Nghiên cứu công nghệ chỉnh sửa gen nâng cao chất lượng và năng suất nông sản Việt Nam
- Thứ tư - 22/07/2020 14:35
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Theo các nhà khoa học, “chỉnh sửa” bộ gen của cây trồng nhằm tạo ra các tính trạng mong muốn và đã chứng minh có khả năng cải tiến giống cây trồng, mang lại nhiều lợi ích cho người nông dân, giúp nâng cao giá trị thương mại và cải tiến các tính trạng tiêu dùng.
Hội thảo có sự tham gia của nhiều nhà khoa học, nghiên cứu trong và ngoài nước
Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam (VAAS) và Hội đồng Ngũ cốc Hoa Kỳ (USGC) vừa phối hợp tổ chức hội thảo quốc tế “Chỉnh sửa gen: Bối cảnh toàn cầu và tiềm năng cho Việt Nam” nhằm chia sẻ kiến thức, bài học kinh nghiệm và thực tiễn triển khai hoạt động liên quan đến ứng dụng công nghệ chỉnh sửa gen trong chọn, tạo và cải tiến giống cây trồng trên thế giới và Việt Nam.
Phát biểu tại hội thảo, ông Trần Trọng Chiến - đại diện USGC - cho hay: Công nghệ chọn giống cây trồng tiên tiến (PBI)/chỉnh sửa gen (Ged) được phân loại là một dạng công nghệ sinh học. Công nghệ này ngày càng được chấp nhận và phát triển trên toàn thế giới. Chỉnh sửa gen trong chọn giống cây trồng nhằm cải thiện chất lượng các giống cây trồng. Đây là một công cụ được tạo ra nhằm cho phép các nhà khoa học “chỉnh sửa” bộ gen của cây để tạo ra các tính trạng mong muốn.
“Chọn giống cây trồng mang đến những cơ hội lớn để cải thiện sản lượng cây trồng, đồng thời giảm áp lực về cả mặt sinh học và phi sinh học, tăng tiềm năng tạo ra năng suất cây trồng. Phương pháp này đã chứng minh có khả năng cải tiến giống cây trồng, mang lại nhiều lợi ích cho người nông dân, giúp nâng cao giá trị thương mại và cải tiến các tính trạng tiêu dùng”, ông Chiến nhấn mạnh.
Trao đổi kinh nghiệm thực tiễn trong ứng dụng hiệu quả công nghệ chỉnh sửa gen về phát triển các kỹ thuật nhân giống mới để cải tiến cây trồng ở Nhật Bản, GS.TS.Hiroshi Ezura - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu đổi mới cây trồng Tsukuba - đã giới thiệu về giống cà chua của Nhật Bản được chọn, tạo bằng công nghệ chỉnh sửa gen đã có sự cải thiện về chất lượng dinh dưỡng và nâng cao hàm lượng dinh dưỡng. Việc tạo ra giống cà chua mới nhờ kỹ thuật chỉnh sửa gen là một thành tựu lớn, và giống cà chua này sắp tới sẽ được phát triển đại trà tại Nhật Bản.
Nhấn mạnh tầm quan trọng về xây dựng hành lang pháp lý để công nghệ mới này có thể ứng dụng trong nghiên cứu và thực tiễn, tiến sĩ Nguyễn Duy Phương - đại diện Viện Di truyền Nông nghiệp - cho hay: Các chính sách, quy định về chỉnh sửa gen có ý nghĩa quan trọng trong việc phát triển và khai thác tối đa tiềm năng của công nghệ khi Việt Nam các ứng dụng vẫn còn nhiều hạn chế.
