Giải pháp vượt qua “hàng rào” EUDR cho cà phê Việt Nam
- Thứ năm - 04/07/2024 00:07
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Kể từ ngày 30/12/2024, một số mặt hàng nông nghiệp xuất khẩu vào Liên minh châu Âu (EU) đứng trước một “hàng rào” mới - Quy định chống phá rừng (The European Union Deforestation Regulation - EUDR) của EU.
Quy định này yêu cầu các cá nhân, các tổ chức (operators) và các thương nhân (traders) xuất nhập khẩu nông sản phải thẩm định sản phẩm có nguồn gốc từ phá rừng hay không. Các loại nông sản gồm dầu cọ, đậu nành, gỗ, gia súc, ca cao, cà phê, cao su và một số sản phẩm có nguồn gốc từ các hàng hóa trên (ví dụ socola, đồ nội thất, lốp/vỏ xe, các sản phẩm in ấn…) sẽ phải tuân thủ quy định, vì những mặt hàng này là động lực chính cho việc mở rộng đất nông nghiệp.
Đối với ngành cà phê, yêu cầu tuân thủ EUDR có ý nghĩa sống còn, vì Việt Nam là nước xuất khẩu cà phê lớn thứ hai thế giới và hiện khoảng 60% cà phê của Việt Nam xuất khẩu vào EU . Để truy xuất, thẩm định được nguồn gốc cà phê xuất khẩu đi EU, trước tiên các nông hộ cần phải lập bản đồ ranh giới mảnh đất của mình. Việc lập bản đồ này đòi hỏi phải thu thập dữ liệu GPS cho từng vườn và sau đó đối chiếu dữ liệu GPS với các bản đồ mô tả độ che phủ rừng tính đến ngày 31/12/2020 để chứng minh cà phê không canh tác trên khoảnh đất bị phá rừng kể từ năm 2020. Mỗi container cà phê xuất vào EU đều phải có thông tin truy xuất nguồn gốc chứng minh rằng toàn bộ cà phê trong lô hàng đó không canh tác trên đất bị chặt phá rừng. Sau đó, cần phải đánh giá bổ sung các rủi ro tại quốc gia sản xuất cà phê và giảm thiểu rủi ro khi có nghi ngờ về việc tuân thủ EUDR của lô sản phẩm, trừ khi EU chỉ định quốc gia xuất xứ là “rủi ro thấp”. Để tiếp tục tham gia vào thị trường cà phê toàn cầu, cà phê Việt Nam buộc phải đáp ứng được các yêu cầu lẫn quy trình truy xuất, xác minh này. Điều đó có nghĩa là, cà phê Việt Nam cần phải thu thập dữ liệu trên diện rộng, một hoạt động làm gia tăng chi phí đáng kể cho ngành cà phê.
Liệu ngành cà phê có thể đáp ứng được những yêu cầu này? Cần có giải pháp nào?
Việt Nam là nước xuất khẩu cà phê thuộc top đầu thế giới và hiện nay có khoảng 640.000 trang trại nhỏ . Vậy cách nào để tất cả hơn 600 nghìn nông hộ trồng cà phê trên khắp Việt Nam hiểu về truy xuất nguồn gốc, về định vị GPS mặc dù gần 1/3 trang trại cà phê Việt Nam đã được cấp chứng nhận sản xuất cà phê bền vững, nghĩa là đảm bảo tuân thủ các tiêu chuẩn bền vững nhưng không có nghĩa là các trang trại này đã đáp ứng được các yêu cầu truy xuất nguồn gốc theo quy định của EUDR. Việc tổ chức truy xuất nguồn gốc ở từng trang trại với tất cả hơn 640.000 trang trại nhỏ trong thời gian ngắn là không khả thi.
Enveritas, là một tổ chức phi lợi nhuận hoạt động trong lĩnh vực chứng nhận và giám định thông tin về nguồn gốc và chuỗi cung ứng các nông sản, đặc biệt là trong chuỗi sản xuất cà phê, Enveritas đặt mục tiêu hỗ trợ tạo dựng tương lai bền vững cho nông dân trồng cà phê và ca cao. Để hỗ trợ nông dân ở các nước đang phát triển bắt kịp các tiêu chuẩn về sản xuất cà phê bền vững, từ năm năm trước, trước khi EUDR được ban hành, tổ chức này đã tiến hành thu thập các dữ liệu về đặc thù canh tác các nông sản như cà phê và ca cao, cũng như các thông tin liên quan đến vị trí, nguồn gốc mảnh vườn trồng cà phê ở hầu hết các nước sản xuất cà phê trên thế giới.
