Nghiên cứu ứng dụng và triển khai một số mô hình không phát thải hướng tới ngăn ngừa ô nhiễm cho cụm dân cư nông thôn vùng đồng bằng sông Cửu Long

Vùng Đồng bằng sông Cửu Long nằm ở cực Nam của Tổ quốc, phần đất liền trải dài từ Long An đến Cà Mau theo chiều bắc nam và từ Kiên Giang đến Bến Tre theo hướng Tây đông. Phía Bắc và Tây Bắc giáp nước Campuchia; giáp Tây Ninh, TP. Hồ Chí Minh (vùng Đông Nam Bộ). Phía Tây và Tây Nam giáp vịnh Thái Lan. Là vùng đồng bằng châu thổ lớn nhất của Đông Nam Á, một trong những đồng bằng màu mỡ trên thế giới với các điều kiện tự nhiên, thổ nhưỡng cực kỳ thuận lợi cho phát triển nông nghiệp, có sản lượng nông sản lớn nhất khu vực Đông Nam Á và đứng đầu Việt Nam, là vựa lúa của cả nước (hàng năm sản xuất khoảng 2/3 sản lượng lúa gạo của cả nước, sản lương cây ăn quả cao nhất của cả nước, cũng là vùng có sản lượng xuất khẩu thủy sản cao nhất toàn quốc). Vùng ĐBSCL với 13 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, có tổng diện tích 3,94 triệu ha và dân số 17,5 triệu người, chiếm 12% diện tích tự nhiên và 20% dân số cả nước, có vai trò rất quan trọng đối với nền kinh tế của cả nước.

Người dân nông thôn ĐBSCL với điều kiện tự nhiên ưu đãi, hệ thống sông ngòi, kênh rạch chằng chịt, khí hậu ôn hòa giúp hình thành nhiều loại hình sinh kế trong đó có những khu/cụm dân cư chỉ tập trung vào 01 loại hình sinh kế nhất định (điển hình như các làng nghề) và cũng có những khu/cụm dân cư với nhiều loại hình sinh kế khác nhau. Các khu/cụm dân cư hay các hộ dân nông thôn ĐBSCL thường kết hợp nhiều loại hình sinh kế trong đó sẽ có 1 sinh kế đóng vai trò chủ lực còn các sinh kế còn lại chỉ mang tính chất phụ thêm những lúc nhàn rỗi.

Những năm gần đây, các hoạt động nông nghiệp cùng với những hoạt động dịch vụ, sinh hoạt đã xuất hiện tình trạng ô nhiễm môi trường có tính chất nghiêm trọng ở khu vực nông thôn nước ta nói chung và ĐBSCL nói riêng... Nguyên nhân là do nhận thức của công dân và cộng đồng đang sống và làm việc tại các khu vực nông thôn về vấn đề môi trường còn chưa cao. Người dân nông thôn chưa có ý thức BVMT. Việc lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật trong sản xuất; việc xả nước, rác thải; sử dụng nước không đảm bảo vệ sinh, việc đầu tư các công trình phục vụ đời sống và sức khỏe (bể nước, cống rãnh thoát nước, hố xí...), việc tham gia công tác vệ sinh môi trường cộng đồng… còn hạn chế. Đặc biệt, trong hoạt động quản lý, BVMT còn nhiều bất cập. Nhận thức của nhiều cấp chính quyền, cơ quan quản lý, tổ chức cá nhân có trách nhiệm về nhiệm vụ BVMT chưa đầy đủ, chưa thấy rõ được nguy cơ ô nhiễm môi trường khu vực nông thôn sẽ có tác động tiêu cực đến đời sống kinh tế - xã hội nông thôn, trong đó có sức khỏe người dân. Đội ngũ cán bộ quản lý môi trường còn ít về số lượng, bất cập về chất lượng.

Xuất phát từ thực tiễn trên, Cơ quan chủ trì Viện Môi trường và Tài nguyên cùng phối hợp với Chủ nhiệm đề tài GS. TS. Lê Thanh Hải thực hiện Nghiên cứu ứng dụng và triển khai một số mô hình không phát thải hướng tới ngăn ngừa ô nhiễm cho cụm dân cư nông thôn vùng đồng bằng sông Cửu Longvới mục tiêu đề xuất và triển khai trình diễn được các mô hình gồm các kỹ thuật và hệ thống hướng tới không phát thải (Zero Emission Techniques and Systems – ZETS) gắn với đặc điểm của hệ sinh thái môi trường tại chỗ, nhằm ngăn ngừa và giảm thiểu ô nhiễm môi trường cho chuỗi hoạt động canh tác, nuôi trồng, sản xuất và tiêu thụ trong cụm dân cư nông thôn tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.

