Hợp tác Việt-Nhật thúc đẩy chuyển đổi số

95% doanh nghiệp công nghệ thông tin (DN CNTT) Nhật Bản quan tâm và sẵn sàng nhận kỹ sư Việt Nam trong lĩnh vực CNTT vào làm việc. Ba mảng công nghệ mới tiềm năng nhất trong hợp tác CNTT Việt-Nhật là chuyển đối số, Big Data và AR/VR.

Ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác giữa VJC với ISCO. Ảnh: VGP/Lưu Hương

Ngày 22/10/2019, UBND TP. Đà Nẵng, Hiệp hội Phần mềm và dịch vụ CNTT Việt Nam (VINASA), Ủy ban Hợp tác CNTT Việt Nam-Nhật Bản (VJC) tổ chức Ngày CNTT Nhật Bản với chủ đề “Hợp tác Việt-Nhật thúc đẩy chuyển đổi số”.

Đây là hoạt động xúc tiến hợp tác dành cho các DN CNTT Việt Nam-Nhật Bản tổ chức thường niên bắt đầu từ năm 2007. Ngày CNTT Nhật Bản 2019 nhằm tập trung vào việc thúc đẩy mạnh mẽ hợp tác chuyển đổi số giữa các DN hai nước, đồng thời thúc đẩy mạnh thu hút đầu tư vào Đà Nẵng từ các DN Nhật Bản.

Quan hệ hợp tác giữa DN CNTT Việt Nam và Nhật Bản đang có sự chuyển dịch mạnh mẽ từ gia công phần mềm sang các dự án nghiên cứu và phát triển trên các nền tảng công nghệ mới, chia sẻ tri thức.

Đà Nẵng hiện là trung tâm về CNTT tại khu vực miền Trung, hiện có trên 3.800 DN, trong đó 93% DN Việt Nam hoạt động trong ngành phần mềm, nội dung số và dịch vụ CNTT với tổng doanh thu năm 2018 đạt trên 693 triệu USD. Đặc biệt, mảng gia công phần mềm và dịch vụ có mức tăng trưởng rất cao, đạt 25% năm 2018 với 78 triệu USD.

Đà Nẵng hiện có 38 trường đại học và cao đẳng dạy nghề có đào tạo CNTT với số lượng tuyển sinh hàng năm là 3.500 người.

Ông Lê Trung Chinh, Phó Chủ tịch UBND TP. Đã Nẵng cho biết, Đà Nẵng hiện đã ký kết hợp tác với nhiều thành phố của Nhật Bản như là Yokohama, Nagasaki và Kisarazu… Hiện nay, Nhật Bản là đối tác FDI lớn nhất tại Đà Nẵng, chiếm 25% tổng số vốn đầu tư FDI của Thành phố (177 dự án, với trên 800 triệu USD). Ngoài ra, Nhật Bản cũng là thị trường xuất khẩu phần mềm lớn nhất của các DN CNTT Đà Nẵng, với trên 36% thị phần xuất khẩu.

Ông Takeo Nakajima, Trưởng đại diện JETRO Hà Nội cho biết, theo khảo sát thường niên do JETRO thực hiện, có khoảng 70% các công ty Nhật Bản hoạt động tại Việt Nam cho biết có định hướng mở rộng kinh doanh tại châu Á và ASEAN, đặc biệt là Việt Nam. Riêng trong lĩnh vực CNTT-TT, việc hợp tác và trao đổi song phương đang phát triển mạnh. Năm 2018, có tới 248 DN Nhật Bản đầu tư vào Việt Nam trong lĩnh vực CNTT, chiếm 8% tổng số đầu tư của Nhật vào Việt Nam.

Theo bà Junko Kawauchi, Phó Chủ tịch Ban Hợp tác quốc tế (Hiệp hội Dịch vụ CNTT Nhật Bản - JISA), thị trường CNTT Nhật Bản khoảng 460 tỷ USD, trong đó phần mềm chiếm khoảng 130 tỷ USD.

Dự báo nhu cầu dự án về công nghệ mới của Nhật tháng 6/2019 tăng khoảng 31,5%, trong khi nguồn nhân lực đang thiếu hụt lớn - thiếu khoảng 781.000 kỹ sư CNTT. Trên 80% DN của Nhật sẵn sàng nhận người nước ngoài vào làm việc. 95% công ty Nhật trả lời quan tâm và sẽ nhận các kỹ sư của Việt Nam làm việc. Tuy nhiên 80% DN yêu cầu kỹ sư có năng lực tiếng Nhật N2 và N1 - đây là thách thức rất lớn với DN Việt Nam và là rào cản lớn nhất trong hợp tác CNTT Việt-Nhật.

Còn theo khảo sát của VINASA, hiện có hơn 60 DN đang hợp tác với các đối tác Nhật Bản; 3 mảng công nghệ mới tiềm năng nhất cho hợp tác Việt-Nhật là Big Data, chuyển đổi số và AR/VR; 3 nội dung đào tạo các DN quan tâm nhất là các công nghệ mới (AI, IoT, Big Data…), tiếng Nhật và văn hoá kinh doanh/cách thức tiếp cận thị trường Nhật Bản.

Trong chương trình, các DN có kinh nghiệm hợp tác lâu năm với các đối tác Nhật Bản đã chia sẻ thông tin, kinh nghiệm hợp tác thành công trong các xu hướng công nghệ mới, phát triển nguồn nhân lực cho hợp tác CNTT Việt-Nhật và nâng cao năng lực, quy mô, chất lượng trong các dự án offshore của Nhật. Bên lề sự kiện còn có các hoạt động giao lưu, gặp gỡ giao thương, triển lãm giới thiệu, demo các sản phẩm, giải pháp của các DN Việt Nam và Nhật Bản.

Cũng trong khuôn khổ Ngày CNTT Nhật Bản 2019 đã diễn ra lễ ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác giữa VJC với Trung tâm Đổi mới và chiến lược CNTT tỉnh Okinawa (ISCO). Các hoạt động thiết thực này sẽ hỗ trợ mở rộng hợp tác DN Việt-Nhật trong lĩnh vực CNTT, đặc biệt là các công nghệ mới.

TTXVN