Hội nghị toàn quốc về khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và tiến bộ kỹ thuật, công nghệ lĩnh vực thủy sản
- Thứ tư - 25/10/2023 11:31
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Ngày 19/10/2023, tại Bắc Ninh, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tổ chức Hội nghị toàn quốc về khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và tiến bộ kỹ thuật, công nghệ lĩnh vực thủy sản.
Quang cảnh Hội nghị
Tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến khẳng định, ngành thủy sản đã đạt được những kết quả tích cực, duy trì tốc độ tăng trưởng ổn định trong nhiều năm qua ở mức 4 - 5%, chiếm 28,7% trong tổng giá trị toàn ngành nông nghiệp. Tính đến hết tháng 9/2023, tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản đạt 6,67 tỷ USD. Đạt được những kết quả khả quan như vậy, có sự đóng góp rất lớn của khoa học và công nghệ. Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nhấn mạnh: “Trong thời gian qua, đã có sự quan tâm rất lớn đến khoa học công nghệ, nhờ đó chúng ta đã có 56 tiến bộ kỹ thuật trong giai đoạn 2022-2023, có 23 giống mới… Trước bối cảnh khó khăn nhưng ngành thủy sản Việt Nam vẫn còn nhiều tiềm năng, lợi thế rất cần tinh thần đam mê nghề nghiệp, quyết tâm, quyết liệt và kiên trì của các nhà khoa học, quản lý, doanh nghiệp để đóng góp ngày càng nhiều hơn về khoa học công nghệ, đưa ngành thủy sản phát triển bền vững”.
Thông tin thêm về ứng dụng khoa học công nghệ trong ngành thủy sản, ông Nguyễn Hữu Ninh - Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ và môi trường (Bộ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết, giai đoạn 2018-2022, ngành thủy sản đã xây dựng được 56 quy trình công nghệ nuôi, sản xuất giống, khai thác, bảo quản, chế biến sản phẩm được công nhận tiến bộ kỹ thuật; chọn tạo được 23 giống cá, tôm tăng trưởng, tỷ lệ sống cao, chất lượng tốt...
Hiện nước ta có khoảng 130 nhà máy sản xuất thức ăn thủy sản với sản lượng 3,77 triệu tấn, đáp ứng 85,6% nhu cầu trong nước. Trong đó, có 96 cơ sở sản xuất thức ăn cá tra, 68 cơ sở thức ăn tôm sú và 38 cơ sở thức ăn tôm chân trắng. Tỉ lệ thức ăn thủy sản phải nhập khẩu của nước ta ngày càng giảm dần, nhưng nguồn nguyên liệu để sản xuất thức ăn (như ngô, khô dầu đậu nành, đậu tương, bột cá, dầu cá hồi, nhóm các acid amin…) vẫn phụ thuộc lớn vào nhập khẩu với hơn 50%.
Ngành chế biến thủy sản của nước ta hiện có gần 600 cơ sở chế biến quy mô công nghiệp với tổng công suất thiết kế gần 2,8 triệu tấn sản phẩm/năm. Hiện trong lĩnh vực chế biến thủy sản, tỷ trọng sản phẩm sơ chế chiếm 51%; sản phẩm làm sẵn chiếm 36%; sản phẩm ăn liền chiếm 13%. Việc nghiên cứu và áp dụng khoa học trong chế biến bảo quản thủy sản đã tạo ra nhiều mặt hàng mới, làm thay đổi cơ cấu sản phẩm thủy sản.
Chúng ta có diện tích nuôi tôm 750.000 ha, sản lượng đạt hơn 1,04 triệu tấn. Diện tích cá tra khoảng 4.600 ha, sản lượng gần 1,6 triệu tấn, xuất khẩu 2,46 tỉ USD, năng suất đứng đầu thế giới, trình độ tương đương với Hoa Kỳ.
Đối với nuôi trồng, công nghệ sản xuất giống các đối tượng nuôi chủ lực đã được cải thiện, đáp ứng nhu cầu thị trường. Số lượng, chất lượng con giống cá tra, tôm hùm, nhuyễn thể, cá rô phi cơ bản được nâng lên, đủ để sản xuất; tỷ trọng giống tôm nước lợ chất lượng được sản xuất trong nước tăng đáng kể, kịp thời phục vụ nhu cầu thị trường trong nước; giống tôm sú bước đầu được xuất khẩu sang các nước như: Indonesia, Thái Lan, Bangladesh…
Tuy nhiên, ông Nguyễn Hữu Ninh cho rằng chuyển giao công nghệ trong lĩnh vực thủy sản giai đoạn vừa qua còn nhỏ lẻ, phân mảnh, chưa gắn nhiều với thực tế sản xuất. Khối doanh nghiệp, tư nhân tham gia vào phát triển nghiên cứu khoa học còn ít. Nguồn nhân lực, năng lực nghiên cứu của đội ngũ cán bộ khoa học còn hạn chế. Tính tự chủ ở các đơn vị nghiên cứu chuyển giao công nghệ còn thấp, chưa có sự liên kết hợp tác với doanh nghiệp...
Thời gian tới, định hướng phát triển khoa học công nghệ trong lĩnh vực thủy sản là nghiên cứu, phát triển công nghệ nuôi tiên tiến, tiết kiệm nước và thức ăn, giảm sử dụng kháng sinh; tiếp tục nghiên cứu làm chủ công nghệ đối với sản phẩm cá da trơn, tôm nước lợ; đồng thời chuyển giao công nghệ mới vào sản xuất, tạo và phát triển giống thủy sản mang tính trạng cải tiến; đẩy mạnh xây dựng và phát triển công nghiệp sinh học trên nhóm sản phẩm thủy sản...
Tại Hội thảo còn có một số tham luận giới thiệu các công trình nghiên cứu mới, có triển vọng tạo sự chuyển biến về năng suất, chất lượng, hiệu quả, có tính khả thi trong ứng dụng vào sản xuất; từ đó, góp phần phát triển bền vững ngành thủy sản theo hướng nâng cao giá trị.
P.A.T (Tổng hợp)