Ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ xây dựng một số mô hình nuôi thủy sản phù hợp nhằm tạo sinh kế bền vững cho các xã ven đầm Nại, huyện Ninh Hải, tỉnh Ninh Thuận

Ninh Thuận là một tỉnh ven biển Nam Trung bộ, vị trí địa lý từ 11o18’14’’ đến 12o09’45’’ độ Vĩ Bắc và từ 108o39’08’’ đến 109o14’25’’ độ Kinh Đông. Diện tích tự nhiên 3.358,3 km2.

Ninh Thuận nằm trong khu vực khô hạn nhất cả nước, mang đặc điểm của khí hậu nhiệt đới gió mùa điển hình, với các đặc trưng là khô, nóng, gió nhiều, bốc hơi mạnh từ 1.670-1.827 mm/năm. Nhiệt độ không khí trung bình năm là 27,1 oC, nhiệt độ nước trung bình 26,7oC. Có hai mùa rõ rệt: mùa mưa từ tháng 9-11 và mùa khô từ tháng 12-8 năm sau. Lượng mưa trung bình 750 mm/năm ở Phan Rang và tăng dần theo độ cao trên 1.100 mm/năm ở vùng miền núi. Độ ẩm không khí từ 71-75%. Năng lượng bức xạ lớn 9.500-10.000 oC/năm.

Đầm Nại, Ninh Thuận có hình dạng giống như một cái túi chứa nước, nối với vịnh Phan Rang thông qua cửa biển Ninh Chữ. Xung quanh đầm Nại không có sông suối lớn đổ vào. Đầm Nại là một trong 12 hệ đầm phá ven biển điển hình của Việt Nam, có diện tích thường xuyên ngập nước khoảng 700 ha và diện tích ngập nước theo thủy triều khoảng trên 400 ha. Đầm Nại thuộc thủy vực nước mặn, độ mặn cao dao động từ 28-32o/oo.

Đặc điểm khí hậu thời tiết khu vực đầm Nại mang đặc điểm khí hậu chung của tỉnh là mang tính chất khí hậu nhiệt đới gió mùa. Đặc điểm nổi bật là khô nóng, ít mưa, lượng bốc hơi cao.

Đầm Nại có nguồn lợi thủy sản khá phong phú, nằm trong khu vực dân cư tập trung đông đúc của huyện Ninh Hải, tỉnh Ninh Thuận. Quanh đầm Nại có 5 xã, thị trấn: Tân Hải, Hộ Hải, Tri Hải, Phương Hải và thị trấn Khánh Hải. Tổng diện tích nuôi trồng thủy sản (chủ yếu là nuôi tôm) tại các xã, thị trấn quanh đầm Nại 1.100 ha, trong đó: Xã Tân Hải 309 ha, xã Hộ Hải 221 ha, xã Tri Hải 150 ha, xã Phương Hải 242 ha và thị trấn Khánh Hải 178 ha. Dân số quanh đầm Nại 56.004 khẩu/14.568 hộ và chủ yếu sống dựa vào đầm Nại (chiếm 65%), còn lại tham gia sản xuất nông nghiệp và chăn nuôi.

Định hướng quy hoạch, phát triển nuôi trồng thủy sản tại khu vực đầm Nại đến năm 2020 đều tập trung giải quyết việc làm cho người lao động, cải thiện thu nhập, phát triển kinh tế-xã hội, tạo sinh kế bền vững cho các hộ nuôi trồng thủy sản, đặc biệt góp phần thực hiện đạt hiệu quả chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới của huyện Ninh Hải, tỉnh Ninh Thuận trong thời gian đến.

