Nghiên cứu xây dựng mô hình bảo tồn đa dạng sinh học quy mô làng, xã tại Khu Dự trữ Sinh quyển Mũi Cà Mau

Khu Dự trữ Sinh quyển (KDTSQ) Thế giới là một danh hiệu do Tổ chức Văn hóa, Khoa học và Giáo dục của Liên hợp quốc (The United Nations Educational, Scientific and Cultural Organisation - UNESCO) trao tặng cho các Khu Bảo tồn thiên nhiên (KBTTN) có hệ động thực vật độc đáo, phong phú và đa dạng. Đó là những hệ sinh thái (HST) dưới nước hoặc trên cạn có giá trị nổi bật, được quốc tế công nhận, giúp thúc đẩy các giải pháp điều hòa giữa bảo tồn đa dạng sinh học (ĐDSH) với phát triển bền vững (PTBV). Trong KDTSQ, người dân được phép sinh sống và duy trì các hoạt động truyền thống của họ để tạo nguồn thu nhập hàng ngày qua việc sử dụng các biện pháp kỹ thuật bền vững về môi trường và văn hóa. Vì vậy, các biện pháp và cách thức khai thác tài nguyên thiên nhiên của cộng đồng dân cư địa phương đóng vai trò quan trọng trong việc bảo tồn các loài sinh vật bản địa.

KDTSQ Mũi Cà Mau được thành lập từ năm 2009 với diện tích 371.506ha, bao gồm nhiều hệ sinh thái (HST) đặc trưng như: HST biển, HST rừng ngập mặn (RNM), HST rừng kín thường xanh mưa ẩm nhiệt đới. Mỗi HST đều lưu giữ các nguồn tài nguyên sinh vật, tài nguyên địa chất phong phú, có giá trị bảo tồn cao. Diễn thế nguyên sinh trên đất bồi tụ nơi đây tạo nên những quần xã thực vật đặc trưng, là nơi cư trú, bãi đẻ và nuôi dưỡng ấu trùng của các loài thủy hải sản của cả vùng Vịnh Thái Lan rộng lớn. Tuy nhiên, KDTSQ Mũi Cà Mau đang phải chịu nhiều áp lực và thách thức đối với công tác bảo tồn ĐDSH do các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) gây ra. Mặc dù công tác bảo tồn luôn được ưu tiên hàng đầu với nhiều giải pháp được áp dụng nhưng nó vẫn chưa thực sự đạt được hiệu quả cao và bền vững. Bên cạnh đó, số liệu về tài nguyên sinh vật tại đây chưa được nghiên cứu đầy đủ, các nghiên cứu mới chỉ tập trung vào các loài có kích thước lớn, các loài có giá trị kinh tế hoặc các nghiên cứu về phục hồi rừng ngập mặn (RNM) chống xói lở, dữ liệu về ĐDSH chưa đồng bộ.

Xuất phát từ thực tiễn trên, Cơ quan chủ trì Viện Sinh thái và Bảo vệ công trình cùng phối hợp với Chủ nhiệm đề tài ThS. Nguyễn Minh Đức thực hiện Nghiên cứu xây dựng mô hình bảo tồn đa dạng sinh học quy mô làng, xã tại Khu Dự trữ Sinh quyển Mũi Cà Mau với mục tiêu: Xác lập được cơ sở nghiên cứu khoa học, lý luận và thực tiễn về mô hình bảo tồn ĐDSH quy mô làng, xã; Xây dựng được các mô hình quản lý Khu bảo tồn (KBT) ĐDSH quy mô làng, xã; Xây dựng và đề xuất được bộ tiêu chí, hướng dẫn kỹ thuật thành lập KBT ĐDSH quy mô làng, xã và cơ chế, chính sách thúc đẩy phát triển bảo tồn ĐDSH quy mô làng, xã.

Vấn đề bảo tồn ĐDSH trên thế giới đã được quan tâm từ khá lâu do sự ĐDSH đang bị suy thoái dần bởi hoạt động con người và tự nhiên. Trước thực trạng các HST bị phá hủy, ĐDSH bị suy giảm, sự biến mất của các loài sinh vật và các hệ lụy về môi trường sinh thái và KT-XH trên phạm vi toàn cầu, cộng đồng quốc tế đã quan tâm và kêu gọi đầu tư cho bảo tồn ĐDSH bằng một loạt các biện pháp nhằm đảm bảo an toàn cho các loài, các HST và nguồn gen.

