Quy hoạch Tây Nguyên trở thành vùng phát triển nhanh, bền vững dựa trên nền tảng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo

Ngày 23/6/2024, Hội đồng điều phối vùng Tây Nguyên đã tổ chức hội nghị lần thứ 3 tại TP. Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng. Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang, Chủ tịch Hội đồng điều phối vùng Tây Nguyên chủ trì Hội nghị. Tham dự Hội nghị có lãnh đạo các bộ, ban, ngành Trung ương; lãnh đạo các tỉnh vùng Tây Nguyên, các chuyên gia, nhà khoa học…

Toàn cảnh Hội nghị Hội đồng điều phối vùng Tây Nguyên

Tại Hội nghị, lãnh đạo 5 tỉnh Tây Nguyên đã báo cáo tình hình thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW về phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Tây Nguyên đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 152/NQ-CP ngày 15/11/2022 về Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW ngày 06/10/2022 của Bộ Chính trị về phát triển KT-XH, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Tây Nguyên đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Hội nghị cũng thông qua các nhiệm vụ trọng tâm triển khai trong năm 2024 gồm: các bộ, ngành, địa phương phối hợp rà soát các cơ chế, chính sách hiện hành và đề xuất các cơ chế chính sách đặc thù của vùng Tây Nguyên để kịp thời báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trình Quốc hội; tập trung tổ chức thực hiện quy hoạch vùng Tây Nguyên và các quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ…

Phát biểu tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang đánh giá, thời gian qua vùng Tây Nguyên đã đạt được một số kết quả tích cực, đáng khích lệ về KT-XH. Thông qua Hội nghị lần này, Hội đồng sẽ nắm bắt những vấn đề vướng mắc mà các địa phương đang gặp phải, từ đó báo cáo Chính phủ, đề xuất hướng xử lý cho Vùng. Phó Thủ tướng cũng lưu ý thêm, để việc quy hoạch phát triển Tây Nguyên với tầm nhìn dài hạn, bền vững, các địa phương trong vùng nên học hỏi theo tinh thần “Hợp tác trong phát triển, phát triển trong hợp tác”. Cụ thể như kết nối giao thông giữa các tỉnh, phát triển du lịch theo chuỗi và chia sẻ thu hút đầu tư dự án quy mô lớn giữa các địa phương để thúc đẩy phát triển cả khu vực.

Theo Quyết định số 377/QĐ-TTg ngày 05/05/2024 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch vùng Tây Nguyên thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, Mục tiêu đến năm 2030, Tây Nguyên trở thành vùng phát triển nhanh bền vững dựa trên kinh tế xanh, tuần hoàn; phát triển kinh tế nông nghiệp hiệu quả cao, dựa trên nền tảng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo (KHCN&ĐMST), chuyển đổi số hình thành một số sản phẩm nông nghiệp quy mô lớn có thương hiệu quốc tế gắn với các trung tâm chế biến, trở thành điểm đến hấp dẫn khách du lịch trong nước và quốc tế.

Với vai trò là cơ quan của Chính phủ, thực hiện chức năng quản lý nhà nước về KHCN&ĐMST, Bộ KH&CN đã phối hợp với Bộ, ngành Trung ương tham mưu cho Chính phủ xây dựng nhiều Chương trình quốc gia về KH&CN gắn với cơ chế, chính sách phục vụ phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) và đảm bảo quốc phòng, an ninh quốc gia, trong đó có vùng Tây Nguyên. Điển hình như: Chương trình phát triển tài sản trí tuệ; Chương trình quốc gia Nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm hàng hóa của doanh nghiệp; Chương trình phát triển sản phẩm quốc gia trong phát triển Sâm Ngọc Linh, cà phê, Chương trình KH&CN phục vụ phát triển KT-XH vùng Tây Nguyên; Chương trình Nông thôn miền núi...

Đồng thời, Bộ KH&CN đã phối hợp với các địa phương trong vùng triển khai hiệu quả các Chương trình phối hợp hoạt động KH&CN, một số nhiệm vụ có sự tham gia tích cực của doanh nghiệp bước đầu tạo ra các sản phẩm có giá trị gia tăng cao, phục vụ phát triển KT-XH của địa phương. Hỗ trợ các địa phương trong vùng triển khai các nhiệm KH&CN nhằm quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường ứng phó biến đổi khí hậu; các nhiệm vụ cấp thiết có tác động đến phát triển KT-XH, quốc phòng, an ninh của địa phương; nhất là các nhiệm vụ liên tỉnh, liên vùng phục vụ phát triển các sản phẩm trọng điểm, chủ lực của địa phương…

Trong thời gian tới, Bộ KH&CN sẽ tiếp tục phối hợp với các địa phương trong vùng Tây Nguyên và các bộ, ban, ngành có liên quan triển khai một số nội dung nhằm hỗ trợ thúc đẩy phát triển hoạt động KHCN&ĐMST của Vùng nói riêng và cả nước nói chung, góp phần phát triển KT-XH đất nước. Đặc biệt là nghiên cứu đề xuất các giải pháp tăng cường liên kết trong triển khai hoạt động KHCN&ĐMST, nhất là liên kết các ngành, doanh nghiệp, cơ sở nghiên cứu, trường đại học trong nội vùng với nhau và với các vùng khác.

P.A.T (tổng hợp)