Thiết kế, tổng hợp, nghiên cứu tính chất phát quang, khả năng xúc tác và hoạt tính chống ung thư của phức chất platin với một số phối tử carbene dị vòng nitơ

Trong thời gian từ năm 2017 đến năm 2020, nhóm nghiên cứu do TS. Nguyễn Văn Hà tại Trường Đại học Khoa học Tự nhiên dẫn đầu, đã thực hiện đề tài: “Thiết kế, tổng hợp, nghiên cứu tính chất phát quang, khả năng xúc tác và hoạt tính chống ung thư của phức chất platin với một số phối tử carbene dị vòng nitơ”.

Đề tài nhằm thực hiện các mục tiêu sau: tổng hợp một dãy phức chất Pt (II) và phức chất Pt (IV) mới chứa các phối tử carbene một càng và hai càng; xác định cấu trúc của các phức chất mới này bằng các phương pháp vật lý và hóa lý hiện đại; nghiên cứu ảnh hưởng của cấu trúc điện tử của các phối tử đến đặc trưng quang hóa như khả năng hấp thụ và phát quang. Lý giải các tính chất quang lý đó dựa trên kết quả tính toán lý thuyết; nghiên cứu tìm phức chất có hoạt tính xúc tác cao, có khả năng thu hồi tái sử dụng sau phản ứng, điều chỉnh thiết kế phân tử phức chất để có thể xúc tác tạo sản phẩm theo hướng mong muốn; và nghiên cứu thăm dò hoạt tính chống ung thư, nhằm tìm các hợp chất có hoạt tính chống ung thư cao và tìm hiểu mối quan hệ giữa cấu trúc và hoạt tính.

Trong đề tài này, các nhà khoa học đã tập trung tổng hợp phức chất platin (II) với phối tử carbene dị vòng nitơ (NHC) với định hướng ứng dụng làm vật liệu phát quang, làm xúc tác cho phản ứng tổng hợp hữu cơ và phát triển các phức chất có hoạt tính ức chế sự phát triển của tế bào ung thư. Nhiều trong số phức chất chứa phối tử carbene trên cơ sở dị vòng triazole, đây là một khung carbene còn nghiên cứu tương đối mới mẻ và rất ít công trình nghiên cứu. Việc triển khai nghiên cứu với các phức chất carbene này làm tăng khả năng công bố và mức độ đóng góp về khoa học cho cộng đồng nghiên cứu hóa học vô cơ trên thế giới.

Với hướng nghiên cứu về hoạt tính xúc tác, các tác giả đã xác định được hoạt tính xúc tác của các phức chất với phản ứng hidro amin hóa, hydro silyl hóa và phản ứng thủy phân của ankin đầu mạch. Mối quan hệ giữa tính chất điện tử và hiệu ứng không gian của phức chất đã được nghiên cứu chi tiết từ đó giúp định hướng thiết kế phát triển các chất xúc tác về sau. Hướng nghiên này cho kết quả rất tốt và kết quả nghiên cứu đã được chuyển tải thành 1 bài báo khoa học đăng trên tạp chí Q1, ISI uy tín (Organometallics) và 1 bài báo trên tạp chí trong nước uy tín.

Các nghiên cứu tìm kiếm hợp chất có hoạt tính chống ung thư cũng đem lại kết quả tốt với các phức chất có độc tính cao với tế bào ung thư góp phần mở rộng nhóm đối tượng có thể sử dụng để phát triển thuôc chống ung thư. Kết quả nghiên cứu của hướng này đã được đăng tải trên 1 bài báo trên tạp chí quốc tế uy tín (Inorganic Chemistry Communications).

Các kết quả nghiên cứu phát triển hợp chất phát quang, đi sâu vào nghiên cứu cấu trúc điện tử của hợp chất phát quang tổng hợp được và tính toán lý thuyết nhằm dẫn đường, định hướng cho tổng hợp các hợp chất phát quang cũng thu được nhiều kết quả. Kết quả nghiên cứu cho thấy một số phức chất platin (II)-NHC tuy có cấu trúc đơn giản nhưng có khả năng phát quang ánh sáng màu xanh với hiệu suất lượng tử cao. Kết quả nghiên cứu theo hướng này đã được chuyển tải thành 01 bài báo đăng trên tạp chí quốc tế (Russian Journal of Inorganic Chemistry) và 04 bài báo trên tạp chí uy tín trong nước. Ngoài ra, trong quá trình nghiên cứu sâu về hệ phức chất platin (II)-NHC và nghiên cứu sâu về cấu trúc phân tử, cấu trúc điện tử, nhóm nghiên cứu phát hiện thêm khả năng sử dụng các cấu trúc của phức chất platin (II)-NHC để đánh giá khả năng cho điện tử các phối tử. Phát hiện này đã được triển khai nghiên cứu và đăng tải trong 1 bài báo trên tạp chí quốc tế uy tín (Journal of Chemical Sciences).

Có thể tìm đọc báo cáo kết quả nghiên cứu (mã số 18808/2021) tại Cục Thông tin khoa học và công nghệ quốc gia.

N.P.D (NASATI)