Nghiên cứu đề xuất giải pháp phát triển văn hóa đổi mới sáng tạo để thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp ở Việt Nam
- Thứ năm - 29/12/2022 00:46
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Xuất phát từ vai trò quan trọng của đổi mới sáng tạo thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp, Đảng và Chính phủ đã có những định hướng, chỉ đạo kịp thời để thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp, đặc biệt là đổi mới sáng tạo cho khởi nghiệp như Nghị quyết 19-2016/CP-NQ ngày 28/4/2016; Nghị quyết 35/NQ-CP ngày 16/5/2016; Đề án hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (ĐMST) quốc gia đến năm 2025, được phê duyệt tại Quyết định số 844/QĐ-TTg ngày 18/5/2016; và đặc biệt là Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) số 04/2014/QH14 ngày 12/6/2017.
Tại Việt Nam, nhu cầu phát triển khởi nghiệp ĐMST trên cả nước ngày càng tăng khi ngoài sự thành công của một số doanh nghiệp điển hình thuộc thế hệ thứ nhất (hình thành từ khoảng những năm đầu 2000) như Vinagames, VC Corporation (hay Vatgia), và các 4 doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo thuộc thế hệ thứ hai (hình thành từ khoảng những năm 2010)… thì thế hệ thứ ba là thế hệ doanh nghiệp nổi bật trong 2-3 năm gần đây trong các lĩnh vực như công nghệ giáo dục, nông nghiệp, công nghệ tài chính, thương mại điện tử, giải trí, truyền thông. Đặc biệt, trong năm “Quốc gia khởi nghiệp” 2016, hoạt động của các doanh nghiệp khởi nghiệp Việt Nam diễn ra rất sôi động. Chỉ tính riêng 5 thương vụ kêu gọi vốn thành công nhất đã có tổng giá trị lên đến hơn 40 triệu USD.
Năm 2019, quá trình khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của doanh nghiệp Việt Nam diễn ra khá sôi động, các cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác định khởi nghiệp đổi mới sáng tạo mà trọng tâm là đổi mới công nghệ ở Việt Nam cơ bản tập trung vào học hỏi và bắt kịp trình độ công nghệ của các nước đi trước thông qua xây dựng năng lực tiếp thu, làm chủ và cải tiến công nghệ với sự đầu tư, hỗ trợ mạnh mẽ từ Nhà nước và sự tham gia của doanh nghiệp, các viện nghiên cứu, trường đại học.
Văn hóa đổi mới sáng tạo trong các tổ chức là một trong những yếu tố quan trọng nhất trong kích thích đổi mới và thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp, nó ảnh hưởng tinh thần khởi nghiệp. Văn hóa đổi mới giúp các tổ chức nhà nước và doanh nghiệp chấp nhận đổi mới như một giá trị văn hóa cơ bản của tổ chức và cam kết để thực hiện nó. Vì vậy, các tổ chức nên tập trung vào việc thúc đẩy một nền văn hóa đổi mới cho phép thể chế hóa sự đổi mới, có thể xảy ra bằng cách hành động theo kế hoạch hoặc bằng các biện pháp được kiểm soát bởi các nhà lãnh đạo hoặc các cơ chế gián tiếp, như các cấu trúc, thủ tục hoặc tuyên bố chính sách thể chế.
Nền tảng của văn hóa ĐMST là hệ thống các giá trị, niềm tin, các chuẩn mực, sự kế thừa, phát huy và liên kết của cả hệ thống đổi mới quốc gia (NIS), văn hóa ĐMST vừa là mục tiêu, vừa là động lực của tinh thần khởi nghiệp. Xuất phát từ thực tiễn trên, Cơ quan chủ trì Viện Chiến lược và Chính sách Khoa học&công nghệ cùng phối hợp với Chủ nhiệm đề tài PGS. TS. Đào Thị Ái Thi thực hiện: “Nghiên cứu đề xuất các giải pháp phát triển văn hóa ĐMST để thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp ở Việt Nam” với mục tiêu: Trên cơ sở xác định hệ thống lý luận, chỉ rõ các vấn đề thực tiễn liên quan đến văn hóa đổi mới sáng tạo trong thúc đẩy khởi nghiệp, đề tài đi sâu đề xuất hệ thống các giải pháp phát triển văn hóa đổi mới sáng tạo cho cơ quan nhà nước và doanh nghiệp để thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp ở Việt Nam.
Phát triển văn hóa ĐMST trong các tổ chức là tổng hợp của hệ thống các giá trị vật chất và giá trị tinh thần được các thành viên trong các tổ chức bảo tồn, kế thừa, duy trì và phát triển từ quá khứ đến hiện tại, theo qui luật vận động tiến hóa đi lên, có sự tiến bộ về chất, đem lại giá trị cho cá nhân, tổ chức, cộng đồng. Đồng thời là thành quả trí tuệ sáng tạo của con người trải qua các nền văn minh khác nhau, với các hình thái kinh tế- xã hội khác nhau, thể hiện bản chất của từng loại hình tổ chức và bản sắc riêng của mỗi tổ chức trong mỗi hoàn cảnh nhất định.
Theo nghĩa đen, văn hoá ĐMST nghĩa là trở thành đẹp, trở thành mới, trở thành có giá trị. Nhờ tính giá trị mà ta phân biệt được cái có giá trị với cái không có giá trị, tồn tại ở dạng vật chất (văn hoá vật thể) và hoặc tinh thần (văn hoá phi vật thể). Nhờ có giá trị mà chúng ta phân biệt được cá nhân này khác với cá nhân khác kia. Xét về mặt ý nghĩa văn hóa có giá trị thẩm mỹ, bởi vì nó giúp mỗi người luôn vươn tới cái hay, cái đẹp của mình với tư cách là một con người.
