Quản lý AI toàn diện cho doanh nghiệp: bảo đảm độ tin cậy, rủi ro và bảo mật trong thời đại kỹ thuật số

Trong bối cảnh sự phát triển mạnh mẽ của trí tuệ nhân tạo (AI), việc quản lý độ tin cậy, rủi ro và bảo mật AI (AI TRISM) trở thành một yếu tố không thể thiếu đối với doanh nghiệp. AI mang lại nhiều lợi ích và tiềm năng, nhưng cũng kèm theo những thách thức và rủi ro đáng kể. Dự báo trong năm 2024, việc áp dụng các biện pháp kiểm soát AI TRISM sẽ loại bỏ được 80% thông tin sai lệch và cải thiện đáng kể độ chính xác trong các quyết định của doanh nghiệp. Bảo đảm độ tin cậy của hệ thống AI, quản lý rủi ro và bảo mật thông tin là những khía cạnh quan trọng của quản lý AI TRISM. Việc tối ưu hóa hiệu suất của hệ thống AI trong môi trường an toàn là ưu tiên hàng đầu, nhằm đối phó với thách thức của sự phổ cập hóa AI. Công cụ quản lý này không chỉ cần thiết mà còn là chìa khóa để khám phá những lợi ích của AI mà không gặp phải những hậu quả không mong muốn.

Trong lĩnh vực phát triển phần mềm, phát triển dựa trên tăng cường AI (AI-augmented development) đang nổi lên như một phương pháp hỗ trợ mạnh mẽ cho các kỹ sư phần mềm. Công nghệ AI hỗ trợ trong thiết kế và thử nghiệm ứng dụng, giúp cải thiện năng suất kinh doanh và tập trung vào sáng tạo và quyết định chiến lược. AI tự động hóa các nhiệm vụ lặp lại, giúp tiết kiệm thời gian và cho phép các nhà phát triển tập trung vào khía cạnh sáng tạo hơn. Tăng cường năng suất, quản lý và tối ưu hóa mã nguồn, cùng với tự động hóa kiểm thử, là những lợi ích quan trọng của phương pháp này. Sự kết hợp giữa AI và khả năng sáng tạo của con người mở ra một tương lai mới cho ngành công nghiệp phần mềm.

Tăng cường kết nối lực lượng lao động cũng là một ưu tiên hàng đầu của doanh nghiệp, như khảo sát của Gartner đã chỉ ra. Công cụ "Tăng cường kết nối lực lượng lao động" (ACWF) cung cấp thông tin về nguồn nhân lực và hướng dẫn nâng cao phúc lợi, phát triển kỹ năng và trải nghiệm tổng thể cho lực lượng lao động. Đến năm 2027, Gartner dự đoán ¼ giám đốc công nghệ thông tin (CIO) sẽ sử dụng ACWF để giảm 50% thời gian đào tạo và nâng cao năng lực cho các vị trí nhân sự quan trọng. ACWF không chỉ là một công cụ hỗ trợ mà còn là chiến lược quan trọng để khai thác tiềm năng con người và tăng tốc phát triển tài năng, tạo ra một môi trường tích cực và hỗ trợ sự hiệu suất và sáng tạo.

Công nghệ quản lý mối đe dọa liên tục (CTEM) là một phương pháp tiếp cận có hệ thống giúp các tổ chức đánh giá liên tục và nhất quán khả năng tiếp cận, mức độ tiếp xúc và khả năng khai thác tài sản của họ. CTEM giúp phát hiện các lỗ hổng và mối đe dọa không thể lường trước được, tăng cường khả năng phòng ngừa và giảm thiểu rủi ro bảo mật. Để triển khai thành công CTEM, tổ chức cần có sự cam kết toàn diện từ tất cả các bên liên quan, bao gồm lãnh đạo cấp cao và sự hợp tác chặt chẽ giữa các bộ phận khác nhau.

Kỹ thuật nền tảng (Platform Engineering) đang trở thành yếu tố quyết định trong việc xây dựng và phát triển các hệ thống công nghệ trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp 4.0. Mục tiêu chính của kỹ thuật nền tảng là tạo ra một cơ sở hạ tầng nội bộ tự phục vụ, nâng cao năng suất và trải nghiệm người dùng, và thúc đẩy quá trình phân phối giá trị kinh doanh. Kỹ thuật nền tảng không chỉ là bộ kỹ năng của một cá nhân mà là sự nỗ lực của cả nhóm, cung cấp một sản phẩm cụ thể như nền tảng cho các nhà phát triển. Điều này giúp tối ưu hóa trải nghiệm người dùng và giảm thiểu xung đột trong quá trình phát triển.

Cuối cùng, nền tảng đám mây công nghiệp (ICP) đang trở thành xu hướng quan trọng trong quản lý và tối ưu hóa môi trường đám mây cho từng ngành. ICP giúp tối ưu hóa hiệu suất, giảm chi phí và tăng tính linh hoạt, hỗ trợ doanh nghiệp đối mặt với các thách thức quản lý dữ liệu lớn và bảo đảm tính linh hoạt. Đến năm 2027, hơn 70% doanh nghiệp sẽ sử dụng ICP để đẩy nhanh sự đổi mới kinh doanh, chứng tỏ ICP không chỉ là một xu hướng công nghệ mà còn là một chiến lược quan trọng trong thế giới số hóa hiện nay.

P.A.T (NASATI), theo https://technologymagazine.com/, 6/2024

Tác giả bài viết: PAT