây là hội thảo chuyên đề có ý nghĩa rất quan trọng đối với các doanh nghiệp sản xuất, cơ khí, tự động hoá, chế biến, chế tạo. Năm 2020, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt chương trình chuyển đổi số quốc gia, sau đó là thuật ngữ ‘chuyển đổi kép’ bao gồm ‘chuyển đổi số’ phải gắn liền với ‘chuyển đổi xanh’. Trong đó, ‘chuyển đổi số’ là nâng cao năng suất, chất lượng và sức cạnh tranh của nền kinh tế nhưng phải song hành với ‘chuyển đổi xanh’, tức là đảm bảo yếu tố bền vững, môi trường. Do đó, chúng ta cần phải đổi mới cách tiếp cận, làm sao các doanh nghiệp Việt Nam trong giai đoạn này vừa phát triển nhanh, hiệu quả, nhưng phải bền vững, hướng tới mục tiêu Net Zero”.

Theo báo cáo của Tổ chức Quản lý Năng lượng Quốc tế (IEA), ngành công nghiệp và sản xuất đóng góp khoảng 24% tổng lượng khí thải CO2 toàn cầu. Còn tại Việt Nam, trong bối cảnh nền kinh tế đang trên đà công nghiệp hóa mạnh mẽ, do đó, ngành sản xuất là một trong những ngành phát thải lớn, đặc biệt là các ngành như sản xuất xi măng, thép và luyện kim. Việt Nam đang nỗ lực chuyển đổi sang năng lượng sạch hơn và cải thiện hiệu quả năng lượng trong sản xuất để giảm bớt tác động đến môi trường. Trong đó, chương trình chuyển đổi số Quốc gia sẽ đóng vai trò trung tâm trong việc hướng ngành sản xuất tới mục tiêu Net Zero, qua việc tối ưu hóa quy trình, giảm lãng phí và hỗ trợ năng lượng tái tạo.

GS.TS Nguyễn Văn Phước - Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học Kỹ thuật TP. Hồ Chí Minh chia sẻ: “Thông qua chuyển đổi số sẽ giúp đẩy nhanh quá trình chuyển đổi xanh, bởi khi áp dụng rộng rãi các giải pháp công nghệ số có thể giảm 20% tổng lượng khí thải và tiến tới mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Trong quá trình này, công nghệ số không chỉ giúp cắt giảm CO2 mà còn tăng hiệu suất sản xuất, tiết kiệm chi phí vận hành và mang lại lợi ích kinh tế đáng kể.

Có 3 cách để đạt mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính bao gồm: Thứ nhất là phải giảm lượng khí phát thải trong quá trình sản xuất điện, giao thông, nông nghiệp, chuyển từ năng lượng hoá thạch sang năng lượng tái tạo; chuyển xe xăng, dầu sang xe điện hoặc hydrogen; Thứ hai là bù lại bằng các biện pháp thu giữ khí CO2 như trồng cây, rừng, áp dụng công nghệ thu giữ hoặc công nghệ sản xuất thông minh không phát thải khí nhà kính; Thứ ba là mua tín chỉ carbon. Do đó, sản xuất thông minh với sự hỗ trợ của chuyển đổi số sẽ giúp cho việc không lãng phí tài nguyên và năng lượng, sản xuất linh hoạt, tối ưu hóa năng suất, tránh dư thừa, có hiệu quả rất cao trong giảm phát thải khí nhà kính”.

Theo Ban tổ chức, với sự chuyển đổi nhà máy thông minh (Smart Factory) mà yếu tố cốt lõi là tận dụng các đột phá công nghệ số như internet vạn vật (IoT), thực tế ảo tăng cường (ARVR), thị giác máy tính, trí tuệ nhân tạo (AI), dữ liệu lớn (Big Data),… áp dụng vào sản xuất sẽ không chỉ giúp tăng năng suất lao động, cải thiện chất lượng sản phẩm mà còn tối ưu kinh phí, lợi nhuận, phòng ngừa những rủi ro nhất định cho doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, sản xuất hiện đại cũng đòi hỏi sự chuyển đổi kép vừa “thông minh” vừa “xanh”, điều đó có nghĩa sản xuất hiện đại phải đáp ứng các tiêu chuẩn và tiêu chí hướng đến phát thải ròng bằng “0”. Chuyển dịch xanh không chỉ là xu hướng mà đã trở thành cam kết của nhiều nền kinh tế và các doanh nghiệp.

Đ.T.V (tổng hợp)

Tác giả bài viết: ĐTV