Xây dựng bản đồ công nghệ trong công nghệ vi sinh phục vụ phát triển kinh tế xã hội
- Thứ tư - 22/02/2023 22:25
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Trên thế giới, công nghệ vi sinh đã phát triển thành một ngành độc lập, là công cụ đắc lực phục vụ cho sản xuất bằng vi sinh vật, tạo ra các sản phẩm cần thiết cho nhu cầu đời sống con người như protein, enzyme, amino acid, thuốc trừ sâu, phân bón… Những hiểu biết mới về thiên nhiên đã giúp con người sử dụng các phế phẩm, phụ phẩm của các ngành khác (nông nghiệp, công nghiệp dầu khí, công nghiệp thực phẩm) để thông qua công nghệ lên men tạo ra các sản phẩm có giá trị như protein, vitamin, enzyme... các quá trình sinh tổng hợp xảy ra ớ vi sinh vật hiện nay đã được con người can thiệp và điều khiến một cách tích cực hơn. Cũng ở giai đoạn này chúng ta thấy hé mở tương lai tươi sáng của thế hệ thứ tư của công nghệ vi sinh: giai đoạn công nghệ vi sinh mới. Thế hệ này sẽ phát triển một cách đầy hứa hẹn ở thế kỉ XXI.
Tại Việt Nam, trong thời gian qua công nghệ sinh học nói chung cũng như công nghệ vi sinh nói riêng cũng được phát triển rất nhanh chóng với sự quan tâm, hỗ trợ mạnh mẽ từ Nhà nước. Công nghệ vi sinh tại Việt Nam được ứng dụng trong rất nhiều lĩnh vực khác nhau từ y dược, nông nghiệp đến xử lý môi trường. Trong lĩnh vực nông nghiệp tại Việt Nam, công nghệ vi sinh được áp dụng trong việc chọn, tạo và nhân giống cây trồng chất lượng cao cho phát triển nông, lâm nghiệp, cây dược liệu và cây công nghiệp. Công nghệ vi sinh cũng được sử dụng để sản xuất các chế phẩm sinh học, chủ yếu là chế phẩm vi sinh vật làm phân bón, thuốc trừ sâu, trừ bệnh phục vụ tăng năng suất cây trồng, bảo vệ cây trồng và bảo quản nông sản, giảm thiểu tác hại dùng thuốc hoá học. Công nghệ vi sinh cũng áp dụng trong sản xuất các loại vắcxin vật nuôi và tiến tới có được vắcxin tái tổ hợp, trước mắt bảo đảm được nhu cầu trong nước, từng bước thay thế việc nhập nội. Công nghệ vi sinh cũng được sử dụng để sản xuất các chế phẩm chẩn đoán (KIT) bệnh cây trồng vật nuôi, ngăn chặn các dịch bệnh lớn, từng bước chuẩn hoá việc sản xuất giống cây ăn quả bảo đảm chất lượng cao.
Xuất phát từ thực tiễn đó, Cơ quan chủ trì Cục Ứng dụng và Phát triển công nghệ cùng phối hợp với Chủ nhiệm đề tài TS. Nguyễn Đức Hoàng thực hiện nghiên cứu “Xây dựng bản đồ công nghệ trong công nghệ vi sinh phục vụ phát triển kinh tế xã hội” với mục tiêu nhằm giải quyết các vấn đề về cấu trúc ngành, thị trường, các công nghệ hiện có ở Việt nam và trên thế giới cũng như so sánh công nghệ giữa Việt Nam và thế giới, các xu hướng chính trên thế giới và các thách thức công nghệ ở Việt Nam. Đây là nguồn thông tin quan trọng hỗ trợ cho công tác xây dựng chính sách khuyến khích và lộ trình phát triển của các ngành.
Đề tài đã tiến hành 06 lượt điều tra, khảo sát tại các viện, trường và doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghệ vi sinh (miền Bắc 04 lượt, miền Nam 02 lượt) để trả lời và làm rõ các vấn đề về cấu trúc ngành, thị trường; các công nghệ hiện có, so sánh công nghệ ở Việt nam và trên thế giới; các xu hướng chính trên thế giới và các thách thức công nghệ đối với ngành công nghệ vi sinh ở Việt Nam. Kết quả của việc xây dựng bản đồ công nghệ trong ngành sẽ giúp cho các doanh nghiệp, viện nghiên cứu, trường đại học và các chuyên gia trong cả nước biết được hiện trạng, năng lực của từng công nghệ trong ngành; tình hình phát triển của thế giới để từ đó xác định các định hướng phát triển công nghệ của ngành, lĩnh vực phù hợp với năng lực hiện có và mục tiêu trong tương lai cũng như tối ưu hóa quá trình đầu tư đổi mới công nghệ gắn liền với các hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.
