Phát hiện dược phẩm và hóa chất độc hại trong nhựa tái chế

Các nhà khoa học Thụy Điển đã phát hiện ra hàng trăm hóa chất trong nhựa tái chế có khả năng gây hại dựa vào phân tích các hạt nhựa tái chế được thu gom từ các quốc gia khác nhau.

Nghiên cứu do các nhà khoa học tại Đại học Gothenburg ở Thụy Điển dẫn đầu, đã xem xét các hạt nhựa tái chế từ 13 quốc gia ở Đông Âu, châu Á, châu Phi và Nam Mỹ. Thông qua sử dụng một loạt các công cụ phân tích hóa học, các nhà nghiên cứu phát hiện thấy tất cả các hạt nhựa này đều chứa rất nhiều hợp chất đáng kinh ngạc, trong số đó, nhiều hợp chất được coi là có độc tính cao.

Loại hóa chất được tìm thấy nhiều nhất là thuốc bảo vệ thực vật với 162 hợp chất hóa học thuộc loại này. Xếp thứ hai trong danh sách là 89 loại dược phẩm khác nhau. Vị trí thứ ba thuộc về 65 loại hóa chất công nghiệp. Tiếp đến là các loại hóa chất khác bao gồm chất hoạt động bề mặt, chất kích thích, nước hoa, thuốc nhuộm, chất chống thấm, chất ức chế ăn mòn… Theo các nhà nghiên cứu, tổng số có "491 hợp chất hữu cơ đã được phát hiện và định lượng, cùng với 170 hợp chất bổ sung được chú thích tạm thời".

Một số hóa chất này bắt nguồn từ hoạt động sản xuất nhựa, trong khi những chất khác được đưa vào trong giai đoạn tái chế và vẫn tìm đường xâm nhập vào nhựa thông qua quá trình hấp phụ, trong đó các nguyên tử của một số chất tạo thành lớp màng bám dính trên các bề mặt khác nhau. Do có nhiều loại hợp chất được tìm thấy trong nhựa tái chế, các nhà nghiên cứu tin rằng sản phẩm này không phù hợp cho hầu hết các mục đích sử dụng và chúng không góp phần vào vòng đời của vật liệu tuần hoàn.

GS. Bethanie Carney Almroth, đồng tác giả nghiên cứu, cho biết: “Tái chế nhựa được quảng cáo là giải pháp cho cuộc khủng hoảng ô nhiễm nhựa, nhưng các hóa chất độc hại trong nhựa làm phức tạp quá trình tái sử dụng và xử lý chúng, đồng thời cản trở khả năng tái chế”.

Các nhà nghiên cứu chỉ ra rằng hiện tại không có chương trình giám sát nào để phân tích các hóa chất trong nhựa tái chế và chỉ có 1% hóa chất nhựa phải tuân theo quy định quốc tế. Không có chính sách nào liên quan đến việc báo cáo các hóa chất được sử dụng trong quá trình tái chế.

Nhóm nghiên cứu cho rằng: “Các hóa chất độc hại gây rủi ro cho công nhân tái chế và người tiêu dùng, cũng như cho xã hội và môi trường. Các chất phụ gia hóa học được biết là gây hại cho sức khỏe con người và môi trường, phải nhanh chóng được loại bỏ, đồng thời các chất được thêm vào ngoài chủ ý phải được xác định và hạn chế”.

Từ những phát hiện này, nhóm nghiên cứu cho rằng cần phải đưa ra các quy định để xác định  các sản phẩm có thể sử dụng nhựa tái chế và sản phẩm nào không thể, chẳng hạn như trong đồ chơi và bao bì thực phẩm.

Kết quả nghiên cứu đã được công bố trên tạp chí ScienceDirect.

N.P.D (NASATI), theo https://newatlas.com/environment/pharmaceuticals-tox-chemicals-recycled-plastics/, 10/11/2023