Hội thảo quốc gia thường niên lần thứ nhất "Từ lượng tử đến đời sống"

Mới đây tại TP. Hồ Chí Minh, Viện Nghiên cứu Hạt nhân (thuộc Viện Năng lượng Nguyên tử Việt Nam, Bộ Khoa học và Công nghệ) phối hợp với Viện Triết học Phát triển (Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam) và Viện những vấn đề phát triển và Viện Nghiên cứu Danh nhân tổ chức Hội thảo quốc gia Thường niên lần thứ nhất "Từ lượng tử đến đời sống", nhân kỷ niệm 165 năm ngày sinh Max Planck (23/4/1858 - 04/10/1947) - người khai sáng nền khoa học lượng tử nhân loại.

Được tạo thành từ số lượng nhỏ các phân tử hoặc nguyên tử có sự tương tác đặc biệt với nhau, vật liệu Nano có các tính chất vật lý và hóa học đặc biệt, khác biệt so với các vật liệu lớn hơn. Những tính chất này có thể được điều chỉnh để tạo ra các vật liệu có các đặc tính vượt trội như độ bền, độ dẻo, độ cứng, dẫn điện, dẫn nhiệt và khả năng chống tác động môi trường. Vật liệu Nano có tính linh hoạt, hiệu suất cao, tiết kiệm năng lượng, đa chức năng và được áp dụng trong nhiều lĩnh vực khác nhau. Vì vậy, đã có một trào lưu Nano hóa trong nhiều ngành và lĩnh vực của đời sống xã hội.

Hội thảo thể hiện nỗ lực hợp tác giữa Viện Triết học Phát triển và Viện Nghiên cứu Hạt nhân cũng như các đơn vị trong việc thúc đẩy ứng dụng năng lượng nguyên tử vì hòa bình tại Việt Nam. Tại Hội thảo, các đại biểu đã nghe nhiều tham luận chuyên sâu về nghiên cứu trong thang hạ nguyên tử làm cơ sở cho các nghiên cứu ứng dụng (PGS.TS. Nguyễn Xuân Hải - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Hạt nhân, đồng Chủ tọa đoàn hội thảo); những tiên đề và luận đề cơ bản trong nghiên cứu vật lý lượng tử nói chung, sinh học phân tử đến sinh học lượng tử nói riêng (GS. TSKH. Đào Vọng Đức - nguyên Viện trưởng Viện Vật lý thuộc Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam và TS. Vũ Như Ngọc - Giám đốc Trung tâm Triết học Lượng tử thuộc Viện Triết học Phát triển); kết quả ứng dụng kỹ thuật hạt nhân và các kỹ thuật liên quan trong nghiên cứu bảo vệ môi trường, nông nghiệp sạch, bền vững và sức khỏe (TS. Phan Sơn Hải - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Hạt nhân và PGS.TS. Nguyễn Minh Hiệp - Giám đốc Trung tâm Công nghệ bức xạ và Công nghệ sinh học).

Cũng tại Hội thảo, TS. Nguyễn Huỳnh Thanh - Viện trưởng Viện Triết học Phát triển, đồng Chủ tọa đoàn hội thảo, đã công bố "Hành trình thương mại Nano hóa sản phẩm hàng hóa" cho thị trường Việt Nam, bước đầu trong lĩnh vực nông nghiệp và sinh học phóng xạ. 

Đây là lần đầu tiên ở Việt Nam có một hội thảo về những vấn đề rất khó và rất mới, nhưng chứa đựng những tiền đề thực tiễn giá trị cho các loại sản phẩm hàng hóa thương mại Nano hóa. Theo các chuyên gia, lượng tử hóa và Nano hóa sẽ đem lại những lợi ích thương mại to lớn và ngoạn mục cho người tiêu dùng. Ngành khoa học lượng tử - với những nghiên cứu cơ sở và cơ bản - đang chứa đựng tầm nhìn thương mại hóa và hướng đi mở rộng. Sau hội thảo, các đơn vị đồng chủ trì sẽ tiếp tục đẩy mạnh nghiên cứu hợp tác theo chức năng nhiệm vụ và thế mạnh của mỗi bên, cụ thể hóa chương trình nghiên cứu phát triển Nano hóa trong lĩnh vực nông nghiệp và sinh học phóng xạ và các chương trình liên quan khác.

P.A.T (Tổng hợp)