Hiện nay trong nước có khoảng hơn 1.000 công ty hoạt động trong lĩnh vực vi sinh công nghiệp, thuộc các nhóm ứng dụng: công nghiệp dược, thực phẩm và đồ uống, thực phẩm chức năng, axit và dung môi hữu cơ, vật liệu sinh họ; khoảng 1.000 công ty hoạt động trong lĩnh vực vi sinh nông nghiệp, thuộc các lĩnh vực: phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thức ăn chăn nuôi, chế phẩm vi sinh trong chăn nuôi và nuôi trồng thủy hải sản, thuốc và vắc-xin thú y, nấm ăn và nấm dược liệu; có khoảng 261 doanh nghiệp/ công ty hoạt động trong lĩnh vực vi sinh y tế thuộc 4 nhóm ngành mà đề tài đã điều tra, đó là nhóm ngành Sản xuất dược, nhóm ngành Thực phẩm chức năng, nhóm ngành Vắc-xin cho người và nhóm ngành Probiotic và một số các doanh nghiệp sản xuất chế phẩm vi sinh của Việt Nam thường ở quy mô nhỏ và vừa với công suất từ vài chục tấn đến 100 tấn/năm trong lĩnh vực bảo vệ môi trường.
Sau thời gian nghiên cứu, đề tài hoàn thiện thêm về cơ sở lý luận và thực tiễn về xây dựng bản đồ công nghệ, lộ trình công nghệ và đổi mới công nghệ. Đề tài cũng góp phần phục vụ xây dựng, triển khai, quản lý và đánh giá các chiến lược, định hướng phát triển công nghệ của ngành, lĩnh vực và địa phương phù hợp với năng lực hiện có và mục tiêu trong tương lai.
Đánh giá được hiện trạng về công nghệ trong lĩnh vực công nghệ vi sinh thông qua các chỉ tiêu kỹ thuật rõ ràng, định lượng; so sánh khoảng cách công nghệ của Việt Nam so với thế giới, đặc biệt là các đối thủ cạnh tranh chính. Từ đó đưa ra được các chiến lược để đổi mới công nghệ, áp dụng và làm chủ được các công nghệ mới và hiện đại.
- Kết quả nghiên cứu của đề tài sẽ có đóng góp quan trọng cho việc phát triển, đổi mới công nghệ trong các doanh nghiệp phục vụ Chương trình đổi mới công nghệ quốc gia nói riêng và việc xây dựng cơ chế chính sách về KH&CN nói chung.
- Kết quả cũng góp phần giúp các nhà hoạch định chính sách trong việc xây dựng nguồn nhân lực nghiên cứu trong lĩnh vực này phù hợp với bối cảnh Việt Nam hiện nay.
Trong điều kiện nguồn lực quốc gia còn nhiều hạn chế, việc định hướng các hoạt động KH&CN tập trung vào các mục tiêu cụ thể có ý nghĩa hết sức quan trọng để KH&CN phát triển có hiệu quả và góp phần thúc đẩy các ngành kinh tế phát triển trong những giai đoạn nhất định. Bản đồ công nghệ, lộ trình công nghệ và đổi mới công nghệ trong công nghệ vi sinh đóng vai trò hỗ trợ quan trọng đối với việc xây dựng chiến lược; chính sách hỗ trợ phát triển cho các lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp, y tế và môi trường. Các doanh nghiệp cũng thấy được nhu cầu, tính cấp thiết của việc xây dựng, lộ trình công nghệ và đổi mới công nghệ, qua đó đánh giá được thực trạng công nghệ của mình so với các đối thủ cạnh tranh, có kế hoạch phát triển và đổi mới công nghệ một cách thiết thực và hiệu quả, giúp tiết kiệm chi phí đầu tư, nâng cao năng suất chất lượng và tính cạnh tranh của doanh nghiệp trên thị trường.
Có thể tìm đọc báo cáo kết quả nghiên cứu (mã số 18162/2020) tại Cục Thông tin khoa học và công nghệ quốc gia.
Đ.T.V (NASATI)