Năng lượng tích tụ từ biến đổi khí hậu
- Thứ tư - 04/10/2023 01:46
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Theo nghiên cứu công bố trên tạp chí Earth system science data, từ năm 1971 đến 2020, sự nóng lên toàn cầu khiến nhân loại đứng trước nguy cơ Trái đất tích tụ một năng lượng khổng lồ với 380 zetta joules tương đương với 25 tỷ lần năng lượng của quả bom nguyên tử mà Hoa Kỳ thả xuống thành phố Hiroshima (Nhật Bản) trong Thế chiến hai.
Năng lượng mà hành tinh chúng ta hấp thụ trong khoảng thời gian này có thể chỉ tương đương khoảng 60% tổng lượng khí thải nhà kính. Vì vậy năng lượng bị giữ lại thực tế thậm chí còn cao hơn bởi sự hủy hoại môi trường của con người. Với năng lượng bị giữ lại rất lớn này, sẽ khiến nhiệt độ trên Trái đất tăng hàng chục độ thay vì chỉ 1 - 2 độ như hiện nay.
Các đại dương đã hấp thụ khoảng 89% năng lượng (338,2 Zettajoule), đất liền hấp thụ 6% (22,8 Zettajoule), 4% (15,2 Zettajoule) đã làm tan chảy các phần của tầng lạnh - một phần của hệ thống khí hậu Trái đất, bao gồm tuyết, băng biển, băng nước ngọt, núi băng trôi, sông băng và chỏm băng, dải băng, thềm băng và băng vĩnh cửu - và chỉ 1% (3,8 Zettajoule) còn lại trong khí quyển. Phần lớn nhiệt do biển hấp thụ bị giữ lại ở 1km phía trên của đại dương. Điều này đã giúp loài người thoát khỏi gánh nặng của biến đổi khí hậu.
Giải thích cho điều này, các nhà nghiên cứu khoa học chỉ ra rằng khi nhiệt độ bề mặt nước biển tăng, sẽ làm tăng tốc độ tan chảy ở các cực, hư hại hệ sinh thái biển, tăng mức độ nghiêm trọng của các cơn bão nhiệt đới và bắt đầu phá vỡ các dòng hải lưu gây thiệt hại nặng đối với con người.
Đứng trước nguy cơ nóng lên toàn cầu, các nhà khoa học cho rằng các đại dương sẽ không bảo vệ hành tinh một cách vô hạn. Các quốc gia cần có biện pháp giảm thiểu khí thải nhà kính trước nguy cơ nóng lên toàn cầu ngoài tầm kiểm soát.
Trần Mỹ Hương (NASATI), tổng hợp 10/2023