Các lý thuyết và thực tiễn của kỹ thuật và hệ thống không phát thải và phát thải bằng không đã được chính bản thân nhóm tác giả xây dựng đề cương này đúc kết lại thành một sách chuyên khảo “Kỹ thuật và hệ thống không phát thải trong sản xuất công nông nghiệp ở Việt Nam” (NXB Khoa học Kỹ thuật, Hà Nội, 2016), cũng như một số chương trong sách giáo trình “Quản lý môi trường công nghiệp” (NXB Đại học Quốc Gia TPHCM, 2016). Các nội dung tổng quan dưới đây hầu hết được trích ra từ cuốn sách này cùng các công trình nghiên cứu có liên quan mà nhóm tác giả đã nghiên cứu trong vòng hơn 15 năm qua.

Các kỹ thuật và hệ thống bền vững hướng tới không phát thải (Zero Emission Techniques and System - ZETS) là một khái niệm hợp nhất những công nghệ hiện hữu tốt nhất và mang tính nổi bật hướng tới loại trừ chất thải. Đây là một cách tiếp cận hệ thống toàn diện, hướng tới những thay đổi trên quy mô rộng lớn thông qua xã hội theo con đường dòng vật chất, kết quả là không chất thải hay phát thải bằng không.

Nhìn chung đề tài “Nghiên cứu ứng dụng và triển khai một số mô hình không phát thải hướng tới ngăn ngừa ô nhiễm cho cụm dân cư nông thôn vùng ĐBSCL” mã số 13/2018/HĐ-KHCN-TNB.ĐT/14-19/C25 đã hoàn thành đúng tiến độ, đáp ứng được mục tiêu và nội dung nghiên cứu, hoàn thành đầy đủ các sản phẩm. Kết quả nổi bật của đề tài là đã thực hiện được 4 nội dung mang tính mới được tổng hợp như sau:

- Thông qua các hoạt động thu thập, tổng hợp tài liệu, số liệu, điều tra khảo sát thực địa, phỏng vấn, quay phim, chụp hình… đã đánh giá được hiện trạng cũng như diễn biến các chuỗi sinh kế hỗn hợp khác nhau tại các khu/cụm dân cư nông thôn ĐBSCL gồm: đặc điểm phân bố dân cư, đặc trưng tổ hợp các thành phần sinh thái, các loại hình sinh kế tồn tại, các mô hình và giải pháp về hỗ trợ sinh kế và xử lý chất thải, các nguồn tác động môi trường…;

- Đề tài với cách tiếp cận rõ ràng dựa trên cơ sở lý luận (nền tảng mô hình VACBNXT áp dụng cho các đối tượng làng nghề) và thực tiễn (các mô hình và giải pháp hiện hữu), nhóm thực hiện xây dựng được phương pháp luận phù hợp cho mô hình ngăn ngừa, giảm thiểu và xử lý ô nhiễm hướng tới không phát thải cho các khu/cụm dân cư nông thôn với bộ tiêu chí định hướng. Phương pháp luận giúp đánh giá, lựa chọn các thành phần của mô hình này áp dụng cho từng khu/cụm dân cư để lựa chọn các giải pháp phù hợp với từng mô hình suy biến và từng thành phần bổ sung để vẫn duy trì hiệu quả của mô hình, từ đó phát huy hiệu quả khả năng biến chuyển của mô hình đồng thời khắc phục các hạn chế còn tồn tại của mô hình khi áp dụng thực tế cho các đối tượng khác không phải làng nghề, trong nghiên cứu này là các khu/cụm dân cư nông thôn;

- Đề xuất được 13 mô hình ngăn ngừa và xử lý ô nhiễm môi trường hướng tới không phát thải cùng với các bộ hồ sơ thiết kế, bản vẽ cho các chuỗi sinh kế đặc trưng tại các khu/cụm dân cư nông thôn ĐBSCL trong lĩnh vực: canh tác và trồng trọt, thủy sản, chăn nuôi, nghề tiểu thủ công nghiệp, thương mại nhỏ, hoạt động du lịch…;

- Áp dụng các mô hình đề xuất để triển khai thí điểm thành công 4 mô hình cho 4 khu/cụm dân cư có sinh kế chính đặc trưng vùng nông thôn ĐBSCL gồm chăn nuôi, trồng lúa, trồng cây ăn trái và nuôi thủy sản. Ngoài hiệu quả thực tế từ mô hình (môi trường, kinh tế, sinh kế và xã hội) thì các mô hình còn giúp người dân địa phương cũng như cán bộ quản lý nhận thức sâu sắc được các lợi ích mà mô hình mang lại và có định hướng duy trì, nhân rộng mô hình một cách cụ thể, rõ ràng.

Có thể tìm đọc báo cáo kết quả nghiên cứu (mã số 18714/2021) tại Cục Thông tin khoa học và công nghệ quốc gia.

Đ.T.V (NASATI)