Vì sao giọng nói của con người lại thay đổi dần theo năm tháng?
- Thứ ba - 31/10/2023 01:28
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Toàn bộ các cơ quan trên cơ thể sẽ thay đổi và già đi theo thời gian. Khi già đi, phần lớn chúng ta đều lo lắng về tóc bạc hay nếp nhăn mà thường bỏ qua một dấu hiệu của tuổi tác, đó là giọng nói. Vậy tại sao giọng nói lại thay đổi khi bạn già đi?
* Sự thay đổi hormone
Dây thanh âm là thứ tạo ra giọng nói. Chúng nằm trong thanh quản, một phần của hệ thống hô hấp cho phép không khí đi từ cổ họng đến phổi của bạn. Khi không khí đi ra khỏi phổi và qua thanh quản, nó làm cho dây thanh âm rung lên – tạo ra âm thanh.
Trước tuổi dậy thì, có rất ít sự khác biệt trong âm thanh do dây thanh âm tạo ra. Nhưng ở tuổi dậy thì, các hormone bắt đầu phát huy tác dụng, làm thay đổi cấu trúc thanh quản và chiều dài của dây thanh âm. Sau tuổi dậy thì, chúng dài khoảng 16mm ở nam và 10mm ở nữ. Dây thanh âm của phụ nữ mỏng hơn từ 20-30% sau tuổi dậy thì. Dây thanh âm ngắn hơn, mỏng hơn là lý do tại sao phụ nữ thường có giọng nói cao hơn nam giới.
Ngay cả khi đã qua tuổi dậy thì, hormone vẫn ảnh hưởng đến giọng nói. Ví dụ, giọng nói của phụ nữ có thể khác nhau tùy thuộc vào chu kỳ kinh nguyệt – với chất lượng giọng nói tốt nhất xảy ra trong giai đoạn rụng trứng. Nguyên nhân là do các tuyến tiết ra nhiều chất nhầy nhất trong giai đoạn này, giúp dây thanh âm có khả năng hoạt động hiệu quả cao. Các nghiên cứu cũng chỉ ra rằng phụ nữ uống thuốc tránh thai ít thay đổi chất lượng giọng nói, bởi vì thuốc làm ngừng quá trình rụng trứng.
Sự thay đổi hormone trong giai đoạn tiền kinh nguyệt cũng cản trở hoạt động của các dây thanh âm, khiến chúng trở nên cứng hơn. Ngoài ra, bởi vì các dây thanh âm của phụ nữ rất mỏng nên chúng dễ bị tổn thương khi sử dụng quá mức.
* Mọi thứ đều sẽ phải lão hóa
Giống như hầu hết các bộ phận khác trên cơ thể, dây thanh âm cũng xảy ra quá trình lão hóa. Tuy nhiên, nhiều người có thể không chú ý đến sự thay đổi này. Khi chúng ta già đi, thanh quản bắt đầu tăng hàm lượng khoáng chất (quá trình vôi hóa), khiến nó dần cứng lại và giống xương hơn là sụn. Sự thay đổi trên có thể bắt đầu xảy ra ngay từ lúc chúng ta khoảng 30 tuổi – đặc biệt là ở nam giới – làm cho dây thanh âm kém linh hoạt.
Các cơ cho phép dây thanh âm chuyển động bắt đầu hao mòn khi chúng ta về già. Dây chằng và các mô hỗ trợ dây thanh âm cũng mất dần tính đàn hồi. Ngoài ra còn có sự suy giảm chức năng các cơ ở phổi, làm cho luồng không khí bị đẩy ra khỏi phổi để tạo ra âm thanh trở nên yếu hơn. Số lượng các tuyến tiết ra chất nhầy nhằm bảo vệ dây thanh âm cũng giảm.
* Lối sống giữ một vị trí quan trọng
Trong khi dây thanh âm lão hóa với tốc độ gần như giống nhau ở tất cả mọi người, nhiều yếu tố về lối sống có thể làm tăng nguy cơ gây hại cho chúng và thay đổi giọng nói của bạn.
Ví dụ, hút thuốc gây viêm cục bộ, tăng tiết chất nhầy, nhưng cũng có thể làm khô bề mặt niêm mạc. Rượu cũng có tác dụng tương tự. Theo thời gian, những yếu tố này gây tổn thương cho dây thanh âm và thay đổi âm sắc của giọng nói.
Một số loại thuốc kê đơn và không kê đơn cũng làm thay đổi giọng nói – chẳng hạn như thuốc hít steroid dùng cho bệnh viêm thanh quản. Các loại thuốc làm loãng máu gây tổn thương cho dây thanh âm, kích thích tăng sinh tế bào bất thường, khiến giọng nói trở nên khàn và khó nghe. Thuốc giãn cơ cũng có thể dẫn đến kích ứng và tổn thương dây thanh âm, do thuốc khiến axit dạ dày trào ngược vào thanh quản. Rất may, hiện tượng kích ứng và những thay đổi do các loại thuốc này gây ra thường biến mất sau khi ngừng sử dụng.
Một yếu tố khác không kém phần quan trọng là việc sử dụng giọng nói quá mức, thường xảy ra ở các ca sĩ, giáo viên và người dẫn chương trình… khiến thanh quản bị tổn thương.
Việc chăm sóc dây thanh âm của bạn cũng rất quan trọng. Hãy đảm bảo cơ thể luôn được cung cấp đủ nước, hạn chế sử dụng rượu và thuốc lá để ngăn chặn những tổn thương và duy trì khả năng hoạt động của dây thanh âm.
Triệu Cẩm Tú (NASATI), tổng hợp 10/2023