Xuất phát từ thực tiễn đó, nhóm nghiên cứu gồm Cơ quan chủ trì Trung tâm Giống hải sản cấp I Ninh Thuận cùng phối hợp với Chủ nhiệm đề tài ThS. Nguyễn Văn Dũng thực hiện đề tài: “Ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ xây dựng một số mô hình nuôi thủy sản phù hợp nhằm tạo sinh kế bền vững cho các xã ven đầm Nại, huyện Ninh Hải, tỉnh Ninh Thuận”. Với mục tiêu ứng dụng thành công công nghệ nuôi hàu Thái Bình Dương (Crassostrea gigas) và nuôi cá mú đen chấm đỏ (Epinephelus coioides) trong ao đất tại 5 xã, thị trấn ven đầm Nại, Ninh Thuận góp phần đa dạng hóa đối tượng nuôi, khôi phục lại nghề nuôi trồng thủy sản tại những khu vực nuôi tôm liên tục bị dịch bệnh do thiếu nước ngọt.

Các mô hình của dự án kết thúc, hiệu quả kinh tế từ các sản phẩm của dự án mang lại, bao gồm: Hàu Thái Bình Dương thương phẩm thu hoạch: 281.300 kg với giá bán bình quân tại ao nuôi là 26.000 đồng/kg, doanh thu: 7.313.800.000 đồng. Cá mú thương phẩm thu hoạch được là: 21.944 kg, với giá bán trung bình tại ao nuôi là 240.000 đồng/kg, doanh thu là 5.266.560.000 đồng. Tổng doanh thu: 12.570.360.000 đồng. Tổng đầu tư dự án là: 6.500.000.000 đồng. Dự án mang lại lợi nhuận là: 6.070.360.000 đồng.

Xây dựng 40 điểm mô hình nuôi thương phẩm hàu Thái Bình Dương trong ao đất và 10 điểm mô hình nuôi thương phẩm cá mú đen chấm đỏ trong ao đất với mỗi mô hình sử dụng 02 lao động thường xuyên, giải quyết vấn đề công ăn việc làm cho tổng cộng 100 lao động tại chỗ. Khi các mô hình nói trên đi vào sản xuất ổn định, kết quả dự án được lan tỏa, nhu cầu về lực lượng lao động sẽ tiếp tục tăng theo cấp số nhân. Bên cạnh đó, đào tạo tập huấn cho 150 nông dân địa phương, khuyến khích và nâng cao trình độ dân trí về ứng dụng khoa học kỹ thuật vào việc tổ chức nuôi hàu và cá mú tại các địa phương. Tạo công ăn việc làm, tăng thu nhập và ổn định cuộc sống, hạn chế lao động đang thất nghiệp, giảm thiểu lao động trong lĩnh vực khai thác thủy sản ven bờ, từng bước ổn định an ninh trật tự xã hội tại cộng đồng dân cư ven đầm Nại Ninh Thuận.

Hiệu quả mang lại từ các mô hình dự án, đã tạo cơ sở cho các xã, thị trấn ven đầm đánh giá và tham mưu cho huyện Ninh Hải để tổ chức lại vùng nuôi cụ thể, nhằm phát triển quy mô nuôi hàu Thái Bình Dương, nuôi cá mú trong ao ở những ao đìa, vùng nuôi thích hợp. Hiện nay nuôi hàu Thái Bình Dương tại đầm Nại Ninh Thuận đã phát triển mạnh ở các xã ven đầm, ước tính có hơn 100 hộ nuôi, nuôi cá mú cũng được phát triển mạnh hơn, đối với các hộ tham gia mô hình đã phát triển hơn về diện tích nuôi, các hộ dân trong vùng dự án có điều kiện ao nuôi thích hợp cũng đã tổ chức nuôi, hiện nay đã có hơn 20 ha nuôi cá mú, với hơn 20 hộ tham gia. Sự phát triển nuôi hàu và cá mú đã tạo thành một nghề nuôi mới cho bà con tại các xã, thị trấn ven đầm Nại, đã giải quyết một lượng rất lớn lao động tại chỗ, đồng thời đã thúc đẩy nghề sản xuất giống hàu Thái Bình Dương và sản xuất giống cá mú hình thành và phát triển, hiện nay trên địa bàn tỉnh đã có hơn 04 cơ sở sản xuất giống hàu Thái Bình Dương và 11 cơ sở sản xuất giống cá biển, trong đó có sản xuất giống cá mú, giải quyết công ăn việc làm cho nhiều lao động phổ thông tại địa phương, góp phần đa dạng đối tượng nuôi thủy sản, thay đổi cách làm, cách tổ chức sản xuất, và mang lại hiệu quả cao từ việc áp dụng khoa học công nghệ nuôi và thực tế sản xuất. Bên cạnh đó các dịch vụ thu mua cũng đã phát triển, tạo sự cạnh tranh và đáp ứng được nhu cầu tiêu thụ sản phẩm của người nuôi hàu và cá mú thương phẩm tại Ninh Thuận.