Ngày nay, thế giới đã có nhiều quan điểm và cách tiếp cận trong bảo tồn ĐDSH. Quy hoạch hệ thống bảo tồn, hình thành các hành lang ĐDSH, hay thành lập các KDTSQ Thế giới đang trở thành các phương pháp bảo tồn hữu hiệu. KDTSQ Thế giới là danh hiệu của Chương trình Con người và Sinh quyển (Man and the Biosphere Programme - MAB) thuộc UNESCO về mô hình phát triển bền vững (PTBV), nhằm đảm bảo hài hòa giữa con người và thiên nhiên. Tính đến nay (8/2018), thế giới đã có 686 KDTSQ thuộc 122 nước (UNESCO/MAB, 2018), trong đó có 70 KDTSQ quyển tại 28 quốc gia ở Châu Phi, 30 KDTSQ tại 11 quốc gia ở các nước Ả Rập, 142 KDTSQ tại 24 quốc gia ở Châu Á và Thái Bình Dương, 302 KDTSQ tại 36 quốc gia ở Châu Âu và Bắc Mỹ và 125 KDTSQ tại 21 quốc gia ở Châu Mỹ Latinh và vùng Caribê. Như vậy, trung bình một nước có khoảng 5,6 KDTSQ. Theo UNESCO, việc hình thành các KDTSQ thế giới sẽ giúp thúc đẩy các giải pháp điều hòa việc bảo tồn ĐDSH với PTBV khu vực đó có giá trị nổi bật, được quốc tế công nhận. Năm 1996, Chiến lược Seville cho các KDTSQ cũng xác định mục tiêu thứ nhất trong định hướng phát triển của các KDTSQ trên khắp thế giới là “Sử dụng các KDTSQ để bảo tồn sự đa dạng thiên nhiên và văn hóa” (UNESCO, 1996). Xây dựng các KBTTN và hệ thống Vườn Quốc gia (VQG) được xem là một phương pháp bảo tồn ĐDSH được nhiều quốc gia áp dụng. Ngoài việc quản lý các KBT, VQG, KDTSQ theo các tiêu chí của UNESCO, IUCN (International Union for Conservation of Nature and Natural Resources - Liên minh Quốc tế Bảo tồn Thiên nhiên và Tài nguyên Thiên nhiên)... trên thế giới còn nhiều nơi có giá trị ĐDSH cao, có nguồn lợi thủy sản phong phú cần được bảo vệ.

Sau thời gian hoàn thành nghiên cứu, đề tài đã thu được những kết quả như sau:

Đã xác định được cơ sở khoa học về lý luận và thực tiễn phát triển mô hình bảo tồn ĐDSH quy mô làng, xã với ba chức năng và mục tiêu hoạt động (bảo tồn, phát triển, hỗ trợ) được thực hiện trong toàn bộ KDTSQ cũng như trong các vùng lõi, đệm, chuyển tiếp và các hình thức bảo tồn khác phục vụ cho công tác bảo tồn cũng như đẩy mạnh các công trình nghiên cứu, giáo dục và đào tạo. Xem KDTSQ là phòng thí nghiệm sống cho việc nghiên cứu, giáo dục, đào tạo và giám sát các HST, đem lại lợi ích kinh tế bền vững cho cộng đồng cư dân địa phương, quốc gia và quốc tế và đây cũng là những trung tâm học tập cho khả năng thích ứng giữa môi trường và con người. Mô hình bảo tồn ĐDSH quy mô làng, xã cũng không nằm ngoài các mục tiêu trên.

Đã đánh giá được các điều kiện tự nhiên KDTSQ Mũi Cà Mau làm cơ sở thực tiễn cho việc thành lập mô hình bảo tồn ĐDSH quy mô làng, xã. Trong đó có những kết quả chính như sau:

- Đánh giá các chế độ khí hậu, thủy hải văn và biến động đường bờ khu vực nghiên cứu. Kết quả cho thấy các yếu tố ảnh hưởng đến các quá trình bồi tụ - xói lở ở đây là: cấu tạo vùng bờ, hướng đường bờ, tác động của gió, thủy triều, dòng chảy dọc bờ, sóng (trong bão) và đặc biệt là tác động của con người. Xu hướng xói lở có chiều hướng tăng lên giai đoạn 2009 - 2017. Diện tích xói lở dọc bờ biển phần lớn thuộc huyện Trần Văn Thời, huyện Phú Tân, một phần còn lại thuộc huyện Ngọc Hiển. Ngoài ra, có đến 27 vị trí sạt lở ven sông với tổng chiều dài hơn 37.890m. Trong đó, 8 điểm đang đứng trước nguy cơ sạt lở nguy hiểm với chiều dài hơn 4.790m. Điều đó ảnh hưởng nặng nề đến HST RNM và HST ĐNN ven biển trong KDTSQ Mũi Cà Mau;

- Đã quan trắc phân tích đánh giá hiện trạng môi trường khu vực nghiên cứu gồm môi trường không khí, môi trường nước, môi trường đất và trầm tích.

Về đặc điểm KT-XH: Đã phân tích đánh giá đặc điểm dân cư, nguồn lao động, tập quán, đời sống văn hóa cũng như các hình thái kinh tế như cơ sở hạ tầng, giao thông, canh tác nông nghiệp, khai thác nuôi trồng thủy hải sản, kinh doanh dịch vụ, làng nghề... từ đó cho thấy có những ảnh hưởng tích cực và tiêu cực trong đó các ảnh hưởng về môi trường đang ngày càng hiện hữu, nhiều cửa biển đã có độ ô nhiễm tăng gấp đôi, thậm chí gần gấp 5, so với lần khảo sát năm 2014. Riêng tại thị trấn Sông Ðốc đã có hơn 110 xí nghiệp chế biến thủy hải sản, gần 1.700 cơ sở kinh doanh, dịch vụ và hơn 33.000 người dân. Diện tích tôm - lúa cũng bị ô nhiễm nên hiệu quả thấp so với trước. Tiêu chuẩn BOD (lượng ôxy cần thiết để vi sinh vật ôxy hóa chất hữu cơ) 5,85 lần, COD vượt 6,16 lần và Coliform (loại vi khuẩn có khả năng lên men đường lactose) vượt 3.200.000 lần.

Có thể tìm đọc báo cáo kết quả nghiên cứu (mã số 18174/2020) tại Cục Thông tin khoa học và công nghệ quốc gia.

Đ.T.V (NASATI)