Biến đổi hàng triệu tấn chất thải nhựa thành nhiên liệu sạch và các sản phẩm khác

Theo ước tính của Liên Hợp Quốc, mỗi năm có hơn 8 triệu tấn chất thải nhựa đổ xuống đại dương. Quy trình chuyển đổi hóa học mới có thể biến chất thải polyolefin, một dạng nhựa, thành các sản phẩm hữu ích như nhiên liệu sạch và các sản phẩm khác.

https://www.sciencedaily.com/images/2019/02/190206131956_1_540x360.jpg

"Chiến lược của chúng tôi là tạo động lực tái chế bằng cách chuyển đổi chất thải polyolefin thành nhiều loại sản phẩm có giá trị, bao gồm polyme, naphtha (hỗn hợp hydrocacbon) hoặc nhiên liệu sạch", Linda Wang, Giáo sư tại trường Đại học Purdue và là trưởng nhóm nghiên cứu nói. "Công nghệ chuyển đổi của chúng tôi có tiềm năng tăng lợi nhuận của ngành công nghiệp tái chế và làm giảm lượng chất thải nhựa trên thế giới".

Công nghệ có thể chuyển đổi hơn 90% chất thải polyolefin thành nhiều sản phẩm khác nhau, bao gồm cả polyme tinh khiết, naphtha, nhiên liệu hoặc monome. Nhóm nghiên cứu đang hợp tác với một số nhà khoa học khác để tối ưu hóa quy trình chuyển đổi tiến tới sản xuất nhiên liệu xăng hoặc diesel chất lượng cao.

Quá trình chuyển đổi kết hợp khai thác có chọn lọc và hóa lỏng thủy nhiệt. Sau khi nhựa được chuyển đổi thành naphta, nó có thể được sử dụng làm nguyên liệu cho các hóa chất khác hoặc tiếp tục được tách thành dung môi đặc biệt hoặc các sản phẩm khác. Nhiên liệu sạch có nguồn gốc từ chất thải polyolefin được sản sinh mỗi năm, có thể đáp ứng 4% nhu cầu về nhiên liệu xăng hoặc diesel trong vòng một năm. Kết quả nghiên cứu đã được công bố trên tạp chí ACS Sustainable Chemistry and Engineering.

GS. Wang đã được truyền cảm hứng để phát minh ra công nghệ này sau khi đọc thông tin về tình trạng ô nhiễm chất thải nhựa của đại dương, nước ngầm và môi trường. Trong số tất cả các loại nhựa được thải loại trong 65 năm qua (8,3 tỷ tấn), khoảng 12% số nhựa đó được đốt cháy và chỉ 9% được tái chế. 79% còn lại được đổ xuống các bãi rác hoặc đại dương. Diễn đàn kinh tế thế giới dự đoán đến năm 2050, các đại dương sẽ chứa nhiều chất thải nhựa hơn cá nếu chất thải tiếp tục được đổ vào các thủy vực. Công nghệ mới có thể chuyển đổi tới 90% nhựa polyolefin.

"Xử lý chất thải nhựa, dù theo phương pháp tái chế hoặc vứt bỏ, không có nghĩa là kết thúc câu chuyện", GS. Wang nói. "Chất thải nhựa phân rã chậm và giải phóng các vi nhựa và hóa chất độc hại vào trong đất và nước. Đó chính là thảm họa vì khi các chất ô nhiễm này ở trong đại dương, sẽ không thể thu gom được hết".

Nhóm nghiên cứu hy vọng công nghệ mới sẽ thúc đẩy ngành công nghiệp tái chế giảm lượng rác thải nhựa đang gia tăng nhanh. Bên cạnh đó, các nhà khoa học vẫn đang tìm kiếm các nhà đầu tư hoặc đối tác để hỗ trợ trình diễn công nghệ trên quy mô thương mại.

Công nghệ đã được cấp sáng chế thông qua Phòng Thương mại công nghệ của Quỹ Nghiên cứu Purdue.

N.P.D (NASATI), theo https://www.sciencedaily.com/releases/2019/02/190206131956.htm,