Ông Phương thông tin thêm: “Trong khi Hoa Kỳ và một số quốc gia khác xác định giống cây trồng mới tạo ra từ công nghệ chỉnh sửa gen không khác biệt về mặt di truyền với giống cây trồng tạo ra bằng các kỹ thuật, công nghệ truyền thống nên không cần thiết phải ban hành văn bản quản lý mới về công nghệ chỉnh sửa gen và sản phẩm tạo ra từ công nghệ chỉnh sửa gen. Còn Úc, Ấn Độ dự kiến đưa ra qui định quản lý sản phẩm tạo ra từ công nghệ chỉnh sửa gen chứa gen ngoại lai tương tự sản phẩm biến đổi gen, các sản phẩm khác không chứa gen ngoại lai được quản lý tương tự sản phẩm tạo ra từ công nghệ chọn tạo giống cây trồng truyền thống”.
Ngoài ra, ông Phương cũng chỉ ra, Liên minh châu Âu (EU) coi giống cây trồng tạo ra bằng công nghệ chỉnh sửa gen là cây trồng biến đổi gen và đang giao Cục An toàn thực phẩm châu Âu (EFSA) đánh giá mức độ tương thích của các phương pháp đánh giá rủi ro hiện có với những sản phẩm tạo ra bằng kỹ thuật chỉnh sửa gen. Nhiều quốc gia khác đang trong quá trình xây dựng chính sách và hướng dẫn quản lý cây trồng chỉnh sửa gen và sản phẩm tạo ra.
Góp ý về các quy định trong công tác quản lý, ông Trần Xuân Định - Phó Chủ tịch Hiệp hội Thương mại giống cây trồng Việt Nam - nhấn mạnh: “Chỉnh sửa gen là lĩnh vực mới ở Việt Nam và hiện chưa có qui định quản lý về chỉnh sửa gen. Chúng tôi tin rằng, đây là nền tảng quan trọng để đạt được tiềm năng tối đa trong việc cải thiện chất lượng và năng suất của các sản phẩm nông nghiệp Việt Nam. Do đó, Việt Nam cần xây dựng những qui định quản lý trong tương lai gần để thực hiện Công ước đa dạng sinh học mà Việt Nam là thành viên, Luật Đa dạng sinh học và các luật liên quan”.
Chia sẻ thêm, GS.TS Bùi Chí Bửu, nguyên Phó Giám đốc Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam (VAAS) - chia sẻ: Về mặt khoa học, chỉnh sửa gen an toàn hơn biến đổi gen rất nhiều. Đây là kết quả của rất nhiều công nghệ nghiên cứu. Công nghệ đầu tiên là công nghệ của kỷ nghiên NGS - giải trình tự thế hệ mới. Tuy nhiên, thách thức lớn nhất là hiện Việt Nam chưa có luật, văn kiện luật pháp bảo đảm trong khi triển vọng đối với công nghệ chỉnh sửa gen rất tiềm năng.
Trước cơ hội tiếp cận những tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ mới về cải tiến giống cây trồng trong tương lai, Tiến sĩ Nguyễn Duy Phương kết luận: Mặc dù chỉnh sửa gen có nhiều tiềm năng để phát triển, song nó cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ ngoài ý muốn. Bản thân kỹ thuật cũng đặt ra nhiều thách thức, do đó đòi hỏi các nhà nghiên cứu phải luôn luôn cải tiến công nghệ, khoa học kỹ thuật trong nghiên cứu và ứng dụng, nhằm tìm ra những rủi ro tiềm ẩn.
“Tất cả những ứng dụng trong cuộc sống hằng ngày bắt buộc chúng ta phải thay đổi liên tục, thích ứng và đổi mới. Tuy nhiên dựa vào va chạm thực tiễn, kinh nghiệm thực tế, và tùy từng trường hợp cụ thể sẽ có giải pháp, đảm bảo khai thác hiệu quả các công nghệ, kỹ thuật mới. Việt Nam sẵn sàng học tập kinh nghiệm của các quốc gia đi trước, hợp tác, trao đổi và xây dựng giải pháp quản lý thích hợp để khai thác ứng dụng có hiệu quả công nghệ chỉnh sửa gen trong điều kiện cụ thể của Việt Nam nhằm hướng đến phục vụ và phát triển nền nông nghiệp bền vững trong tương lai”, ông Phương nhấn mạnh.
NASATI