Điểm mạnh của AI tạo sinh cho ngành báo chí
- Thứ năm - 27/06/2024 06:12
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Sự phát triển mạnh mẽ của chuyển đổi số và trí tuệ nhân tạo (AI) đang tác động sâu sắc đến hầu hết các lĩnh vực kinh tế - xã hội. Báo chí với sứ mệnh nhạy bén, đi đầu cũng không đứng ngoài guồng của sự tác động này.
Tập huấn ứng dụng AI trong sáng tạo tác phẩm báo chí.
AI có thể góp phần làm thay đổi quy trình sản xuất nội dung và Việt Nam có thể tận dụng công nghệ này để cải thiện độ chính xác và chuyên sâu của các bài viết. Theo TS. Trịnh Tuấn Phong, CEO của Alpha Data Academy, chuyên gia trong lĩnh vực khoa học dữ liệu, cho biết: AI nói chung và phân tích dữ liệu nói riêng có thể hỗ trợ rất đắc lực cho các tòa soạn trong hầu hết các khâu của quy trình sản xuất nội dung như: khả năng chọn lựa chủ đề phù hợp với thị hiếu của độc giả và xu hướng thời đại, thu thập, chọn lọc và tổng hợp tin tức một cách nhanh chóng, đa dạng và tự động từ nhiều nguồn khác nhau, giảm bớt gánh nặng công việc cho các nhà báo. Hỗ trợ kiểm tra tính chính xác của thông tin và các nhà báo trong việc viết bài, làm hình ảnh, video minh họa cho bài viết. Đặc biệt, AI có thể hỗ trợ viết bài theo phong cách mong muốn và đặt ra các tiêu đề thu hút, phù hợp với nội dung đã được xây dựng.
Trong khâu biên tập, AI có thể nâng cao chất lượng và độ tin cậy của nội dung báo chí bằng cách giúp các biên tập viên chỉnh sửa lỗi chính tả và ngữ pháp. Trong khâu dàn dựng và lên tin bài, trí tuệ nhân tạo cũng có thể hỗ trợ thiết kế và dàn trang báo.
Một trong những điểm mạnh của AI tạo sinh là khả năng thu thập thông tin từ nhiều nguồn rất nhanh chóng và tự động. Chúng ta có thể khai thác sức mạnh này trong việc tìm kiếm chủ đề và chất liệu phong phú để viết bài, đồng thời kiểm tra tính chính xác của thông tin được sử dụng trong các bài viết. Hai điểm này không chỉ hỗ trợ các nhà báo trong việc đảm bảo tính chính xác mà còn tăng chiều sâu và sự phong phú cho các bài viết.
Với sự bùng nổ của các ứng dụng AI, nhất là AI tạo sinh trong vài năm trở lại đây, dường như việc tìm kiếm tin tức của độc giả đang thay đổi. Bản thân tôi đã giảm dùng các công cụ tìm kiếm như Google, Bing (dẫn tới các trang báo để chứa thông tin cần tìm). Thay vào đó, tôi lấy thông tin tìm kiếm từ các trợ lý ảo tạo ra từ các mô hình ngôn ngữ lớn (GPT, Gemini, Llama, Claude…).
Để tối ưu hóa chi phí và đem lại hiệu quả tốt nhất thì các tòa soạn có thể bắt đầu với những ứng dụng AI miễn phí hoặc chi phí rất thấp. Đồng thời, cần trang bị và đào tạo cho các phóng viên và biên tập viên những kỹ năng công nghệ cần thiết để khai thác hiệu quả các ứng dụng từ AI trong công việc của mình. Đứng ở góc độ của một người làm đào tạo và phát triển các ứng dụng AI trong doanh nghiệp, tôi nghĩ rằng đây là một hướng đi hoàn toàn khả thi và có thể mang lại giá trị thiết thực cho các tòa soạn tại Việt Nam.
Đ.T.V (tổng hợp)