Nghiên cứu đề xuất giải pháp góp phần phát triển thị trường đường sản xuất trong nước trong bối cảnh thực thi các cam kết hội nhập
- Thứ năm - 01/06/2023 11:02
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Cây mía có nguồn gốc nhiệt đới, do đó với điều kiện thổ nhưỡng và thời tiết thuận lợi của Việt Nam, cây mía có khả năng cho năng suất rất cao. Việt Nam rất thích hợp cho việc phát triển mía nguyên liệu phục vụ cho ngành công nghiệp chế biến đường.
Đường hiện được Chính phủ xác định là mặt hàng thiết yếu phục vụ nhu cầu đời sống nhân dân và được thực hiện bình ổn giá. Trong giai đoạn 2011-2020, sản lượng đường sản xuất trong nước dao động trong khoảng 1,1 đến 1,5 triệu tấn/năm. Với nhu cầu tiêu thụ dao động từ 1,2 - 1,5 triệu tấn, hàng năm Việt Nam vẫn nhập khẩu một lượng đường nhất định để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước. Tuy nhiên, trong giai đoạn 2011-2020, thị trường đường sản xuất trong nước vẫn còn gặp rất nhiều khó khăn. Với sự phụ thuộc vào nguyên liệu sản xuất chính từ cây mía - sản xuất chịu nhiều ảnh hưởng của thời tiết, dịch bệnh và mang tính mùa vụ rõ rệt, giá đường sản xuất trong nước có thể bất ổn trong các thời điểm giáp vụ hoặc đầu vụ mới khi nhu cầu tiêu dùng đường tăng cao. Giá đường trong nước cũng chịu ảnh hưởng từ giá đường thế giới. Khi có sự chênh lệch giữa giá đường trong nước và giá đường ở các thị trường lân cận khác đã dẫn tới hiện tượng nhập lậu đường. Hiện tượng đường lậu Thái Lan nhập lậu qua biên giới Campuchia vào Việt Nam đã gây không ít khó khăn cho việc quản lý, giám sát và điều hành thị trường đường nội địa. Đường nhập lậu làm cho các doanh nghiệp ngành mía đường rơi vào tình trạng không tiêu thụ được sản phẩm, dẫn tới việc giảm giá mua mía khiến người nông dân bỏ mía trồng các loại cây khác, gây nên tình trạng thiếu vùng nguyên liệu... cho đường sản xuất trong nước. Bên cạnh đó, trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế, Việt Nam tham gia ký kết nhiều hiệp định song phương và đa phương. Mặt hàng đường do đó cũng chịu sự tác động của các cam kết hội nhập như cam kết trong WTO (Tổ chức Thương mại Thế giới), Hiệp định Thương mại Hàng hóa ASEAN (ATIGA)…
Trong thời gian tới đây, Việt Nam tiếp tục thực hiện các cam kết thế hệ mới như Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) có hiệu lực kể từ ngày 14 tháng 01 năm 2019, Hiệp định thương mại tự do Việt Nam và Liên minh châu Âu - EU (EVFTA)… Việc tham gia các cam kết hội nhập cũng có những mặt tích cực như mang lại thêm nhiều sự lựa chọn cho người sử dụng đường trực tiếp cũng như các doanh nghiệp sản xuất sử dụng đường làm nguyên liệu chế biến thực phẩm. Mặt tiêu cực của các cam kết đó là sẽ tác động trực tiếp đến các nhà máy đường, thị trường đường sản xuất trong nước. Trong năm 2020, tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp trên phạm vi toàn cầu đã có ảnh hưởng tiêu cực đến thị trường hàng hóa thế giới nói chung, trong đó có mặt hàng đường. Theo thống kê của Hiệp hội mía đường Việt Nam (VSSA) vào tháng 5 năm 2020, 1/3 số nhà máy đường phải đóng cửa, gần như các doanh nghiệp không bán được hàng do nhu cầu tiêu thụ kém. Trong khi đó, doanh nghiệp vẫn giữ giá thu mua mía ổn định để nông dân không chuyển sang loại cây trồng khác. Đến các tháng cuối năm 2020, tình hình thị trường đường sản xuất trong nước vẫn tiếp tục chịu tác động ảnh hưởng của dịch Covid-19...