Tính nhân sinh biểu hiện ở hai khía cạnh: 1) Do con người tạo ra; 2) Có tính nhân đạo. Văn hoá ĐMST do con người sáng tạo ra và nó phục vụ lại con người. Các giá trị do thiên nhiên tạo ra không thuộc phạm trù văn hoá, nó chỉ có văn hóa khi nó đem lại giá trị cho con người và con người cảm nhận được nó, nói cách khác đó là vật thể hóa các giá trị tinh thần. Do mang tính nhân sinh, văn hoá ĐMST có chức năng lan tỏa giá trị, có tác dụng liên kết các cá nhân trong các tổ chức, trong cộng đồng và xã hội với nhau. Vì vậy nó là sợi dây liên kết các chủ thể ĐMST trong hệ sinh thái ĐMST thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp.
Trong xu hướng phát triển mạnh mẽ của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 trên thế giới hiện nay, phát triển văn hóa ĐMST được kỳ vọng góp phần thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp ở những lĩnh vực mũi nhọn, đột phá, tạo ra giá trị kinh tế lớn và rất cần sự quan tâm, ưu tiên phát triển của nhà nước cũng như của doanh nghiệp dù ở bất cứ quốc gia nào. Chính vì thế, việc định hình và xác định rõ chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan nhà nước và doanh nghiệp trong việc phát triển văn hóa ĐMST để thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp là vô cùng quan trọng, cấp bách và cần thiết.
Cộng đồng khởi nghiệp tại Việt Nam hiện nay cho rằng, Việt Nam “đang ở trong thời kỳ bùng nổ của làn sóng khởi nghiệp thứ hai, với mốc thời gian 2016 là năm có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc nhân rộng và đặt nền tảng cho những chặng đường tiếp theo của cộng đồng khởi nghiệp trong nước”. Để đạt được các thành công vượt bậc, doanh nghiệp khởi nghiệp Việt Nam không thể hoạt động riêng lẻ mà phải đặt trong hệ sinh thái khởi nghiệp rộng lớn để hỗ trợ, hợp tác và cùng phát triển. Hiện nay, tinh thần khởi nghiệp đang rất cần sự hỗ trợ từ các chính sách đổi mới sáng tạo của nhà nước và của các doanh nghiệp.
Có nhà nước định hướng văn hóa đổi mới sáng tạo, thì xã hội, cá nhân mới định hướng đổi mới sáng tạo dễ dàng theo, mới có đầy đủ không gian cho sự xuất hiện nhiều của những diễn viên kinh tế bản xứ có vai trò xứng đáng trong nền kinh tế nội địa và toàn cầu. William Arthur Lewis, nhà kinh tế học giải Nobel 1979 đã minh họa: “Hành xử (behaviour) của chính quyền đóng vai trò quan trọng trong việc kích thích hay làm nản lòng hoạt động kinh tế ngang với hành xử của các doanh nhân (entrepreneur), hay cha mẹ, hay các nhà khoa học hoặc tu sĩ”. Với sự phát triển như vũ bão của khoa học và công nghệ 36 hiện nay, Việt Nam cần phải có văn hóa đổi mới sáng tạo, trong các cơ quan nhà nước, có định hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa với một chính phủ chuyên nghiệp tạo môi trường thuận lợi cho các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo dễ dàng, khuyến khích những tài năng và ý tưởng tốt nẩy mầm, khuyến khích con người có tham vọng, có hoài bão, có ý chí vươn lên sản xuất, kinh doanh, làm giàu cho bản thân, gia đình và xã hội. Nhà nước luôn luôn phải có văn hóa ĐMST, luôn tái tạo, thay đổi, đem lại sự tiến bộ về chất lượng và đặc biêt phát huy hết giá trị sáng tạo của các thành phần kinh tế thông qua các chính sách, pháp luật cũng như hành xử có văn hóa cộng vụ của mình trước đòi hỏi của xã hội.
Phát triển văn hóa ĐMST trong các doanh nghiệp giúp doanh nghiệp Việt Nam đuổi kịp các nước phát triển. Bài học ở các nước này là đều tích cực đầu tư cho hoạt động ứng dụng và khởi nghiệp đổi mới sáng tạo để chiếm lĩnh các vị trí dẫn đầu trong các chuỗi sản xuất và cung ứng dịch vụ toàn cầu. Tại Việt Nam, khởi nghiệp sáng tạo là một trong những mục tiêu cấp quốc gia nhằm khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp có tinh thần khởi nghiệp, tăng tính cạnh tranh trên thị trường quốc tế. Xây dựng văn hóa ĐMTS trong doanh nghiệp là phát triển doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo có khả năng tăng trưởng nhanh về quy mô khách hàng, doanh thu, lợi nhuận... dựa trên khai thác tài sản trí tuệ, công nghệ, mô hình kinh doanh mới nên khởi nghiệp sáng tạo luôn chứa đựng các yếu tố rủi ro cao, nhưng một khi doanh nghiệp khởi nghiệp vượt qua các khó khăn, thách thức ban đầu sẽ đem lại các giá trị xứng đáng góp phần cho sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Có thể tìm đọc báo cáo kết quả nghiên cứu (mã số 17892/2020) tại Cục Thông tin khoa học và công nghệ quốc gia.
Đ.T.V (NASATI)