Nghiên cứu đề xuất mô hình, giải pháp phát triển bền vững ứng phó với biến đổi khí hậu phù hợp cho các tiểu vùng sinh thái ở đồng bằng sông Cửu Long
- Thứ sáu - 03/11/2023 11:03
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Để có thể xây dựng cơ sở khoa học đề xuất mô hình, giải pháp phát triển bền vững, ứng phó với biến đổi khí hậu cho các tiểu vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Trong đó, xác lập được cơ sở khoa học phát triển bền vững ứng phó với biến đổi khí hậu (BĐKH) phù hợp cho các tiểu vùng sinh thái ở đồng bằng sông Cửu Long và đánh giá thực trạng ứng phó với BĐKH tại các tiểu vùng sinh thái ở đồng bằng sông Cửu Long, TS. Nguyễn Thị Phong Lan và nhóm nghiên cứu tại Viện Lúa Đồng bằng Sông Cửu Long - Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam đã thực hiện đề tài: “Nghiên cứu đề xuất mô hình, giải pháp phát triển bền vững ứng phó với biến đổi khí hậu phù hợp cho các tiểu vùng sinh thái ở đồng bằng sông Cửu Long”.
Sau một thời gian thực hiện, đề tài có những kết luận cụ thể như sau:
Biến đổi khí hậu và các hiện tượng thời tiết cực đoan có xu hướng gia tăng nhanh hơn dự báo, gây bất lợi rất lớn đối với phát triên bền vững vùng ĐBSCL, việc phát triển kinh tế - xã hội song song với việc bảo vệ môi trường, bảo tồn tài nguyên vốn là một thách thức lớn mà ĐBSCL đang phải đối mặt. Đáp ứng thực tế này, cần có định hướng phát triển kinh tế xã hội dựa trên điều kiện tự nhiên sẳn có kết hợp với những quy hoạch mới đảm bảo PTBV ứng phó với BĐKH cho vùng ĐBSCL.
Nhằm phát huy thế mạnh của điều kiện tự nhiên và tạo sự thuận lợi trong liên kết phối hợp cùng phát triển, vùng ĐBSCL nên được chia thành 3 tiểu vùng sinh thái:
- Tiểu vùng sinh thái thượng nguồn: diện tích chiếm khoảng 15% diện tích tự nhiên của vùng ĐBSCL, gồm các huyện, thị xã ở phía Tây tỉnh Long An; phía Bắc các tỉnh: Đồng Tháp, An Giang và phía Tây Bắc tỉnh Tiền Giang. Các đô thị trọng điểm gồm: Châu Đốc, Tân Châu (An Giang); Hồng Ngự, Mỹ An (Đồng Tháp); Kiến Tường (Long An).
- Tiểu vùng sinh thái giữa đồng bằng: diện tích chiếm khoảng 38% diện tích tự nhiên của vùng ĐBSCL, gồm các huyện, thị xã ở phía Tây tỉnh Long An; phía Bắc các tỉnh: Đồng Tháp, An Giang và phía Tây Bắc tỉnh Tiền Giang. Các đô thị trọng điểm gồm: Châu Đốc, Tân Châu (An Giang); Hồng Ngự, Mỹ An (Đồng Tháp); Kiến Tường (Long An).
- Tiểu vùng sinh thái ven biển: diện tích chiếm khoảng 47% diện tích tự nhiên của vùng ĐBSCL, gồm các tỉnh: Cà Mau, Bạc Liêu và các huyện, thành phố, thị xã ở phía Tây Nam các tỉnh: Kiên Giang, Hậu Giang; phía Nam các tỉnh: Sóc Trăng, Trà Vinh, Vĩnh Long, Bến Tre, Tiền Giang và Long An. Các đô thị trọng điểm gồm: Rạch Giá, Phú Quốc, Hà Tiên (Kiên Giang); Cà Mau, Sông Đốc, Năm Căn (Cà Mau); Bạc Liêu, Giá Rai (Bạc Liêu); Sóc Trăng, Vĩnh Châu, Ngã Năm (Sóc Trăng); Vị Thanh, Long Mỹ (Hậu Giang); Trà Vinh, Duyên Hải (Trà Vinh); Gò Công (Tiền Giang), Cần Giuộc (Long An).
Tác động bất lợi của BĐKH đến kinh tế - xã hội vùng ĐBSCL ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp, trong đó người nông dân là nhóm dễ bị rủi ro và tổn thương nhất bởi tác động của BĐKH. Nguồn tài nguyên đất, tài nguyên nước bị 370 suy giảm ảnh hưởng đến mục tiêu tăng trưởng phát triển sản xuất của ngành nông nghiệp ở ĐBSCL. Bên cạnh các tác động của tự nhiên, của môi trường, yếu tố về giá cả thị trường được quan tâm nhiều nhất ở nhóm yếu tố về mặt xã hội. Chính quyền địa phương của các tiểu vùng sinh thái đã có rất nhiều kinh nghiệm trong việc ứng phó với BĐKH, quan trọng hơn là chính quyền địa phương đã kịp thời triển khai những kinh nghiệm này cho người dân để người dân cùng chung tay với các nhà quản lý, nhà khoa học nhằm ứng phó với BĐKH một cách hiệu quả cao và giảm thiệt hại thấp nhất cho người dân trong quá trình thích ứng với BĐKH.
