Nghiên cứu khả năng giảm nhẹ ô nhiễm chất độc hóa học/dioxin của cỏ Vetiver - áp dụng thử nghiệm tại sân bay Biên Hòa
- Thứ ba - 16/07/2019 15:30
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Dioxin là các chất không mong muốn, sinh ra từ các quá trình sản xuất công nghiệp có sự liên quan đến chlorine. Tuy nhiên, dioxin ở Việt Nam chủ yếu là bắt nguồn từ thành phần độc hại trong chất da cam mà Mỹ đã sử dụng trong chiến tranh ở miền Nam, Việt Nam. Khoảng 2,6 triệu ha, chiếm 15,2% diện tích toàn miền Nam Việt Nam, đã bị phun rải khoảng 95 triệu kg các chất diệt cỏ (Văn phòng Ban chỉ đạo 33, 2013). Ước tính có khoảng 170 kg TCDD, là chất độc nhất trong nhóm các chất dioxin, đã được phun rải, trong khi đó Stellman và cs. (2003) con số đó là khoảng 366 kg TCDD. Dioxin là tên chung để chỉ một nhóm hàng trăm các hợp chất hoá học có chung cấu trúc hoá học nhất định, thuộc nhóm polychlorinated dibenzo para dioxin (PCDDs) và polychlorinated dibenzofurans (PCDFs). Trong 210 đồng phân của hai nhóm này, có 17 chất đồng loại độc với các nguyên tử clo tại vị trí 2, 3, 7 và 8. Chất 2,3,7,8-TCDD được xem là độc nhất và được Tổ chức quốc tế nghiên cứu về ung thư (IARC) thuộc WHO xếp vào những chất gây ung thư nhóm 1 (Fiedler, 2003; WHO, 2007). Như vậy, sự tồn lưu dioxin trong môi trường đã và đang gây ra những tổn thương lâu dài cho hàng triệu người dân Việt Nam, ảnh hưởng tới sức khỏe của người bị phơi nhiễm, gây ra các loại bệnh như: ung thư, suy giảm miễn dịch, tai biến sinh sản, dị tật bẩm sinh v.v., và còn ảnh hưởng tới cả thế hệ sau (Văn phòng Ban chỉ đạo 33, 2013).
Năm 2016: 1:VQR1.1; 2: VQR1.2; 3: VQR1.3; 5: VQR2.1; 6: VQR2.2; 7: VQR2.3; 4,8: marker M12 chứa các đoạn gene 16S rRNA của các chủng đã được định danh
Với các đặc điểm đặc biệt như như đã nêu trên, ngoài ra, với vùng quyển rễ rộng lớn, nơi đây là điều kiện sống lý tưởng cho các VSV (VSV) và nấm, có thể tạo lên sự kết hợp thuận lợi, tối ưu cho quá trình phân huỷ các chất hoá học/dioxin thành các chất không độc. Trên các cơ sở đó, Đề tài “Nghiên cứu khả năng giảm nhẹ ô nhiễm chất độc hóa học/dioxin của cỏ vetiver-Áp dụng thử nghiệm tại sân bay Biên Hòa” do Cơ quan chủ trì đề tài Viện khoa học Địa chất và Khoáng sản cùng phối hợp với Chủ nhiệm đề tài Ngô Thị Thúy Hường để thực hiện.
Sau thời gian nghiên cứu, đề tài đã thu được những kết quả như sau:
1. Cỏ vetiver giống monto có thể sinh trưởng và phát triển tốt trên đất nghèo dinh dưỡng và bị ô nhiễm, các chất độc hóa học và dioxin ở nồng độ vừa và nhẹ.
2. Số liệu quan trắc sinh trưởng cỏ cho thấy thời kỳ phát triển cực thịnh của cỏ là 8 tháng sau trồng, ở thời điểm này chiều cao thân cỏ có thể đạt tới 2,5 m, số nhánh đạt đến trên 30 nhánh sau 6 tháng trồng và cỏ nở hoa đồng loạt. Sau đó cỏ vetiver bước vào giai đoạn thoái trào phát triển, là chu kỳ sinh học bình thường của giống cỏ này trên các môi trường đất bình thường khác. Điều này cũng chứng tỏ cỏ cỏ thể phát triển ổn định và bình thường trên đất ô nhiễm các chất độc hóa học và dioxin ở mức độ vừa và nhẹ và như vậy có khả năng chống lan tỏa dioxin.
3. Kết quả phân tích các mẫu sinh phẩm cho thấy, cỏ vetiver có thể hấp thụ dioxin, 2,4 D, 2,4,5 T và As vào trong bộ rễ khổng lồ của nó và có sự di chuyển của chất độc dioxin từ rễ lên chồi. Mức độ hấp thụ các chất độc này bởi cỏ vetiver chịu ảnh hưởng nhiều từ các yếu tố tự nhiên như chu kỳ sinh trưởng, điều kiện chăm sóc, điều kiện khí hậu, thời tiết, v.v… Lượng dioxin hấp thụ vào bộ rễ có thể sẽ được phân giải hoặc chuyển hóa thành các chất ít độc hơn.
4. VSV tổng số trong các lô trồng cỏ có xu hướng cao hơn lô không trồng cỏ, đặc biệt là lô có bổ sung thêm chế phẩm DECOM1.
5. Thành phần các loài cũng như tính đa dạng của VSV cũng khác nhau giữa các lô thí nghiệm và một lần nữa lô có bón chế phẩm DECOM1 có mặt các VSV mà không có xuất hiện ở các lô khác.
6. Các chất độc hóa học như 2,4 D; 2,4,5 T, As và đặc biệt là dioxin có xu hướng giảm theo thời gian. Cụ thể là ở lô trồng cỏ có bón chế phẩm DECOM1 giảm tới 38% (tương đương khoảng 702 pg TEQ) và lô 2 không bón chế phẩm giảm 24% (tương đương khoảng 735 pg TEQ) sau một năm.
Như vậy có thể khẳng định rằng cỏ vetiver có khả năng chống lan tỏa và làm giảm nhẹ ô nhiễm dioxin trong đất vùng ô nhiễm ở mức độ vừa và nhẹ một cách có hiệu quả, cả về mặt môi trường và kinh tế. Kết quả này mở ra một triển vọng về khả năng xử lý ô nhiễm dioxin bằng công nghệ đơn giản, chi phí thấp và thân thiện với môi trường tại sân bay Biên Hòa, Đồng Nai nói riêng và các điểm ô nhiễm dioxin tại Việt Nam nói chung.
Có thể tìm đọc báo cáo kết quả nghiên cứu (mã số 13841/2016) tại Cục Thông tin KHCNQG.
Đ.T.V (NASATI)