Quản lý tiền tệ trong điều kiện phát triển nền kinh tế số ở Việt Nam

Việt Nam đã trở thành một quốc gia có thu nhập trung bình và tiếp tục có chiến lược và các chính sách phát triển kinh tế- xã hội phù hợp với bối cảnh trong nước và quốc tế có nhiều biến động phức tạp, tạo nên cả cơ hội và thách thức. Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, quá trình chuyển đổi số là những xu thế được Đảng và Nhà nước Việt Nam đặc biệt quan tâm phục vụ cho thực hiện các chủ trương lớn “Hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa” (Nghị quyết số 11-NQ/TW ngày 03 tháng 06 năm 2017 tại Hội nghị lần thứ 5 Ban chấp trung ương Đảng khóa XII), “Tiếp tục đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng suất lao động, sức cạnh tranh của nền kinh tế” (Nghị quyết số 05-NQ/TW ngày 1 tháng 11 năm 2016 tại Hội nghị lần thứ 4 Ban chấp trung ương Đảng khóa XII). Từ những chủ trương và điều kiện khách quan trong, ngoài nước, kinh tế số đã không còn dừng lại ở ý tưởng mà đã thực sự đi vào cuộc sống và nền kinh tế của Việt Nam.

Để tiếp tục đà phát triển nhanh chóng của nền kinh tế số, Việt Nam cần đổi mới cơ chế quản lý của Nhà nước, trong đó có lĩnh vực đặc biệt quan trọng là đổi mới quản lý tiền tệ. Tuy nhiên, để có hệ thống giải pháp bổ sung, điều chỉnh kịp thời quản lý tiền tệ phù hợp với bối cảnh phát triển nền kinh tế số, nhiều vấn đề cần được làm rõ cả về phương diện lý luận và thực tiễn ở Việt Nam.

Việc dự báo xu thế phát triển của nền kinh tế số trên thế giới, của Việt Nam và những tác động đến lưu thông tiền tệ, quản lý tiền tệ giai đoạn 2021-2030 thực sự cần được nghiên cứu để góp phần có hệ thống quan điểm định hướng và giải pháp phù hợp.

Chính vì vậy, PGS.TS. Phạm Quốc Khánh cùng nhóm nghiên cứu tại Học Viện Ngân hàng thực hiện đề tài nghiên cứu khoa học về “Quản lý tiền tệ trong điều kiện phát triển nền kinh tế số ở Việt Nam” với mục tiêu: Phân tích xu hướng phát triển các loại hình tiền tệ trong điều kiện phát triển nền kinh tế số; Yêu cầu đổi mới công tác quản lý tiền tệ phù hợp với xu hướng phát triển nền kinh tế số; Đề xuất nội dung và công cụ quản lý tiền tệ trong điều kiện phát triển nền kinh tế số ở Việt Nam.

Kết quả nghiên cứu đóng góp vào việc hoàn thiện thêm cơ sở lý luận và tư duy tiếp cận mới về quản lý tiền tệ trong điều kiện phát triển nền kinh tế số một cách có hệ thống bao gồm mục tiêu, nội dung quản lý, nguồn lực, cơ chế phối hợp, đánh giá kết quả và những nhân tố ảnh hưởng. Bên cạnh đó, cơ sở lý luận cho những nội dung quản lý tiền tệ chính về phát hành và lưu thông tiền tệ, hoạch định và thực thi các công cụ chính sách tiền tệ, quản lý thanh toán quốc gia, quản lý ngoại hối, đảm bảo an ninh tiền tệ cũng được phát triển hoàn thiện đáp ứng những yêu cầu từ phát triển nền kinh tế số, những tác động mới từ sự thay đổi kinh tế- xã hội trong kỳ nguyên số, cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Một đóng góp quan trọng khác về mặt lý luận đó là về phương pháp áp dụng trong quá trình nghiên cứu về quản lý tiền tệ, các nội dung chính của quản lý tiền tệ phù hợp với bối cảnh phát triển nền kinh tế số. Các phương pháp định tính và định lượng áp dụng trong: dự báo xu hướng và phân tích tác động của phát triển nền kinh tế số; đo lường tác động của các nhân tố đầu vào đến quản lý tiền tệ, từng nội dung quản lý tiền tệ làm căn cứ cho các cơ chế, liều lượng, phương thức can thiệp.

Thông qua việc làm rõ thực trạng (kết quả, hạn chế và nguyên nhân), dự báo xu thế phát triển nền kinh tế số, đánh giá tác động từ xu thế phát triển này đến quản lý tiền tệ đã góp phần quan trọng cung cấp những luận cứ thực tiễn để có các giải pháp hoàn thiện nền tảng pháp lý, định hướng chính sách, cơ chế phối hợp và hệ thống các công cụ hỗ trợ (dựa trên thành tựu công nghệ thông tin truyền thông từ cách mạng công nghiệp 4.0) nhằm đổi mới quản lý tiền tệ phù hợp với bối cảnh phát triển nền kinh tế số ở Việt Nam giai đoạn 2021- 2030. Đề tài cũng có ý nghĩa quan trọng trong việc tổng hợp các điều kiện, nội dung về pháp luật, kinh tế, kỹ thuật làm cơ sở cho đề xuất việc tổ chức lưu hành các loại tiền tệ mới trong bối cảnh chuyển đổi số, cách mạnh công nghiệp 4.0 đó là việc nghiên cứu áp dụng tiền số của ngân hàng trung ương (central bank digital currency) ở Việt Nam.

Ý nghĩa thực tiễn của nghiên cứu được thể hiện cụ thể trong việc sử dụng kết quả nghiên cứu ở các cơ quan trung ương (ví dụ như Ban Kinh tế Trung ương, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia sử dụng kết quả nghiên cứu để có những quyết sách phù hợp, chủ động, dài hạn để bổ sung các điều kiện về tiền tệ, quản lý tiền tệ cho phát triển nền kinh tế số ở Việt Nam), Ngân hàng Nhà nước Việt Nam sử dụng kết quả nghiên cứu đề có các giải pháp quản lý tiền tệ theo nhiệm vụ được giao hỗ trợ cho sự phát triển nền kinh tế số cũng như đề xuất các cơ sở pháp lý trình Quốc hội thông qua về tiền tệ và quản lý tiền tệ trong điều kiện mới, các cơ sở giáo dục đại học ngành ngân hàng, các viện nghiên cứu có thể sử dụng kết quả nghiên cứu trong công tác giảng dạy và nghiên cứu trong lĩnh vực liên quan đến quản lý tiền tệ và kinh tế số.

Những kết quả nghiên cứu của đề tài phù hợp với chiến lược phát triển bền vững, đổi mới mô hình tăng trưởng, đẩy mạnh công nghiệp hóa và hiện đại hóa đến năm 2035 ở Việt Nam, góp phần phục vụ cho việc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng và phục vụ cho việc xây dựng Chiến lược phát triển kinh tế- xã hội quốc gia giai đoạn 2021- 2030.

Có thể tìm đọc toàn văn báo cáo kết quả nghiên cứu (mã số 20008/2021) tại Cục Thông tin khoa học và công nghệ quốc gia.

Đ.T.V (NASATI)

Tác giả bài viết: ĐTV