Những yếu tố nào ảnh hưởng đến ô nhiễm không khí? Bằng chứng thực nghiệm mới từ dữ liệu toàn cầu
- Thứ năm - 18/07/2024 11:11
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Ô nhiễm không khí là một trong những vấn đề nghiêm trọng trên toàn cầu, gây tổn hao chi phí lớn cho các quốc gia do ảnh hưởng xấu đến nền kinh tế và chất lượng cuộc sống. Kết quả đo lường của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) vào tháng 5/2016 tại hơn 3,000 thành phố ở 103 quốc gia, cho thấy hơn 92% dân số thế giới và 80% dân số thành thị đang hít thở không khí ô nhiễm vượt mức cho phép của WHO. WHO ước tính có khoảng 3 triệu ca tử vong hàng năm liên quan đến ô nhiễm không khí.
Tuy nhiên, chúng ta có thể kiểm soát vấn đề ô nhiễm không khí nếu nhận biết được các yếu tố ảnh hưởng đến nó. Vì vậy, vấn đề này nhận được sự quan tâm lớn của cả giới học thuật và các nhà làm chính sách trên toàn thế giới. Theo xu hướng đó, nhóm nghiên cứu tại Viện nghiên cứu phát triển Mekong do TS. Lê Thái Hà dẫn đầu đã thực hiện đề tài: “Những yếu tố nào ảnh hưởng đến ô nhiễm không khí? Bằng chứng thực nghiệm mới từ dữ liệu toàn cầu” từ năm 2019 đến năm 2021.
Đề tài nhằm thực hiện các mục tiêu sau: nghiên cứu phân tích tác động của đô thị hoá, thu nhập, công nghiệp hoá, và công nghệ đến ô nhiễm không khí cho mẫu nghiên cứu toàn cầu, đồng thời xem xét tác động phi tuyến của thu nhập lên các mối quan hệ trên; xem xét liệu tác động của các yếu tố lên ô nhiễm không khí có khác biệt theo các chỉ số ô nhiễm không khí hay không; nghiên cứu xem xét liệu tác động của các yếu tố lên ô nhiễm không khí có khác biệt theo nhóm quốc gia với mức thu nhập khác nhau hay không; và đề xuất các hàm ý chính sách cho toàn cầu, khu vực và cả ở cấp độ quốc gia.
Sau hai năm nghiên cứu, đề tài đã đưa ra một số phát hiện chính như sau: Thứ nhất, mô hình EKC tồn tại ở mẫu toàn cầu trong giải thích sự thay đổi của CO2, nhưng lại không có ý nghĩa trong trường hợp N2O và CH4. Thứ hai, thâm dụng năng lượng là nguyên nhân dẫn đến gia tăng phát thải CO2. Thứ ba, đô thị hóa cũng là nguyên nhân làm gia tăng phát thải N2O và CH4. Thứ tư, mô hình giải thích cho lượng phát thải khí như CO2 có thể áp dụng trong các lĩnh vực cụ thể như nông nghiệp.
Từ những kết quả đó, một số khuyến nghị đã được đưa ra:
- Một là, việc giảm thâm dụng năng lượng trong cả tiêu dung và sản suất là giải pháp cần được tập trung để giúp giảm lượng phát thải khí nhà kính. Trong đó, các quốc gia được khuyến khích sử dụng và chuyển đổi sang năng lượng tái tạo.
- Hai là, chính phủ cần có sự chú ý tới các lĩnh vực cụ thể như nông nghiệp trong việc tập trung chính sách chuyển đổi nhằm giảm các loại khí thải phát thải từ các lĩnh vực này trong quá trình hướng đến phát triển bền vững.
Có thể tìm đọc toàn văn Báo cáo kết quả nghiên cứu (mã số 19965/2021) tại Cục Thông tin khoa học và công nghệ quốc gia.
N.P.D (NASATI)