Quản trị nhà nước trong quá trình phát triển ở Việt Nam hiện nay
- Thứ hai - 14/08/2023 00:01
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Tạo lập nền quản trị nhà nước theo tinh thần, đặc trưng của quản trị tốt là xu hướng cải cách lớn, tiến bộ từ cuối thế kỷ XX và của thế kỷ XXI trong lĩnh vực quản lý nhà nước. Nó là những giá trị có tính phổ quát và thể hiện đặc thù ở mỗi quốc gia. Quản trị nhà nước tốt là cách thức sử dụng quyền lực nhà nước đúng đắn, hiện đại để quản lý tối ưu các nguồn lực kinh tế và xã hội phục vụ phát triển quốc gia. Tuy chưa là chính thức, nhưng trong dự thảo Báo cáo chính trị tại Đại hội lần thứ XIII của Đảng tại mục XIII. “Xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam” đã đề cập vấn đề quản trị nhà nước và đặt ra yêu cầu: “Xây dựng và hoàn thiện nền quản trị quốc gia hiện đại, hiệu lực, hiệu quả”.
Nếu quan điểm này được ghi nhận tại Đại hội thì đây là lần đầu tiên, Đảng chính thức xác nhận trực diện sự hiện diện của quản trị trong đời sống Nhà nước và xã hội. Thực chất, đây là đòi hỏi của việc tiếp tục phát triển mạnh kinh tế - xã hội và các mặt khác của đời sống xã hội Việt Nam trong bối cảnh đổi mới đã đưa những ta trở thành nước có thu nhập trung bình thấp từ năm 2011 và đang phải có những cố gắng để vượt qua bẫy thu nhập trung bình và phấn đấu để có vị thế xứng đáng trong các nước khu vực Đông Nam Á, thế giới… Từ thực tiễn trên, từ năm 2019 đến năm 2020, nhóm nghiên cứu của PGS.TS. Vũ Thư tại Viện Nhà nước và Pháp luật đã thực hiện đề tài: “Quản trị nhà nước trong quá trình phát triển ở Việt Nam hiện nay".
Đề tài hướng tới việc làm rõ những vấn đề lý luận về bản chất, nội hàm và các khía cạnh khác của quản trị nhà nước, thực tiễn quản trị nhà nước ở một số quốc gia. Trên cơ sở quan niệm về tính phổ quát và đặc thù của quản trị hiện đại, nhóm nghiên cứu sẽ xem xét, đánh giá thực trạng quản trị nhà nước ở nước ta hiện nay và đề xuất các giải pháp đổi mới và hoàn thiện quản trị nhà nước phục vụ phát triển quốc gia.
Ở nước ta, trong quá trình xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân mà trong tâm là cải cách hành chính, những giá trị, đặc trưng của quản trị tốt đã dần được đa vào thực tiễn quản lý nhà nước mà thể hiện rõ rệt nhất là trong các chương trình tổng thể cải cách nền hành chính nhà nước, tham gia các đạo luật quan trọng Hiến pháp về bản chất, chức năng của Nhà nước, tổ chức và hoạt động của các cơ quan nhà nước, các quyền của công dân, trong các quy định trong các luật về tổ chức Chính phủ, tổ chức chính quyền địa phương, ngân sách, đầu tư, khiếu nại, tố cáo… Đặc biệt, trong nền chính trị một đảng lãnh đạo nước ta, Đảng là chủ thể có tính quyết định cho việc xác nhận quản trị, quản trị tốt và thực tiễn cho thấy Đảng đã có những bước đi quan trọng cho vấn đề này.
Cho đến nay, quản trị nhà nước, quản trị tốt tuy đã thâm nhập vào đời sống pháp lý, thực tiễn quản lý nhà nước, đời sống xã hội như một hiện tượng tự nhiên và được dễ dàng chấp nhận bởi tính thuyết phục trong các giá trị mà nó đem lại. Tuy nhiên, thực trạng quản trị nhà nước cho thấy nền quản trị còn nhiều bất cập, hạn chế. Và, có ý thức hay không có ý thức thì trong đời sống pháp lý cũng như trong lĩnh vực quản lý công, các cán bộ, công chức, viên chức và cả xã hội đều ít nhiều sử dụng các tiêu chí hay đặc trưng của quản trị tốt để xác định nhận thức đúng sai, để vận dụng vào thực tiễn.
Ở đây, cần nhấn mạnh rằng cần phải nghiên cứu ở các mức độ để nắm chắc các lý luận về quản trị, quản trị tốt trong bối cảnh mới, hiện đại và hiểu rõ các các điều kiện cụ thể của nước ta thì mới có thể xây dựng và hoàn thiện được nền quản trị quốc gia Việt Nam hiện đại, hiệu lực, hiệu quả. Khi nhận thức được rõ rằng quản trị nhà nước là yếu tố quyết định sự thành công hay không của sự phát triển đất nước thì điều cần thiết là Đảng, Nhà nước và xã hội phải quan tâm đặc biệt đến điều này. Nhà nước cần có chương trình, kế hoạch, khả năng kiểm soát việc xây dựng và hoàn thiện nền quản trị nhà nước Việt Nam hiện mới có thể đưa đất nước phát triển trong bối cảnh so sánh nhiều mặt với các nước trong khu vực và nói chung các nước trên thế giới, chúng ta đang tụt hậu trên nhiều lĩnh vực, mặt của đời sống xã hội.
Có thể tìm đọc báo cáo kết quả nghiên cứu (mã số 18685/2020) tại Cục Thông tin khoa học và công nghệ quốc gia.
N.P.D (NASATI)