Hàu Thái Bình Dương là đối tượng ăn lọc, thức ăn chủ yếu là tảo đơn bào và 19 chất hữu cơ lơ lửng trong nước. Trong quá trình nuôi không bổ sung thức ăn, thức ăn cung cấp cho hàu nuôi chủ yếu từ nguồn nước tự nhiên trong đầm nên góp phần cải thiện môi trường.

Với cá mú đen chấm đỏ, trong suốt thời gian nuôi, thức ăn chủ yếu dùng cho cá mú là thức ăn công nghiệp.

Thức ăn công nghiệp nuôi thương phẩm cá biển nói chung và cho cá mú nói riêng chủ yếu được sản xuất từ việc tận dụng các phụ, phế phẩm trong công nghiệp chế biến, góp phần tiết kiệm nguồn tài nguyên, hạn chế tình trạng cạnh tranh nguồn thức ăn cho nuôi cá biển với các loài khác. Từng bước hạn chế hoạt động khai thác thủy hải sản ven bờ, giảm thiểu lượng chất thải, từng bước hạn chế ô nhiễm, phục hồi và bảo vệ nguồn lợi ven bờ.

Khi sử dụng thức ăn công nghiệp cho cá ăn, khẩu phần cho ăn được tính toán hợp lý theo thời gian nuôi và kích cỡ cá nuôi, chính vì vậy thức ăn dư thừa trong ao không đáng kể, hơn nữa môi trường ao nuôi luôn được kiểm soát hàng ngày, bảo đảm môi trường ổn định và phù hợp cho cá nuôi phát triển, việc thay nước thường được thực hiện khi cần thiết. Chính vì vậy mô hình nuôi cá mú trong ao đất không gây ô nhiễm môi trường cho vùng nuôi hay cho sinh hoạt của cộng đồng dân cư.

Qua triển khai thực hiện dự án, Trung tâm giống hải sản cấp I Ninh Thuận đã làm chủ được quy trình công nghệ nuôi hàu Thái Bình Dương trong ao đất và nuôi cá mú đen chấm đỏ trong ao đất. Trên cơ sở kết quả đạt được ở các mô hình, trong thời gian đến, đơn vị tiếp tục bám sát hộ nuôi để tiếp tục hỗ trợ và tư vấn kỹ thuật, nhất là các hộ bắt đầu nuôi, đồng thời tăng cường hoạt động sản xuất giống cá mú, đáp ứng nhu cầu về số lượng và chất lượng con giống thả nuôi cho người nuôi tại đầm Nại và trong tỉnh. Nhằm đáp ứng nhu cầu về con giống cá mú cho người nuôi, đơn vị đã chủ động tổ chức đào tạo cán bộ kỹ thuật, sắp xếp và nâng cấp các trang thiết bị nhằm phục vụ tốt nhất cho sản xuất giống cá biển nói chung và cá mú nói riêng, đồng thời tổ chức lại hoạt 20 động sản xuất giống của bộ phận trại sản xuất, xây dựng phòng tảo... để hoạt động sản xuất giống cá biển đạt hiệu quả cao nhất.

Có thể tìm đọc báo cáo kết quả nghiên cứu (mã số 16886/2019) tại Cục Thông tin KHCNQG.

Đ.T.V (NASATI)