Chuyển đổi mô hình phát triển phải được xem xét trong tổng thể chung của vùng, dựa trên hệ sinh thái, phù hợp với quy luật tự nhiên; có sự kết hợp giữa công nghệ tiên tiến, hiện đại với tri thức, kinh nghiệm truyền thống bản địa, tập trung vào các cơ chế về đất đai, thuế, kiến tạo thị trường, xúc tiến đầu tư, khoa học- công nghệ, đào tạo, phát triển nguồn nhân lực.
Các Mô hình phù hợp phát triển ở cả ba tiểu vùng sinh thái như: Mô hình Làng Nông thuận thiên, Mô hình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao kết hợp du lịch sinh thái, Mô hình làng nghề, Mô hình liên kết sản xuất, chế biến và tiêu thụ nông sản.
Các Mô hình riêng phù hợp cho từng tiểu vùng:
- Tiểu vùng thượng nguồn: Mô hình sản xuất nông nghiệp kết hợp bảo vệ đa dạng sinh học và trữ nước ngọt trong rừng tràm; mô hình lúa –sen, Mô hình sinh kế mùa nước nổi, Mô hình làng hoa, Mô hình chuyên canh cây ăn quả, Mô hình chuyên canh lúa 2 vụ.
- Tiểu vùng giữa đồng bằng: mô hình sản xuất nông nghiệp giảm phát thải khí nhà kính; mô hình sản xuất tiết kiệm nước, mô hình liên kết sản xuất, chế biến và tiêu thụ nông sản, Mô hình chuyên canh cây ăn quả, Mô hình chuyên canh lúa 2 vụ.
- Tiểu vùng ven biển: Mô hình Tôm- Lúa hữu cơ, Mô hình rừng ngập măn- thủy sản quảng canh, Mô hình du lịch sinh thái, Mô hình chuyên canh lúa 2 vụ, Mô hình chuyên canh cây ăn quả, Mô hình chuyên canh lúa 2 vụ
Xây dựng chính sách kế hoạch cho toàn tiểu vùng sinh thái theo định hướng phát triển sản xuất nông nghiệp giảm thiểu tác động của các yếu tố BĐKH bằng việc: nghiên cứu quy hoạch các ngành hàng chiến lược phù hợp với điều kiện tự nhiên của tiểu vùng theo hướng tăng diện tích, năng suất sản lượng, giảm các ngành hàng có nguy cơ bị tác động bởi các yếu tố BĐKH gây ra. Thúc đẩy ứng dụng khoa học công nghệ là một trong những giải pháp tiềm năng vừa đáp ứng được yêu cầu phát triển nông nghiệp của tiểu vùng vừa đáp ứng được yêu cầu giảm thiểu tác động của các yếu tố BĐKH đến sản xuất nông nghiệp. Xem xét nghiên cứu chuyển đổi diện tích sản xuất lúa không hiệu quả do tác động của BĐKH làm đất bị xâm nhập mặn của tiểu vùng sinh thái ven biển sang sản xuất các loại cây trồng khác hoặc nuôi trồng thủy hải sản. Việc chuyển đổi phải theo hướng đa dạng hóa cây trồng, nghiên cứu kỹ thuật canh tác, gắn thâm canh năng suất cao với bảo vệ môi trường và kiểm soát rủi ro do tác động tiêu cực của BĐKH. Tăng cường lồng ghép ứng phó với BĐKH vào công tác lập kế hoạch phát triển kinh tế của địa phương theo hướng phát triển nông nghiệp xanh, bền vững, hiệu quả; Phát triển công nghiệp xanh; Đào tạo nguồn nhân lực để tạo việc làm xanh; Kiểm soát phát thải khí nhà kính nhằm giảm tác động của BĐKH đến hoạt động phát triển kinh tế xã hội của địa phương.
Các giải pháp công trình cần phối hợp chặt chẽ hơn với các nước thượng lưu sông MeKong, sử dụng và phân chia hợp lý nguồn tài nguyên nước, bảo vệ môi trường và những vấn đề xuyên biên giới trong phát triển kinh tế-xã hội của vùng, khu vực và toàn lưu vực sông MeKong hợp tác, phát triển bền vững; đầu tư công phát triển cơ sở hạ tầng phục vụ nông nghiệp, thúc đẩy cơ chế hợp tác công tư, nghiên cứu và ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất, chế biến, tổ chức sản xuât và thúc đây liên kêt chuỗi giá trị. Các giải pháp phi công trình cần thích nghi theo điều kiện tự nhiên, bảo tồn đa dạng sinh học, giải pháp an sinh xã hội, thể chế chính sách, các khuôn khổ pháp luật và cơ chế chính sách, xem xét cho thí điểm một số cơ chế chính sách đặc thù cho vùng ĐBSCL. Các phương án sản xuất thích nghi, chuyển đổi nông nghiệp bền vững (bố trí thời vụ, kỹ thuật canh tác, lai tạo giống, chuyển đổi cây/con...) trong điều kiện BĐKH; làm tốt công tác dự báo, cảnh báo, tuyên truyền, giáo dục người dân biết cách vượt qua các thảm họa, đặc biệt những người dễ bị tổn thương; xây dựng các khu dân cư tập trung có khả năng ứng phó cao; tăng cường hệ thống kết nối và cơ sở hạ tầng để giúp người dân phòng tránh hiệu quả khi có thiên tai.
Có thể tìm đọc toàn văn Báo cáo kết quả nghiên cứu của Đề tài (Mã số 19032/2020) tại Cục Thông tin khoa học và công nghệ quốc gia.
P.T.T (NASATI)