Để đảm bảo xác minh đất trồng cà phê ở Việt Nam không có nguồn gốc từ đất phá rừng, tổ chức này đề xuất giải pháp công nghệ là sử dụng ảnh vệ tinh có độ phân giải cao để khoanh vùng các diện tích trồng cà phê, đồng thời sử dụng thuật toán học máy để phân tích hình ảnh và xác định các hộ trồng cà phê. Sau đó chọn mẫu ngẫu nhiên các hộ trồng cà phê để thu thập thông tin về nhiều khía cạnh khác nhau của việc canh tác cà phê, bao gồm các yếu tố xã hội, môi trường và kinh tế để xác minh về tính bền vững trong canh tác cà phê, và cả nguồn gốc đất trồng cà phê liên quan đến chặt phá rừng từ năm 2005.
Để đảm bảo tính chính xác của bản đồ hiện trạng trồng cà phê, họ sử dụng hình ảnh vệ tinh có độ phân giải cao – trong khi các hệ thống thông thường thường dựa vào độ phân giải 30 mét hoặc 10 mét thì Enveritas sử dụng hình ảnh có độ phân giải tốt tới 0,5 m. Độ phân giải hình ảnh vượt trội này giúp tăng cường độ chính xác Sau đó, sử dụng mô hình máy học để phát hiện cây trồng. Mô hình học máy này được đào tạo bằng dữ liệu bản đồ, tọa độ GPS và đa giác mà tổ chức này thu thập được trong quá trình xác minh thực tế hằng năm, với sự tư vấn chặt chẽ của các chuyên gia lâm nghiệp và hệ thống thông tin địa lý (GIS). Mô hình máy học được đào tạo với dữ liệu hình ảnh trồng cà phê trên toàn Việt Nam, có tính đến các yếu tố môi trường (nên có độ chính xác cao, có thể phân biệt chính xác ranh giới trồng cà phê. Riêng với những trường hợp hình ảnh cây trồng khó phát hiện, sẽ được tiến hành kiểm tra thực tế mảnh vườn. Nhờ hình ảnh phân giải cao, bản đồ chính xác hơn nên có thể phân lập được diện tích phá rừng chính xác hơn các cách phân loại khác hiện nay. Bản đồ càng có tính chính xác cao hơn thì càng giúp đo lường diện tích trồng cà phê chính xác hơn và đảm bảo nông hộ trồng cà phê không bị phạt oan. Trong thời gian tới, các tiêu chuẩn lập bản đồ để bảo vệ sinh kế của nông dân sản xuất nhỏ sẽ được Enveritas tiếp tục tinh chỉnh và cải thiện.
Dữ liệu từ Google cho rằng diện tích phá rừng ở Việt Nam vào năm 2021 lên tới 1.000.000 ha, hay dữ liệu của Global Forest Watch báo cáo diện tích phá rừng vào cùng thời điểm vào khoảng 192.000 ha. Tuy nhiên, phát hiện của Enveritas cho thấy diện tích phá rừng thấp hơn đáng kể so với những ước tính đó (khoảng dưới 100.000 ha) và phần lớn diện tích phá rừng đó nằm ngoài các vùng trồng cà phê. Riêng đối với diện tích trồng cà phê hiện nay, bản đồ của Enveritas cho thấy rằng chưa đến 0,1% trong số 640.000 trang trại cà phê có mùa vụ trong năm nay của Việt Nam có nguồn gốc liên quan tới phá rừng.
Sau hơn một năm xây dựng và đánh giá tính chính xác của giải pháp, hiện nay mô hình và bản đồ của Enveritas đã sẵn sàng đưa vào sử dụng. Cách tiếp cận mới này là giải pháp phù hợp nhất, giúp hỗ trợ chuỗi cà phê Việt Nam tuân thủ EUDR, mà không làm tăng thêm gánh nặng tài chính cho chính phủ hay nông dân và đảm bảo nông hộ sản xuất nhỏ không bị loại ra khỏi cuộc đua đáp ứng các tiêu chuẩn mới của châu Âu.
P.T.T.(NASATI), tổng hợp