Nghiên cứu mô hình sản xuất khép kín theo hướng hữu cơ một số sản phẩm nông nghiệp có thế mạnh tại vùng Bắc Trung Bộ
- Thứ ba - 28/05/2024 11:03
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Tái cơ cấu ngành nông nghiệp là một yêu cầu cấp thiết hiện nay. Để tái cơ cấu nông nghiệp thành công, cần phải chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi trong từng vùng sản xuất, theo hướng sản xuất hàng hóa, kết hợp giữa sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm để nâng cao giá trị sản xuất. Phát huy tiềm năng lợi thế vùng (miền), lựa chọn những sản phẩm có thế mạnh, ứng dụng công nghệ cao, công nghệ tiên tiến vào sản xuất theo hướng hữu cơ, liên kết tạo chuỗi sản phẩm có giá trị cao và định hướng xuất khẩu.
Nông nghiệp hữu cơ (NNHC) là xu hướng phát triển tất yếu của nền nông nghiệp thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng. Hiện nay, NNHC đang dần trở thành một phương thức sản xuất mới có nhiều tiến bộ, cùng một lúc có thể giải quyết được nhiều vấn đề cấp bách mà con người đang phải đối diện.
Để thúc đẩy phát triển bền vững ngành nông nghiệp vùng Bắc Trung Bộ, cần đẩy mạnh phát triển một số sản phẩm nông nghiệp đặc thù, có thế mạnh của vùng. Trên cơ sở đó, lựa chọn một số sản phẩm phù hợp, có khả năng liên kết tạo thành chuỗi sản phẩm khép kín theo hướng hữu cơ, kết hợp với ứng dụng công nghệ tiên tiến, đổi mới quy trình sản xuất, tạo ra sản phẩm chất lượng cao đủ sức cạnh tranh trên thị trường, góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh và sử dụng tài nguyên hiệu quả hơn. Vì thế, PGS.TS. Lê Tất Khương và các cộng sự tại Viện Nghiên cứu và Phát triển Vùng thực hiện đề tài: “Nghiên cứu mô hình sản xuất khép kín theo hướng hữu cơ một số sản phẩm nông nghiệp có thế mạnh tại vùng Bắc Trung Bộ” trong thời gian từ năm 2019 đến năm 2020.
Mục tiêu của đề tài là nhằm xác định được 3 loại cây trồng, 2 loại vật nuôi có thế mạnh của vùng phù hợp với chuỗi sản xuất khép kín theo hướng hữu cơ; xây dựng và hoàn thiện được 06 quy trình sản xuất theo hướng hữu cơ đối với từng đối tượng cây trồng, vật nuôi trong chuỗi khép kín; xây dựng mô hình sản xuất khép kín theo hướng hữu cơ các sản phẩm bưởi, nghệ, thanh long, giun quế, bò, gà; và xây dựng 01 mô hình liên kết tiêu thụ sản phẩm
Sau 24 tháng thực hiện, đề tài đã thu được các kết quả như sau:
1. Kết quả điều tra đầu vào và đầu ra đối với sản xuất ba loại cây trồng (bưởi, nghệ, thanh long), ba loại vật nuôi (bò, gà, giun quế).
2. Hoàn thiện quy trình sản xuất theo hướng hữu cơ sản phẩm bưởi nghệ, thanh long, bò, gà và giun quế.
- Bón thay thế một phần NPK bằng phân giun quế cho cây bưởi, nghệ, thanh long, không có sự khác biệt về các chỉ tiêu sinh trưởng, năng suất sản phẩm quả, củ.
- Sử dụng chế phẩm phẩm sinh học theo công thức Nano bạc + Metarhizium + Paecilomyces + Feromone, có hiệu lực diệt trừ diệt trừ sâu bệnh tương đương với sử dụng thuốc hóa học.
- Sử dụng chế phẩm EM làm đệm lót sinh học trong chăn nuôi bò thịt khử được mùi hôi và giảm bợt khí độc H2S và NH3; giảm mắc bệnh về đường hô hấp và thối móng, góp phần xử lý tốt chất thải chăn nuôi.
- Trộn thức ăn cho giun quế: 60% phân bò + 20% bã mía ủ mục + 20 % rơm rạ ủ mục, tỷ lệ thức ăn thừa còn ít; năng suất sinh khối cao; giun không bị bệnh so với các công thức khác.
- Trộn thức ăn cho gà với tỷ lệ: cám gạo 37,5% + cám ngô 37,5% + đậu tương 10% + sắn bột 5% + giun quế 10%. Có ảnh hưởng tốt đến tầm vóc gà, khả năng kháng bệnh trên đàn gà.
3. Xây dựng thành công mô hình trình diễn kĩ thuật sản xuất khép kín theo hướng hữu cơ 4 loại cây trồng (cỏ, bưởi, nghệ, thanh long), 3 loại vật nuôi (giun, bò, gà) tại vùng Bắc Trung Bộ. Trong đó: + Sản xuất cỏ theo hướng hữu cơ: quy mô 02 ha; + Sản xuất bưởi theo hướng hữu cơ: quy mô 02 ha; + Sản xuất thanh long ruột đỏ theo hướng hữu cơ: quy mô 01 ha + Sản xuất nghệ theo hướng hữu cơ: quy mô 01 ha; + Chăn nuôi bò thịt theo hướng hữu cơ: quy mô 10 con; + Nuôi giun quế theo hướng hữu cơ: quy mô 20 chuồng nuôi, mỗi chuồng 3m2; + Chăn nuôi gà theo hướng hữu cơ: quy mô 500 con.
4. Xây dựng 01 mô hình liên kết tiêu thụ sản phẩm: Đơn vị nghiên cứu + Doanh nghiệp + Nông dân, tiêu thụ quả Bưởi, Thanh Long, gà, bò là sản phẩm nghiên cứu của đề tài.
Kết quả nghiên cứu sẽ là cơ sở cho việc xây dựng các dự án phát triển sản xuất nông lâm nghiệp, trong đó có những loại cây trồng, vật nuôi có thế mạnh, có thể phát triển thành vùng sản xuất NNHC, tạo ra những sản phẩm có chất lượng và sức cạnh tranh cao trên thị trường.
Có thể tìm đọc toàn văn Báo cáo kết quả nghiên cứu (mã số 19892/2021) tại Cục Thông tin khoa học và công nghệ quốc gia.
N.P.D (NASATI)