Diễn đàn và Triển lãm quốc tế đô thị thông minh châu Á năm 2023
- Thứ tư - 19/04/2023 00:03
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Từ ngày 13-15/4/2023 tại TP. Hồ Chí Minh, Hội Truyền thông số Việt Nam, Viện Sáng tạo và Chuyển đổi số, Hội tự động hóa Việt Nam phối hợp các đơn vị liên quan tổ chức Diễn đàn và Triển lãm quốc tế đô thị thông minh châu Á năm 2023 (Smart City Asia 2023).
Các đại biểu ấn nút khai mạc sự kiện Smart City Asia 2023.
Triển lãm hướng đến mục tiêu tạo tiền đề thúc đẩy các quan hệ hợp tác công-tư trong việc triển khai các dự án thành phố thông minh. Qua đó, tận dụng và khai thác hiệu quả nguồn lực xã hội nhằm giải quyết các thách thức của đô thị hiện đại thông qua nền tảng công nghệ số. Sự kiện là cơ hội để các nhà quản lý, các chuyên gia hàng đầu trong nước và nước ngoài gặp gỡ, giao lưu, chia sẻ các định hướng, chiến lược, giải pháp, và công cụ quản lý thực tiễn trong phát triển đô thị thông minh. Từ đó, kết nối các doanh nghiệp, tạo cơ hội giao lưu, trao đổi kinh nghiệm, giới thiệu sản phẩm công nghệ giữa các tổ chức, doanh nghiệp và cá nhân.
Smart City Asia 2023 thu hút hơn 400 gian hàng của gần 300 đơn vị với sự góp mặt của nhiều doanh nghiệp công nghệ hàng đầu thế giới, cũng như các tập đoàn công nghệ viễn thông lớn của Việt Nam tham dự. Các gian hàng trưng bày các nhóm giải pháp về công nghệ chiếu sáng công cộng; các hệ thống bảo mật - an ninh an toàn trong hệ sinh thái thành phố thông minh; trang thiết bị để xây dựng và quản lý tòa nhà thông minh; các giải pháp ứng dụng công nghệ trong quản lý sản xuất thông minh, tòa nhà-nhà ở và căn hộ thông minh; giải pháp xử lý môi trường, rác thải thông minh; các ứng dụng digitwin-metaverse trong quản lý sản xuất, quy hoạch đô thị và hành chính công.
Các đại biểu tham quan mô hình nhà thông minh tại Smart City Asia 2023.
Phát biểu tại Diễn đàn, Chủ tịch UBND TP. HCM Phan Văn Mãi nhấn mạnh, Nghị quyết 31 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển TP. HCM đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã xác định mục tiêu đến năm 2030 TP. HCM trở thành đầu tàu về kinh tế số, xã hội số, trung tâm kinh tế, tài chính, thương mại…, trong đó, kinh tế số đóng góp 40% vào GRDP. Vì vậy, TP. HCM đã triển khai nhiều chương trình như: Chương trình chuyển đổi số, đề án xây dựng TP. HCM trở thành đô thị thông minh, đề án hỗ trợ phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo TP. HCM.
Theo Chủ tịch UBND TP. HCM, Thành phố đã triển khai nhiều chương trình, đề án quan trọng như Chương trình Chuyển đổi số; Đề án Xây dựng TP. HCM trở thành đô thị thông minh; Chương trình hỗ trợ phát triển doanh nghiệp và sản phẩm công nghệ thông tin - truyền thông; Đề án Hỗ trợ phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo TP. HCM; Đề án Phát triển thương mại điện tử trên địa bàn TP. HCM; Đề án Phát triển ngành logistics trên địa bàn Thành phố. Với sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, các doanh nghiệp và nhân dân trên địa bàn, TP. HCM có nhiều sự chuyển biến tích cực trong thời gian qua. TP. HCM hiện nằm trong top 200 hệ sinh thái năng động nhất toàn cầu; năm 2022, Thành phố ở vị trí 111 tăng 68 bậc so với năm 2021. Thành phố xếp thứ 3 về chuyển đổi số toàn quốc năm 2021 (tăng 2 bậc so với năm 2020). Kinh tế số Thành phố năm 2022 chiếm 15,38% GRDP thành phố (vượt so với chỉ tiêu đặt ra là 15%)…
Trong khuôn khổ triển lãm, Ban Tổ chức còn tổ chức Diễn đàn Phát triển đô thị thông minh trong tiến trình chuyển đổi số, hướng đến xây dựng, phát triển hạ tầng dữ liệu và phân tích hiện đại cho đô thị thông minh. Các chủ đề của diễn đàn gồm: Chiến lược thành phố thông minh Việt Nam, dữ liệu và phân tích trong dịch vụ đô thị thông minh, giải pháp công nghệ cho cuộc sống thông minh, kết nối đô thị thông minh với nông thôn thông minh.
P.A.T (Tổng hợp)