Hội nghị tập huấn về công tác truyền thông khoa học và công nghệ
- Thứ hai - 15/07/2024 11:01
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Trong 2 ngày 11-12/7/2024, tại Thái Nguyên, Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển truyền thông khoa học và công nghệ đã tổ chức Hội nghị tập huấn về công tác truyền thông cho các cán bộ đầu mối tại các đơn vị trực thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ, các bộ/ngành và tổ chức khoa học và công nghệ. Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Hoàng Giang đã tới dự và phát biểu chỉ đạo Hội nghị.
Quang cảnh Hội nghị
Phát biểu tại Hội nghị, ông Nguyễn Văn Khải, Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển truyền thông khoa học và công nghệ cho biết, Hội nghị được tổ chức với mục tiêu tăng cường kỹ năng của đội ngũ cán bộ phụ trách truyền thông khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo (KHCN&ĐMST) trong việc nâng cao hiệu quả công tác truyền thông KHCN&ĐMST; đồng thời, tăng cường phối hợp giữa các đơn vị trong Bộ, các Sở KH&CN với các cơ quan thông tấn báo chí để hình thành mạng lưới truyền thông KHCN&ĐMST, từ đó cung cấp thông tin chính xác, kịp thời về chính sách mới, các thành tựu KHCN&ĐMST, lan tỏa những điểm sáng, làm thay đổi nhận thức, thái độ và hành vi của nhiều đối tượng công chúng đóng góp vào sự phát triển chung của ngành KH&CN.
Tại Hội nghị, TS. Phan Văn Kiền, Viện trưởng Viện Đào tạo Báo chí và Truyền thông, Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội đã trao đổi về Phương pháp truyền thông KHCN&ĐMST trên mạng xã hội. Theo đó, để sử dụng mạng xã hội một cách hiệu quả, cần bảo đảm tính kịp thời, đa dạng thông tin; tăng lượng tương tác với công chúng trên fanpage; xây dựng, tìm kiếm và sáng tạo những nội dung mới, hấp dẫn để cập nhật hằng ngày; thiết kế những hình ảnh đẹp, bắt mắt để thu hút công chúng; kiểm tra, bảo vệ sự an toàn cho fanpage…
Chia sẻ về kỹ năng xử lý khủng hoảng truyền thông trong lĩnh vực KHCN&ĐMST, PGS.TS. Đỗ Thị Thu Hằng, Trưởng Ban Nghiệp vụ Hội Nhà Báo Việt Nam cho biết, mục tiêu chính của quản trị khủng hoảng là kiểm soát được tình huống khủng hoảng nhằm giảm thiểu hoặc ngăn chặn được những tác động tiêu cực; bảo vệ uy tín, hình ảnh của tổ chức và sự ủng hộ tích cực từ các nhóm công chúng khác nhau thông qua việc quản lý thông tin và truyền thông hiệu quả trong tình huống khủng hoảng. Để xử lý khủng hoảng trong trường hợp khẩn cấp cần xây dựng thông điệp và tổ chức họp báo khẩn cấp (nếu cần); hỗ trợ cho phát ngôn viên chính thức trong họp báo; tư vấn, thúc đẩy và giám sát tiến trình khắc phục sự cố…
Trao đổi về hoạt động truyền thông KHCN&ĐMST của địa phương, ông Phan Quốc Chính, Giám đốc Sở KH&CN tỉnh Thái Nguyên đã chia sẻ những ví dụ thực tiễn trong hoạt động truyền thông và xử lý khủng hoảng truyền thông tại địa phương, khuyến nghị các giải pháp thúc đẩy hoạt động này trong thời gian tới.
Tại Hội nghị, đại diện các đơn vị thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ đã thảo luận, chia sẻ những thuận lợi, khó khăn và kiến nghị giải pháp nâng cao hiệu quả truyền KHCN&ĐMST trong thời gian tới, mong muốn Bộ Khoa học và Công nghệ thường xuyên tổ chức các buổi tập huấn, trao đổi về công tác truyền thông để các đơn vị có cơ hội trau dồi và đẩy mạnh truyền thông cho đơn vị, cho ngành KH&CN.
Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Hoàng Giang Phát biểu chỉ đạo Hội nghị
Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Hoàng Giang cho rằng, thời gian qua, KHCN&ĐMST đã từng bước khẳng định vai trò động lực quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội và an ninh quốc phòng. Để KHCN&ĐMST thực sự trở thành động lực quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, là nền tảng và động lực để đổi mới mô hình tăng trưởng, công tác truyền thông KHCN&ĐMST đóng vai trò hết sức quan trọng. Thời gian qua, Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển truyền thông KH&CN đã có nhiều đổi mới sáng tạo trong hoạt động truyền thông, tạo được hiệu ứng tích cực, lan toả cộng đồng về KHCN&ĐMST, đóng góp vào thành công chung của ngành KH&CN.
Theo Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Giang, để hoạt động truyền thông KHCN&ĐMST thêm phong phú, sinh động và ngày càng lan tỏa sâu rộng trong cộng đồng, Bộ Khoa học và Công nghệ sẽ phối hợp chặt chẽ với các viện, trường đào tạo báo chí, truyền thông tổ chức các khóa tập huấn; tăng cường gắn kết, chia sẻ thông tin về các định hướng cơ chế chính sách, thành tựu, vấn đề thực tiễn đặt ra của ngành; xem xét, điều chỉnh quy định cung cấp thông tin theo hướng cởi mở, thuận lợi hơn… để kịp thời đáp ứng nhu cầu thông tin, nâng cao hiệu quả công tác truyền thông KHCN&ĐMST. Đồng thời, Thứ trưởng đề nghị các đơn vị của Bộ, các sở KH&CN tăng cường phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển truyền thông KH&CN, các cơ quan báo chí nhằm đẩy mạnh truyền thông về chính sách KHCN&ĐMST, hoạt động xây dựng thể chế, pháp luật, đặc biệt là việc sửa đổi Luật KH&CN, các đạo luật chuyên ngành; những đóng góp của KHCN&ĐMST đối với kinh tế - xã hội… góp phần khẳng định và lan tỏa vai trò quốc sách hàng đầu của KH&CN trong phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
P.A.T (tổng hợp)