Hội thảo khoa học “Thực trạng và định hướng phát triển Khoa học và Công nghệ lĩnh vực năng lượng giai đoạn 2021-2030”
- Thứ hai - 23/10/2023 00:02
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Ngày 20/10/2023, tại TP. Hồ Chí Minh, Văn phòng các Chương trình khoa học và công nghệ quốc gia, Bộ Khoa học và Công nghệ, tổ chức Hội thảo khoa học “Thực trạng và định hướng phát triển Khoa học và Công nghệ lĩnh vực năng lượng giai đoạn 2021-2030”.
Ông Nguyễn Phú Hùng, Vụ trưởng Vụ Khoa học và Công nghệ các ngành kinh tế - kỹ thuật, phát biểu tại hội thảo
Hội thảo nhằm cập nhật, trao đổi, thảo luận định hướng KH&CN giải quyết những vấn đề nóng hiện nay như: Chuyển đổi năng lượng, năng lượng mặt trời và lưới điện thông minh… đã được thể hiện trong Khung Chương trình KC.05/21-30 (Chương trình KH&CN cấp Quốc gia giai đoạn đến năm 2030 “Nghiên cứu ứng dụng và phát triển công nghệ năng lượng”).
Tại Việt Nam, ngành năng lượng trong 10 năm qua đã đạt được nhiều thành quả, nhưng vẫn còn nhiều tồn tại và đang phải đối diện với nhiều thách thức. Trước những vấn đề ngành năng lượng đang gặp, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 55-NQ/TW về định hướng chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Theo đó, quan điểm xuyên suốt của Nghị quyết là ưu tiên phát triển năng lượng nhanh và bền vững, đi trước một bước, gắn với bảo vệ môi trường sinh thái, bảo đảm quốc phòng, an ninh, sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả, bảo vệ môi trường.
Ngoài ra, Quyết định số 569/QĐ-TTg ngày 11/5/2022 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Chiến lược phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo đến năm 2030 đã đề ra phát triển công nghệ năng lượng là một trong 10 định hướng phát triển nghiên cứu giai đoạn tới, trong đó “Nghiên cứu ứng dụng, làm chủ các công nghệ năng lượng mới, năng lượng tái tạo, năng lượng thông minh, công nghệ tích trữ năng lượng tiên tiến, pin nhiên liệu…” là một trong những nội dung nghiên cứu quan trọng. Bên cạnh đó, Quyết định số 1217/QĐ-BKHCN của Bộ trưởng Bộ KH&CN phê duyệt Chương trình KH&CN cấp quốc gia “Nghiên cứu ứng dụng và phát triển công nghệ năng lượng”, mã số KC.05/21-30 nhằm hỗ trợ phát triển, ứng dụng công nghệ năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, chuyển đổi số, lưới điện thông minh… trong lĩnh vực vực năng lượng.
Tại Hội thảo, các chuyên gia đã cùng nhau thảo luận nhằm nhận diện, tháo gỡ những tồn tại, xác định nhu cầu thực tế cũng như đánh giá tính khả thi, tính ứng dụng, tính phù hợp và khả năng chuyển giao công nghệ cho Việt Nam, làm cơ sở cho các cơ quan quản lý nhà nước như Bộ Khoa học và Công nghệ trong công tác xây dựng chính sách cũng như thực hiện tốt vai trò quản lý nhà nước, hỗ trợ doanh nghiệp thông qua các hoạt động kết nối cung - cầu công nghệ sau này.
Nhiều chuyên gia cho rằng, nhiên liệu hóa thạch đóng vai trò cung cấp năng lượng chính cho toàn thế giới trong suốt thế kỷ qua. Tuy nhiên, trước sức ép của biến đổi khí hậu và ô nhiễm môi trường, việc chuyển dịch năng lượng để cắt giảm phát thải carbon trở thành xu hướng tất yếu. Trong tương lai, than và dầu sẽ dần được thay thế bởi khí thiên nhiên (loại nhiên liệu hóa thạch sạch hơn và có trữ lượng dồi dào) và phần lớn nhu cầu năng lượng mới sẽ được đáp ứng bởi các loại năng lượng tái tạo. Các đặc điểm địa lý, trình độ khoa học công nghệ, tình hình kinh tế và chính sách cùng mức độ quan tâm đến các vấn đề liên quan đến khí hậu sẽ là yếu tố quyết định tới tốc độ chuyển dịch cơ cấu năng lượng của từng quốc gia trong thời gian tới. Chuyển dịch năng lượng lần này sẽ có quy mô và tác động lớn hơn rất nhiều, bao gồm thay đổi lớn, mang tính cách mạng trong các thiết bị sử dụng năng lượng từ dân dụng đến công nghiệp, nằm trong bối cảnh điều chỉnh phức tạp của các chính sách quốc tế và quốc gia, cũng như sức ép không nhỏ của người tiêu dùng và xã hội về môi trường. Chiến lược trong xu thế chuyển dịch năng lượng được thể hiện ở 3 nội dung chính sau: Giảm hàm lượng carbon (Decarbonisation); điện hóa nền kinh tế và xã hội (Electrification); phát triển năng lượng tái tạo (Renewable energy).
Phát biểu tại hội thảo, ông Nguyễn Phú Hùng, Vụ trưởng Vụ Khoa học và Công nghệ các ngành kinh tế - kỹ thuật (Bộ Khoa học và Công nghệ) cho biết doanh nghiệp có thể đề xuất tham gia chương trình để thực hiện các nhiệm vụ khoa học công nghệ. Ban chủ nhiệm chương trình có trách nhiệm cùng với doanh nghiệp, nhà khoa học, viện trường hoàn thiện đề xuất để triển khai. Phía nhà khoa học có vai trò tham vấn chuyên môn, hỗ trợ doanh nghiệp trong xây dựng đề án phù hợp với các tiêu chí, khung chương trình đề ra.
P.A.T (Tổng hợp)