Trong thời gian qua đã có một số công trình nghiên cứu về mặt hàng và thị trường đường nhưng chưa có nghiên cứu nào đánh giá một cách toàn diện về thực trạng phát triển thị trường đường sản xuất trong nước giai đoạn 2011-2020 và đề xuất giải pháp góp phần phát triển thị trường đường sản xuất trong nước trong bối cảnh thực thi các cam kết hội nhập, nhất là giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2035. Chính vì vậy, nhằm góp một phần nhỏ trong việc giải quyết những hạn chế, tồn tại của thị trường đường sản xuất trong nước, bảo đảm sự ổn định và phát triển thị trường một cách có trật tự, bảo đảm sự điều tiết vĩ mô của Nhà nước, thực hiện mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa, góp phần phát triển ổn định kinh tế trong nước trong bối cảnh thực thi các cam kết hội nhập, nhóm nghiên cứu, Vụ Thị trường trong nước, do ThS. Hoàng Anh Tuấn đứng đầu đã đề xuất thực hiện đề tài: “Nghiên cứu đề xuất giải pháp góp phần phát triển thị trường đường sản xuất trong nước trong bối cảnh thực thi các cam kết hội nhập”.
Sau một thời gian triển khai thực hiện, đề tài đưa ra một số kết luận sau:
(1) Trước hết, đề tài đã cố gắng hệ thống hóa một số vấn đề chung về phát triển thị trường đường sản xuất trong nước (đặc điểm của thị trường đường sản xuất trong nước, phân loại thị trường tiêu thụ đường sản xuất trong nước); làm rõ các nội dung chủ yếu của phát triển thị trường đường sản xuất trong nước của một quốc gia; chỉ ra được các nhân tố tác động đến phát triển thị trường đường; đồng thời giới thiệu về kinh nghiệm của Ấn Độ, Thái Lan và Phillippines trong phát triển thị trường đường sản xuất trong nước và rút ra bài học kinh nghiệm có thể áp dụng cho Việt Nam.
(2) Bên cạnh việc phân tích thực trạng phát triển thị trường đường sản xuất trong nước giai đoạn 2011 – 2020 (tình hình cung mặt hàng đường, nhu cầu tiêu thụ mặt hàng đường, giá và các yếu tố tác động đến giá đường, cạnh tranh trên thị trường trong nước, Đề tài đã đi sâu vào phân tích thực trạng các chính sách tác động đến thị trường đường sản xuất trong nước và đánh giá khái quát về việc tổ chức thực hiện các chính sách này; xác định được những thành tựu đạt được, những hạn chế và nguyên nhân, những vấn đề đặt ra cần giải quyết đối với phát triển thị trường đường sản xuất trong nước.
(3) Cùng với việc đưa ra mục tiêu, quan điểm và định hướng các giải pháp phát triển thị trường đường sản xuất trong nước giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2035, Đề tài đã đề xuất một số nhóm giải pháp phát triển thị trường trong nước trong giai đoạn trên như: Các giải pháp từ phía Nhà nước, doanh nghiệp… Đồng thời, Đề tài đã đưa ra một số kiến nghị đối với Nhà nước, đối với doanh nghiệp hiệp hội... nhằm góp phần phát triển thị trường đường sản xuất trong nước trong bối cảnh thực thi các cam kết hội nhập.
Sản phẩm của nhiệm vụ mang tính chất định hướng chính sách, có khả năng áp dụng tại Việt Nam, không có khả năng thương mại hóa.
Có thể tìm đọc toàn văn Báo cáo kết quả nghiên cứu của Đề tài (Mã số 18324/2020) tại Cục Thông tin khoa học và công nghệ quốc gia.
P.T.T (NASATI)