Nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ xây dựng mô hình trồng thâm canh cây Ba kích tím bằng kỹ thuật che phủ nilon trên địa bàn huyện Sơn Động, tỉnh Bắc Giang
- Thứ ba - 29/10/2024 13:09
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Theo y học cổ truyền, Ba kích là vị thuốc có tác dụng bổ trí não, trợ dương, ích tinh, và mạnh gân cốt, thường được dùng để chữa các bệnh liên quan đến sức khỏe tình dục, mệt mỏi ở người già và các vấn đề về giấc ngủ. Đặc biệt, Ba kích không có tác dụng kích dục và không gây độc. Gần đây, nhiều nghiên cứu đã khám phá các công dụng mới của Ba kích như giảm stress và chống trầm cảm.
Việc nghiên cứu và sản xuất các loại thuốc bổ, tăng cường sức khỏe đang được đẩy mạnh theo phương châm "phòng bệnh hơn chữa bệnh". Trong số các cây thuốc quý được nghiên cứu tại Việt Nam, cây Ba kích nhận được nhiều sự quan tâm. Trước đây, Ba kích chủ yếu được thu hoạch từ tự nhiên tại các tỉnh phía Bắc như Tuyên Quang, Yên Bái, Phú Thọ, và Bắc Giang. Tuy nhiên, do nhu cầu tăng cao, nguồn Ba kích hoang dã đã bị khai thác quá mức, khiến cây này gần như tuyệt chủng và bị liệt vào Sách đỏ Việt Nam. Để bảo tồn nguồn dược liệu này, việc trồng Ba kích được xem là giải pháp quan trọng.
Ba kích là loại cây thích ứng tốt với nhiều điều kiện sinh thái. Cây nhỏ cần bóng mát, nhưng từ năm thứ hai, ánh sáng hợp lý giúp cây phát triển tốt và cho năng suất cao. Tại huyện Sơn Động, Bắc Giang, vùng đất này nổi tiếng với nhiều lâm sản quý như Ba kích, phân bố nhiều ở các huyện miền núi. Tuy nhiên, việc khai thác quá mức cùng với sự biến đổi môi trường tự nhiên đang làm suy giảm nguồn dược liệu quý, đe dọa sự bền vững của các loài cây dược liệu như Ba kích.
Những thách thức này đặt ra nhu cầu cấp bách về việc bảo tồn và phát triển nguồn Ba kích thông qua các biện pháp nhân giống và trồng trọt có kiểm soát để đảm bảo nguồn cung cấp dược liệu bền vững cho tương lai.
Xuất phát từ thực tiễn trên, Ths Đào Trọng Nghĩa cùng nhóm nghiên cứu tại Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Bắc Giang cùng thực hiện đề tài “Nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ xây dựng mô hình trồng thâm canh cây Ba kích tím bằng kỹ thuật che phủ nilon trên địa bàn huyện Sơn Động, tỉnh Bắc Giang” với mục tiêu nghiên cứu, ứng dụng các biện pháp kỹ thuật trồng cây ba kích bằng che phủ nilon, góp phần làm tăng năng suất, nâng cao hiệu quả kinh tế và thu nhập, nâng cao đời sống cho người nông dân khu vực miền núi tỉnh Bắc Giang.
Sau thời gian nghiên cứu, đề tài đã thu được những kết quả như sau:
- Mô hình trồng Ba Kích tím bằng kỹ thuật che phủ nilon triển khai tại địa bàn 2 xã Thanh Luận và thị trấn Tây Yên Tử, huyện Sơn Động sinh trưởng và phát triển tốt được cấp ủy, chính quyền và nhân dân địa phương đánh giá cao về hiệu quả kinh tế, xã hội và nhiệt tình hưởng ứng
- Mô hình trồng thâm canh cây Ba Kích tím bằng kỹ thuật che phủ nilon là mô hình đầu tiên, điển hình của huyện Sơn Động ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật trong trồng thâm canh cây Ba kích tím. Thành công của mô hình đã tạo mô hình điểm cho người dân tham quan học tập và nhận rộng. Đến nay đã có một số hộ tự nhân giống hoặc tự mua giống để mở rộng diện tích trồng.
- Các điều kiện khí hậu, đất đai của xã Thanh Luận và thị trấn Tây Yên Tử rất phù hợp cho sự sinh trưởng, phát triển của cây Ba kích tím. Người dân cần cù, chịu khó tiếp thu tốt các tiến bộ KHKT vào sản xuất. Kỹ thuật che phủ nilon giúp hạn chế cỏ dại, giảm công chăm sóc và tưới nước, tiết kiệm nước tưới, giảm sói mòn và rửa trôi đất, giữ ẩm cho đất từ đó giúp đất luôn tơi xốp nên cây trồng sinh trưởng và phát triển tốt, năng suất củ sau 5 năm cao hơn 20% so với không che phủ nilon.
- Đề tài đã xây dựng được 3 mô hình thí nghiệm: 01 mô hình che phủ nilon và không che phủ nilon cho cây Ba kích trồng mới; 01 mô hình che phủ nilon và không che phủ nilon cho cây Ba kích đã trồng 1 năm và 01 mô hình che phủ nilon và không che phủ nilon cho cây Ba kích đã trồng 2 năm.
- Đã triển khai 01 mô hình trồng thâm canh cây Ba kích bằng kỹ thuật che phủ nilon ra vườn sản xuất với quy mô 2,5 ha. Kết quả sau 18 tháng theo dõi cho thấy mô hình che phủ nilon cây ba kích đạt tỷ lệ sống cao hơn, sinh trưởng và phát triển tốt hơn, số lượng của và chiều dài củ cũng cao hơn so với mô hình không che phủ nilon.
Có thể tìm đọc toàn văn báo cáo kết quả nghiên cứu (mã số 20313/2021) tại Cục Thông tin khoa học và công nghệ quốc gia.
Đ.T.V (NASATI)